Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trong khu vực tiếp tục được củng cố và mở rộng. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Sudan vào tháng 2 năm 2019, nâng tổng số nước tại khu vực Việt Nam có quan hệ ngoại giao lên 69/70.
Lĩnh vực hợp tác kinh tế cũng có nhiều điểm sáng mới. Kim ngạch thương mại hai chiều với các nước trong khu vực ước đạt gần 19 tỷ USD trong năm 2019, tăng 300% so với năm 2008. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Trung Đông - châu Phi các hàng hóa, dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng và chất lượng cao, từ nông sản, dược phẩm, hàng tiêu dùng tới viễn thông, dịch vụ tài chính - ngân hàng… Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam không chỉ tiếp nhận trên 7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực mà cũng đã đầu tư vào khu vực trên 2,6 tỷ USD, chủ yếu thông qua các dự án viễn thông của Viettel tại một số quốc gia châu Phi, qua đó giúp người dân nơi đây tiếp cận dịch vụ viễn thông chất lượng cao với giá cả ưu đãi, mở rộng cơ hội kết nối số toàn cầu. Hợp tác nông nghiệp, năng lượng, giao thông, lao động và chuyên gia cũng là những lĩnh vực có nhiều chuyển biến trong hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực.
Với tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vào kiến tạo hòa bình ở khu vực. Sứ mệnh chung về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các điểm nóng như Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan đã có sự đóng góp to lớn của những người lính cụ Hồ trong cả vai trò duy trì hòa bình và hỗ trợ phát triển. Sự đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam thời gian qua trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu, trong đó có nhiều vấn đề của khu vực Trung Đông - châu Phi đã nhận được sự tin tưởng và tín nhiệm của các nước trong khu vực. Điều này được minh chứng rõ nét qua sự ủng hộ gần như tuyệt đối của toàn bộ các nước Trung Đông - châu Phi dành cho Việt Nam trong quá trình ứng cử vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tại Hội nghị gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đối với Việt Nam, quan hệ với các nước Trung Đông–châu Phi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Khởi nguồn từ khát vọng chung về độc lập, tự do từ những năm 50 của thế kỷ 20, mối quan hệ này không ngừng được vun đắp bằng những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ, giúp đỡ chân tình, quý báu mà Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi dành cho nhau trong thời kỳ đấu tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc. Bước sang giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước, Việt Nam cùng các nước Trung Đông – châu Phi tiếp tục cùng nhau vượt qua các thách thức chung, nỗ lực mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước, đồng thời bảo vệ những lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển trong cộng đồng quốc tế. Đây chính là nền tảng, giá trị vững chắc đưa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Trung Đông – châu Phi trở thành những người bạn thủy chung, son sắt và là những đối tác quan trọng của nhau.
Cho rằng tiềm năng, nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi còn rất lớn và đa dạng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tin tưởng Việt Nam có khả năng đáp ứng các nhu cầu hợp tác ngày càng cao và đa dạng của các nước Trung Đông – châu Phi. Đặc biệt, khi đảm nhận hai trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có thể là cầu nối để thúc đẩy các nội dung hợp tác cùng quan tâm trong khuôn khổ ASEAN, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, trong đó có nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông – châu Phi.
“Cùng chia sẻ khát vọng hòa bình, hướng tới các mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, tận dụng cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự tương đồng về trình độ phát triển và nền kinh tế có tính bổ trợ cao, chúng ta có những lợi thế lớn để thúc đẩy hợp tác toàn diện, nhất là trong các lĩnh vực giàu tiềm năng như thương mại, đầu tư, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp, lao động, du lịch”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, có nhiều nhân tố, điều kiện thuận lợi tạo nên sự phát triển mang tính đột phá trong quan hệ Việt Nam với khu vực. Trước hết phải kể đến tình cảm chân thành và niềm tin của Lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai bên dành cho nhau. Mối liên kết đặc biệt đó bắt nguồn từ sự chia sẻ giữa Việt Nam và các nước khu vực về khát vọng chung về độc lập, tự chủ, hòa bình và nỗ lực mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt. Chính điều này đã đưa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Trung Đông - châu Phi xích lại gần nhau, trở thành những người bạn thủy chung, son sắt và những đối tác quan trọng của nhau. Một nhân tố thuận lợi khác là tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi đang ngày càng được củng cố, tăng cường. Với những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi sẽ là thị trường đầu tư, thương mại và là điểm đến du lịch đầy hấp dẫn và đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp mỗi bên. Đặc biệt, sự chủ động của chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, cùng với quyết tâm chính trị cao, hai bên tích cực trao đổi thực chất và triển khai nhiều biện pháp toàn diện, đồng bộ nắm bắt tốt nhất cơ hội, khai thác tối đa tiềm năng và nhu cầu mỗi bên, khắc phục khó khăn, đưa hợp tác song phương đi vào hiệu quả, thực chất.
Cùng với sự tương đồng về trình độ phát triển, tính bổ trợ cao của nền kinh tế, những thành tựu to lớn về tăng trưởng kinh tế và trong ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đã và đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới đầy hứa hẹn. Những thành tựu về kinh tế đạt được trong năm qua sẽ là tiền đề quan trọng để hai bên mở rộng, làm tốt hơn nữa hợp tác về chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh để cùng hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm, đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân nói chung, hướng tới thực hiện mục tiêu chung về hợp tác cùng phát triển.