Khu vực này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, trong đó Trung Đông chiếm 3/4 trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của thế giới và châu Phi là một trong những nơi cung cấp nguyên liệu lớn nhất thế giới. Để thích ứng với “tình trạng bình thường mới” và phục hồi kinh tế, Việt Nam và nhiều nước Trung Đông - châu Phi đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách kinh tế, tăng cường liên kết quốc tế, mở rộng các thị trường tiềm năng.
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bài viết: “Thúc đẩy quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với khu vực Trung Đông – châu Phi” của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi.
Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn với thế giới và khu vực. Dịch COVID-19 không chỉ làm chững lại nhịp sống trên toàn thế giới, mà còn khiến nhiều nước Trung Đông - châu Phi, vốn đã khó khăn về kinh tế, bất ổn về chính trị do sụt giảm giá dầu, sự gia tăng xung đột tại một số điểm nóng và hạn chế về hệ thống y tế, rơi vào suy thoái kép. Đồng thời, đại dịch đã làm gián đoạn nhiều kế hoạch tăng cường hợp tác song phương giữa khu vực này với các nước, trong đó có Việt Nam.
Để thích ứng với “tình trạng bình thường mới” và phục hồi kinh tế, Việt Nam và nhiều nước Trung Đông - châu Phi đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách kinh tế, tăng cường liên kết quốc tế, mở rộng các thị trường tiềm năng. Về phần mình, Việt Nam đã chủ động, sáng tạo thông qua nhiều hình thức linh hoạt để củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác toàn diện giữa hai bên với những kết quả thực chất.
Thứ nhất, quan hệ chính trị - đối ngoại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu thông qua nhiều hình thức linh hoạt.
Chúng ta đã chủ động thúc đẩy ngoại giao trực tuyến để duy trì đà hợp tác song phương với các nước khu vực trong bối cảnh các hoạt động trao đổi đoàn giữa hai bên bị gián đoạn do COVID-19. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã có hàng chục cuộc điện đàm trực tuyến với người đồng cấp các nước tại khu vực để trao đổi về những phương hướng lớn, các biện pháp cụ thể tăng cường quan hệ chính trị giữa hai bên, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế đi vào chiều sâu, bảo đảm tối đa lợi ích của công dân, doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực...
Nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai tham vấn, họp ủy ban hỗn hợp, giao lưu trực tuyến với các đối tác khu vực để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể, tìm kiếm các cơ hội mới. Đáng chú ý là các cơ chế hợp tác song phương vẫn được duy trì, như tham vấn Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Mozambique, họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ai Cập, kỳ họp lần thứ nhất Tiểu ban Hợp tác về Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Morocco…
Năm qua, ngoại giao y tế đã trở thành điểm sáng trong quan hệ Việt Nam với khu vực Trung Đông - châu Phi. Trong bối cảnh nhiều nước tại khu vực phải vật lộn đối phó với COVID-19, thậm chí không ít quốc gia rơi vào khủng hoảng y tế và nhân đạo. Với tinh thần tương thân tương ái, Chính phủ Việt Nam đã tích cực hỗ trợ vật tư y tế, khẩu trang cho bạn bè truyền thống ở châu Phi như: Algeria, Mozambique, Angola, Nam Phi và Nigeria. Ngoài ra, một số tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam cũng ủng hộ nhân dân các nước Trung Đông - châu Phi bằng nhiều hình thức như: trao tặng tiền, gạo, hàng triệu khẩu trang...
Trong các buổi trao đổi ở các cấp, Việt Nam luôn chủ động chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh hợp tác y tế. Các nước Trung Đông - châu Phi đánh giá rất cao, coi đây là minh chứng sống động cho quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung, son sắt, liên tục được vun đắp bằng những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ giúp đỡ quý báu dành cho nhau từ những năm tháng chiến tranh lịch sử cho tới ngày nay. Điều này đã góp phần đề cao hình ảnh một Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm với bạn bè khu vực.
Với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, việc Việt Nam triển khai một bệnh viện dã chiến cấp 2 và cử 11 sỹ quan tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, đóng góp thiết thực vào những nỗ lực kiến tạo hòa bình chung tại khu vực này. Hơn nữa, việc thúc đẩy bổ nhiệm Lãnh sự danh dự của Mozambique và Morocco tại Việt Nam và Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Israel cũng góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với một số nước khu vực.
Thứ hai, kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với khu vực tiếp tục đạt được nhiều kết quả thực chất.
Dù COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với khu vực do nhiều nước áp dụng biện pháp phong tỏa, giới nghiêm, đóng cửa hàng không, biên giới trên bộ và trên biển, song kim ngạch thương mại của Việt Nam với khu vực năm 2020 dự kiến vẫn đạt 17,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt 9 tỷ USD và nhập khẩu ước đạt 8,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, điện thoại di động, hàng điện tử gia dụng, dệt may, giày dép… đã thâm nhập tốt và có chỗ đứng tại thị trường khu vực, được người dân sở tại ưa chuộng và đánh giá cao về mẫu mã, giá cả, chất lượng. Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ khu vực các sản phẩm như dầu thô, khí đốt, kim liệu, nguyên liệu thô… để phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước.
Hợp tác về nông nghiệp, năng lượng, lao động, khoa học công nghệ văn hóa và giáo dục… giữa Việt Nam và Trung Đông - châu Phi cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Về năng lượng, chủ yếu là dầu khí, các dự án hợp tác của Việt Nam với các đối tác ở khu vực Trung Đông - châu Phi, nhất là với Algeria, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)… đang được triển khai tích cực.
Về văn hóa, Đại sứ quán Việt Nam ở một số nước khu vực đã tổ chức một số sự kiện văn hóa, ra mắt các ấn phẩm thu hút đông đảo sở tại tham dự như những ngày Văn hóa Việt Nam tại Saudi Arabia (3-15/2/2020), ra mắt cuốn sách bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh… đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa cùng những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Đáng chú ý, để khắc phục những khó khăn trong giao thương, các bộ, ngành của Việt Nam đã chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường, đối tác mới, tiềm năng và tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu thông qua nhiều sáng kiến, hoạt động. Nổi bật là Diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam” (11/2020) đã góp phần khai mở một thị trường mới, rất tiềm năng và đẩy mạnh ngành chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi giá trị Halal thế giới. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động như Hội thảo Franconomics “Từ khởi nghiệp đến khởi nghiệp thông minh” (10/2020), “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - châu Phi” (10/2020) và “Giới thiệu tiềm năng thị trường Trung Đông - châu Phi” (7/2020)... cũng giúp tạo các khuôn khổ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tiềm năng tại khu vực.
Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy, xây dựng, hoàn thiện và ký kết các khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương với khu vực. Nổi bật là ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Israel, hoàn tất đàm phán, thủ tục phê duyệt nội dung Hiệp định khung hợp tác với Bờ biển Ngà, thiết lập cơ chế hợp tác cấp Bộ về môi trường và biến đổi khí hậu giữa Việt Nam và UAE…; đang thúc đẩy xây dựng, ký kết các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại một số nước trong khu vực cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực làm ăn tại Việt Nam.
Việc tiếp tục triển khai các dự án đầu tư viễn thông của Việt Nam trong năm 2020 sang một số nước châu Phi đã được Chính phủ và nhân dân các nước đánh giá cao, góp phần giúp người dân tại khu vực tăng cường tiếp cận các dịch vụ viễn thông và mở rộng cơ hội kết nối số trong khu vực và giữa khu vực với toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam đã tích cực vận động các đối tác tiềm năng của khu vực hỗ trợ về ODA. Đáng chú ý, năm 2020 Quỹ Saudi Arabia đã ký Hiệp định cho vay 20,3 triệu USD đối với Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho các huyện nghèo tỉnh Yên Bái”.
Thứ ba, Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi đã phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, tất cả các nước Trung Đông - châu Phi đều ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việt Nam luôn đồng hành cùng nhiều nước Trung Đông - châu Phi trong việc bảo vệ những giá trị cốt lõi vì hòa bình và phát triển, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tham gia giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh của Trung Đông - châu Phi. Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đóng vai trò cầu nối tích cực giữa ASEAN với một số nước, tổ chức tại khu vực như GCC, AU, đồng thời thúc đẩy Nam Phi ký văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC).
Nhiều bạn bè truyền thống và đối tác quan trọng tại khu vực đã đánh giá cao, chúc mừng Việt Nam đảm nhận thành công vai trò kép Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm nay với nhiều sáng kiến, văn kiện dấu ấn. Nhiều nước trong khu vực đã tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn tất tốt vai trò Ủy viên không thường trực trong năm tới và khẳng định phối hợp chặt chẽ với nước ta tại các diễn đàn đa phương và Liên hợp quốc nhằm bảo vệ lợi ích chung của các nước đang phát triển. Việt Nam cũng đã tích cực đẩy mạnh thiết lập quan hệ chính thức giữa Việt Nam với Liên minh châu Phi (AU), một khu vực thương mại tự do với 55 nước và 1,2 tỷ dân, đồng thời thúc đẩy thiết lập cơ chế đối thoại với các nước Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), nhằm mở rộng hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức khu vực quan trọng.
Có thể thấy, dù cùng chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, song dư địa và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông - châu Phi là rất lớn. Việt Nam luôn coi trọng và quan tâm đặc biệt đến tăng cường quan hệ với các quốc gia khu vực này. Nhiều nước Trung Đông - châu Phi cũng đang tích cực thực hiện chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Những kết quả thiết thực trong quan hệ giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi năm 2020 trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu là rất đáng khích lệ.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường hơn, nhiều cơ hội và thách thức mới đan xen. Với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, sự tin tưởng lẫn nhau và cùng khát vọng về độc lập, phát triển bền vững, thịnh vượng cho người dân, các kết quả hợp tác trong năm nay cùng với tiềm năng to lớn giữa hai bên sẽ tạo thêm sinh lực mới để Việt Nam và Trung Đông - châu Phi tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện. Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai bên không ngừng mở rộng. Quan hệ phát triển kinh tế giữa hai bên đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, đóng góp chung cho hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.