Ông đánh giá thế nào về truyền thống hữu nghị và mối quan hệ hợp tác giữa Quảng Trị với các tỉnh Savanakhet và Salavan của nước bạn Lào?
Cùng chung truyền thống đoàn kết, hữu nghị quý báu của hai dân tộc Việt Nam và Lào, lại có chung hơn 180 km đường biên giới đất liền với hai tỉnh Savannakhet và Salavan của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn nhận thức sâu sắc rằng, phát triển hợp tác toàn diện với các địa phương của nước bạn Lào có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng hai nước nói chung, sự nghiệp phát triển của tỉnh Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào nói riêng.
Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm và tự hào rằng, tỉnh Quảng Trị đã cùng với hai tỉnh Savannakhet và Salavan góp phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng, giữ gìn và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Đồng thời luôn tâm niệm rằng, những thắng lợi trong chiến đấu chống ngoại xâm, những thành tựu trong xây dựng của tỉnh Quảng Trị đều có sự giúp đỡ chí tình, chí lý của cán bộ và nhân dân hai tỉnh Savannakhet, Salavan. Với vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có hai cửa khẩu quốc tế, Quảng Trị là cầu nối giao lưu quan trọng về kinh tế, văn hóa kết nối miền Trung Việt Nam với các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đặc biệt, với các tỉnh bạn Lào, sự phát triển hợp tác toàn diện giữa Quảng Trị với Savannakhet và Salavan có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Thực tế những năm qua cho thấy, quan hệ hợp tác giữa Quảng Trị với các tỉnh bạn Lào, trước hết là với hai tỉnh Savannakhet và Salavan tiếp tục có những bước phát triển mới, tích cực và hiệu quả. Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan đã hợp tác trên tất cả các lĩnh vực theo từng giai đoạn. Nhiều lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao và du lịch, khoa học - công nghệ, thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, công tác biên giới, đối ngoại nhân dân đều có nhiều tiến bộ, kết quả tích cực.
Trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan, hai bên đều bày tỏ hài lòng nhận thấy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai bên không ngừng được củng cố và tăng cường, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân của mỗi tỉnh. Thành quả lớn nhất đạt được trong hợp tác giữa Quảng Trị với hai tỉnh Savannakhet và Salavan chính là nâng cao đời sống và thắt chặt, vun đắp mối quan hệ ngày càng khăng khít, keo sơn bền chặt của người dân hai bên biên giới.
Thưa ông, trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ đó, tiềm năng, thế mạnh của Quảng Trị là gì? Tỉnh đã phát huy thế mạnh đó trong hợp tác, phát triển với các tỉnh nước bạn Lào như thế nào?
Tỉnh Quảng Trị là điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) về phía Việt Nam, nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đến cảng biển Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước liên quan trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Đây là điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam cũng như Quảng Trị nói riêng mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch với các nước trong khu vực. Hành lang kinh tế Đông - Tây không chỉ đem lại cơ hội cho các quốc gia trên tuyến EWEC nói chung và các tỉnh bạn Lào nói riêng, đẩy mạnh hợp tác khu vực và nâng cao mức sống cho nhân dân, mà còn tạo khả năng cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các vùng nguyên liệu, thị trường dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động..., nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và buôn bán qua biên giới, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Quảng Trị có hai cảng biển Cửa Việt, Mỹ Thủy là điều kiện hết sức thuận lợi để mở rộng giao thương, phát triển kinh tế biển trong và ngoài nước, là những cảng ra biển cho các tỉnh Bắc Trung Bộ của Việt Nam và cho các tỉnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar...
Ngoài khơi cách đất liền 13 hải lý, huyện đảo Cồn Cỏ là một đảo duy nhất thuộc tỉnh Quảng Trị có ngư trường rộng lớn, trữ lượng hải sản đồi dào, tập trung nhiều loại hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Cồn Cỏ có hệ sinh thái đa dạng đã thu hút rất nhiều khách du lịch từ Lào sang tham quan, nghĩ dưỡng, tắm biển và thưởng thức các món ăn hải sản đặc trưng.
Quảng Trị còn những thế mạnh về du lịch, giao thông khá thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy.
Với vị trí địa lý liền kề và mối quan hệ truyền thống đặc biệt, định hướng phát triển tương đồng trong xu thế hội nhập quốc tế, tỉnh Quảng Trị và các tỉnh nước bạn Lào đã thiết lập mối quan hệ hợp tác đặc biệt. Rất nhiều chương trình, dự án được quan tâm xúc tiến và triển khai hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế, dân sinh cao.
Nhằm tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh về EWEC, Quảng Trị đã có những sáng kiến để cùng với các địa phương của Lào, các bộ, ban, ngành Trung ương hai nước, các tổ chức quốc tế và cơ quan liên quan tổ chức nhiều sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy kết nối, giảm thiểu các rào cản, tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng các dịch vụ, tạo thuận lợi cho du lịch, thương mại - đầu tư và giao thương qua biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và La Lay, góp phần củng cố hơn nữa quan hệ đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa các địa phương trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
Quảng Trị cùng với hai tỉnh Savannakhet, Salavan đã tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện có chung đường biên giới và các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau; phối hợp nghiên cứu các tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh để đề xuất cơ chế, kế hoạch hợp tác và phát triển.
Quảng Trị đã tham gia cùng các bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách vượt trội tại các khu kinh tế, thương mại giữa hai bên; có cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy thương mại biên giới phát triển, hợp tác để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu xuyên biên giới phục vụ chế biến và xuất khẩu. Triển khai thực hiện Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.
Để mối quan hệ hợp tác chặt chẽ đó ngày càng bền vững, phát triển hơn, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế, giao thương, Quảng Trị và các tỉnh bạn sẽ ưu tiên thực hiện những kết nối nào, thưa ông?
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, tôi cho rằng, hợp tác về kinh tế giữa hai bên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mối quan hệ tốt đẹp trong lĩnh vực chính trị. Chính vì vậy, đầu tháng 2 năm nay, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị đã làm việc với các tỉnh Savannakhet, Salavan, Champasak và Sekong của Lào. Hai bên tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, cũng như tạo điều kiện để cư dân khu vực hai biên giới có điều kiện thông thương, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển thương mại biên giới. Hai bên thống nhất kiến nghị Chính phủ hai nước nâng cấp một số cửa khẩu phụ lên Cửa khẩu chính.
Trước mắt, nâng cửa khẩu Cóc và A Xóc của Quảng Trị và Salavan thành cửa khẩu chính. Về lâu dài, Quảng Trị kêu gọi tài trợ quy hoạch cho hai tỉnh Savannakhet và Salavan, để đồng bộ nét tương đồng giữa ba tỉnh. Tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư quy hoạch, để phát triển năng lượng, khai khoáng, chế biến, sản xuất công nghiệp…
Hiện Quảng Trị đã thành lập tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu giữa Quảng Trị và Savannakhet để đề xuất thành lập một Khu thương mại xuyên biên giới giữa Lao Bảo và Densavan; nghiên cứu hình thành cơ chế, chính sách vượt trội giữa La Lay của Việt Nam và La Lay của Lào để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới. Đồng thời, các tỉnh Savannakhet, Salavan cũng thành lập một tổ nghiên cứu tương ứng để đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu cho ba tỉnh có cơ chế, chính sách vượt trội để hình thành khu thương mại xuyên biên giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2040.
Đây chính là những dư địa, tiềm năng để các tỉnh Quảng Trị, Savannakhet, Salavan phát huy trong thời gian tới. Nếu được Chính phủ của hai nước đồng thuận cho những cơ chế đặc biệt, tôi tin tưởng Quảng Trị, Savannakhet và Salavan sẽ bứt phá, tạo được cú huých phát huy lợi thế ở đầu cầu Hành lang kinh tế Đông - Tây; xóa đói, giảm nghèo cho người dân và giữ vững an ninh biên giới, quốc gia của mỗi nước.
Trân trọng cảm ơn ông!