Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các kết quả nghiên cứu khoa học do Nhà nước đầu tư vốn được quy định rõ ràng và chi tiết hơn trong Luật sẽ khuyến khích "biến" các kết quả nghiên cứu thành tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản nhà nước đầu tư. Đồng thời khẳng định khi Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, ứng dụng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.
Khuyến khích "biến" các kết quả nghiên cứu thành tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng: Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019 đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt - quyền sở hữu trí tuệ nhưng thực tiễn thi hành cùng với việc Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng cho thấy việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này là cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả trong việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Điểm sáng" của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này là việc quy định rõ ràng, chi tiết trong việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng... là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì sẽ khuyến khích "biến" các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và khai thác tài sản trí tuệ của Việt Nam, tạo bước đột phá trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.
Điểm nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này cho phép chuyển quyền sử dụng một số quyền nhân thân theo thỏa thuận phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả nhằm giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thời gian qua như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính... Ngoài ra, việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí... tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì và trở thành chủ sở hữu khi các đối tượng này được cấp văn bằng bảo hộ; đồng thời bổ sung các quy định để Nhà nước vẫn kiểm soát việc khai thác có hiệu quả, cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì (chủ văn bằng bảo hộ) và lợi ích của Nhà nước với tư cách là "chủ đầu tư" và lợi ích xã hội sẽ khuyến khích việc khai thác và phát triển và xác lập quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, Luật tạo thuận lợi theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, minh bạch cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là thúc đẩy chuyển đổi số, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng việc thi hành các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm...
Sửa đổi, bổ sung theo hướng mở
Sau khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được thông qua, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai thực hiện việc Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định hướng dẫn thi hành Luật để các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cùng thời điểm với Luật từ ngày 1/1/2023. Một số văn bản quy định chi tiết hay hướng dẫn thi hành như các nghị định, thông tư trong từng lĩnh vực, từng vấn đề liên quan đến quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để có thể áp dụng sau khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có hiệu lực.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam.
Để Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai một số hoạt động để phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật như: Tuyên truyền, phổ biến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; các hội thảo, tọa đàm đến các nhóm chủ thể liên quan như cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp...
Đồng thời, thực hiện các thủ tục để xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo kế hoạch, trong đó ưu tiên thực hiện việc sửa đổi một số nghị định của Chính phủ như Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quản lý nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng, Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung sẽ mang lại những thay đổi tích cực hơn nữa, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung.