Tham dự Hội thảo có đông đảo đại biểu là nhà ngoại giao, nhà khoa học, chuyên gia... đến từ Việt Nam và Ấn Độ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang nhấn mạnh, quan hệ đối tác của Việt Nam - Ấn Độ đã có cách đây khoảng 2.000 năm. Hai nước có sự tương đồng về văn hóa, đây chính là nền tảng cho sự chia sẻ các niềm tin và giá trị chung về tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật...
Mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, dựa trên nền tảng mối liên kết lịch sử và văn hóa lâu đời, các giá trị và lợi ích tương đồng, sự hiểu biết lẫn nhau cũng như cam kết chung đối với luật pháp quốc tế, có lòng tin chiến lược, đồng thời có sự chia sẻ chung về lợi ích; hỗ trợ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn khu vực và quốc tế như: quan hệ chính trị, đối tác quốc phòng và an ninh, đối tác kinh tế, đối tác phát triển, đối tác công nghệ, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, hợp tác đa phương và khu vực...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang cho rằng, trên cơ sở lợi ích giữa hai nước, thời gian tới, hợp tác giữa hai bên sẽ tập trung vào: tăng cường thương mại, chuỗi cung ứng mới; đối tác phát triển và cam kết các mục tiêu phát triển bền vững; hợp tác công nghiệp quốc phòng; quan hệ đối tác mới với các trọng tâm ưu tiên: an ninh mạng, an ninh hàng hải, sẵn sàng phục hồi sau thảm họa; hợp tác công nghệ: truyền thông, vũ trụ, hạt nhân dân dụng, năng lượng tái tạo, kinh tế kỹ thuật số...
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Tiến sĩ Phạm Cao Cường cho biết: Việt Nam - Ấn Độ đang bước vào năm thứ 50 quan hệ ngoại giao chính thức, 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Sự gắn kết này, mang lại thịnh vượng cùng cơ hội mới cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp của hai nước. Vì vậy, tất cả những hoạt động nhằm đẩy mạnh đối thoại chính trị và chiến lược, tăng cường hợp tác giáo dục và mở rộng chương trình hợp tác về quốc phòng sẽ được ưu tiên hàng đầu... Bên cạnh đó, hai bên cần thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu sau đại dịch COVID 19.
Cho đến nay, Việt Nam và Ấn Độ, là hai quốc gia đang phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quan hệ hợp tác giữa hai bên đang đứng trước những cơ hội phát triển mới đầy triển vọng. Những thành tựu tốt đẹp của lịch sử 50 năm hợp tác, sự tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên, sẽ là động lực để hướng tới nâng tầm quan hệ Việt Nam- Ấn Độ, trở thành Đối tác chiến lược toàn diện thắt chặt hơn nữa sự gắn kết giữa hai dân tộc.
Tiến sĩ PanKaj Jha, Trường Đại học các vấn đề quốc tế Jindal (Ấn Độ) khẳng định, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư từ Ấn Độ. Năng lực tổ chức và điều phối các sự kiện quốc tế, hội nghị thượng đỉnh đa phương và thành công của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, cùng việc đối phó với đại dịch COVID-19, đã nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có thể tham gia tích cực vào Sáng kiến Đại dương Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo Tiến sĩ PanKaj Jha, Ấn Độ và Việt Nam cần tận dụng các chính sách đối ngoại để thúc đẩy các chương trình hợp tác hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Hội thảo được chia làm 2 phiên: phiên thứ nhất Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới; phiên thứ hai Việt Nam - Ấn Độ hướng tới tương lai.
Các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ đề xuất các kiến nghị, các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ như: các phương án hợp tác đầu tư kinh tế; phương án hợp tác và giao lưu văn hóa xã hội...
Năm 2022 là kỷ niệm 20 năm đối thoại cấp cao ASEAN - Ấn Độ; 30 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại đầy đủ ASEAN - Ấn Độ và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển theo "chuẩn mực mới" nhằm đưa mối quan hệ lên một tầm cao mới, hướng tới "Tầm nhìn chung về Hòa bình, Thịnh vượng và Con người" dựa trên giá trị và lợi ích chung, sự tin tưởng và hiểu biết về chính trị.