Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tại cuộc gặp, hai bên bày tỏ vui mừng trước việc hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; đánh giá đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu quan hệ hai nước đã bước sang giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn xa hơn, mục tiêu to lớn hơn; nhất trí tăng cường phối hợp để thực hiện các mục tiêu này cũng như để triển khai các thỏa thuận đã đạt được của lãnh đạo cấp cao hai nước trong chuyến thăm.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ số, điện tử, phát triển hạ tầng, khu công nghiệp chuyên sâu...; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác về chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; đề nghị Hàn Quốc tạo điều kiện để các mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Hàn Quốc góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho khẳng định Chính phủ Hàn Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam luôn là đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc; nhất trí hai bên phối hợp chặt chẽ cùng hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn của khuôn khổ quan hệ mới Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc trên các lĩnh vực đa dạng. Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho đề nghị hai nước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kỹ thuật số, ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghiệp thân thiện môi trường; cam kết Hàn Quốc sẽ mở rộng cung cấp vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam thông qua Khung hợp tác về sử dụng viện trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc trong khuôn khổ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) đã được ký kết trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; mong muốn Chính phủ Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức tài chính Hàn Quốc vào Việt Nam, qua đó hỗ trợ mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam.
Hai Phó Thủ tướng đánh giá cao tính hiệu quả của hợp tác lao động giữa hai nước, nhất trí mở rộng các ngành nghề tiếp nhận lao động và các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu; nhất trí trao đổi với các cơ quan liên quan cùng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đi lại, xuất nhập cảnh và cư trú của công dân mỗi bên tại bên còn lại, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động hợp tác văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.