Đại biểu Nguyễn Thanh Tuấn (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho biết, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân phát động và nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội quản lý đã tạo động lực cho anh vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu.
Anh Tuấn chia sẻ, quê anh vốn là vùng đất nghèo, bốn bề toàn cát trắng, nên việc sản xuất nông nghiệp vô cùng khó khăn. Được sự động viên của chính quyền địa phương, hội đoàn thể, anh Tuấn mạnh dạn vay 500 triệu đồng vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển kinh tế. Có vốn trong tay, anh Tuấn cùng gia đình mạnh dạn xây dựng trang trại tổng hợp với diện tích gần 7.000 m2 và đang mở rộng trên 20.000 m2.
Mô hình sản xuất tổng hợp của anh Nguyễn Thanh Tuấn gồm trồng cây ăn quả, trồng rau trong nhà lưới, chăn nuôi tổng hợp: lợn cỏ miền núi, vịt trời, gà Đông Tảo, nhông cát, kỳ đà, rắn mối, dê sinh sản, gà sao, gà thả vườn... Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay trang trại chăn nuôi của anh Tuấn cho hiệu quả kinh tế khá cao, doanh thu trên 7,5 tỷ đồng/năm, lãi ròng trên 2 tỷ đồng.
Lý giải về thành công của mình, anh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, anh luôn nghiên cứu, đưa ra giải pháp cải tiến trong quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng nhông cát đạt hiệu quả. Sáng kiến của anh đã đoạt giải Khuyến khích của Hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam lần thứ 5” và đạt giải 3 Hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật nhà nông toàn quốc”.
“Nếu không có nguồn vốn từ Quỹ hội, tôi sẽ không có đủ động lực để tạo sự bứt phá trong sản xuất, kinh doanh và gặt hái được thành công như hôm nay”, anh Tuấn khẳng định.
Là một trong những đại diện hợp tác xã báo cáo tham luận tại Đại hội, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (tỉnh Phú Yên) cho biết, việc chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã đã giúp hợp tác xã của ông hoạt động hiệu quả, thu hút được sự tham gia của đông đảo nông dân.
Dịch vụ của hợp tác xã là bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật các loại; bán lẻ xăng dầu; sản xuất và tiêu thụ lúa giống nguyên chủng; dịch vụ cày làm đất, thu hoạch lúa, thu gom rác thải. Hiện diện tích sản xuất lúa giống của Hợp tác xã là khoảng 10 ha với sản lượng 165 tấn/năm.
Theo ông Tuấn, để giữ vững làng nghề truyền thống về trồng dâu nuôi tằm, Hợp tác xã đã chỉ đạo cho thành viên có diện tích trồng dâu, nuôi tằm, chú trọng chăm sóc cây dâu để đủ lá làm thức ăn cho tằm; liên doanh liên kết với siêu thị Co.opmart tỉnh Phú Yên và 15 đại lý bán rượu tằm trong toàn tỉnh để tiêu thụ. Năm 2017-2018, Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong đã bán được 1.200 lít rượu tằm, thu được 222 triệu đồng.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã đã vận động thành viên trong tham gia đóng góp 1,8 tỷ đồng, đầu tư xây dựng các tuyến kênh mương và cứng hóa bằng đất, sỏi đồi các tuyến giao thông nội đồng. Từ năm 2012-2018, Hợp tác xã đã thực hiện nâng cấp, mở rộng, cứng hóa 19 tuyến đường nội đồng với tổng chiều dài 14,3 km, tổng kinh phí 427.790.000 đồng; đổ bê tông 10 tuyến kênh mương nội đồng với tổng chiều dài 4,827 km, tổng kinh phí trên 3,86 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, việc liên kết mà Hội Nông dân đóng vai trò kết nối là chìa khóa để các doanh nghiệp thành công.
Ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất - Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng khẳng định, sức mạnh của sự liên kết giữa nông dân với nông dân sẽ hóa giải mọi khó khăn. Ông Khánh cho biết, nhờ đổi mới mô hình hoạt động, từ một hợp tác kiểu cũ, hợp tác xã Tân Thông Hội đã tập hợp được những nông dân ưu tú nhất trong sản xuất, kinh doanh, với số lượng 300 thành viên, tạo nên những bước đột phá.
Hiện tổng đàn bò sữa của các thành viên là khoảng 5.000 con; vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh của Hợp tác xã là thu mua sữa bò tươi, cung cấp phụ phẩm thức ăn chăn nuôi bò, hỗ trợ dịch vụ thú y, gieo tinh, vận chuyển sữa bò tươi, kinh doanh khai thác và quản lý chợ, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; tổng doanh thu năm 2017 của Hợp tác xã đạt 107 tỷ đồng.
Đến nay, Hợp tác xã đã xây dựng được 4 trạm thu mua sữa để tổ chức tiêu thụ sữa bò tươi của các thành viên và hộ nông dân. Ngoài ra, Hợp tác xã còn xây dựng phòng thí nghiệm phân tích chất lượng sữa được trang bị các loại máy móc, thiết bị sử dụng phương pháp phân tích theo các chỉ tiêu về: Vi sinh, cảm quan, lý hóa. Từ khi có phòng thí nghiệm, Hội đồng quản trị Hợp tác xã đã tạo tin tưởng cho các xã viên và các hộ nông dân về chất lượng sữa bò tại hộ của mình.
Một bước tiến mới trong hoạt động của Hợp tác xã là đầu tư dự án xây dựng nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi. Nhà máy chế biến sữa bò tươi nguyên liệu thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn, sữa chua uống... mang thương hiệu Củ Chi Milk. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 3.050 m2 tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, với tổng kinh phí đầu tư 37 tỷ đồng.
“Nếu không có sự liên kết, nghề chăn nuôi bò sữa ở Tân Thông Hội đã không phát triển mạnh như hiện nay. Hội Nông dân đã làm rất tốt vai trò cầu nối giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp; luôn đồng hành cùng nông dân trong quá trình phát triển sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ”, ông Khánh nhấn mạnh.
Các nông dân, đại diện doanh nghiệp, Hợp tác xã về dự Đại hội chia sẻ, bí quyết thành công là nhờ trong sản xuất, cơ cấu lịch thời vụ hợp lý. Các dịch vụ phục vụ sản xuất như: Giao thông, thủy lợi nội đồng, bảo vệ thực vật, công tác khuyến nông, công tác thú y bảo vệ đàn gia súc, gia cầm được Hợp tác xã thực hiện tốt... Đặc biệt, Hội Nông dân Việt Nam ngày càng phát huy tốt vai trò của mình trong hoạt động sản xuất nông nghiệp...