Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu bế mạc, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, một trong những điểm nổi bật của Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI là các nhà khoa học đã đề cập đến những nghiên cứu về Việt Nam từ nhiều khía cạnh, nhiều phương diện. Ngoài những vấn đề về tư tưởng, lịch sử, ngôn ngữ, văn học, Hán Nôm, dân tộc, tôn giáo, Hội thảo còn tập trung vào mối quan hệ của Việt Nam với thế giới, đề cập toàn diện các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, giáo dục, môi trường,… của Việt Nam từ góc độ Việt Nam học.
Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu và thảo luận, có thể còn những điểm chưa thống nhất với nhau, nhiều vấn đề mới đặt ra chưa có lời giải, song đây chính là chất liệu quý báu cùng tìm kiếm cơ hội tiếp tục thảo luận sâu, hiệu quả hơn. Hội thảo lần này đã tiếp nối được thành công 5 kỳ Hội thảo Quốc tế Việt Nam học trước đây.
Ngoài phiên Khai mạc, phiên Bế mạc, còn có các phiên họp của 10 Tiểu ban chuyên môn được tổ chức trong hai ngày Hội thảo, tập trung vào chủ đề: "Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững" trên các lĩnh vực: Lịch sử, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Bên cạnh đó, một Diễn đàn khoa học được tổ chức bên lề Hội thảo với chủ đề: “Nghiên cứu Việt Nam học: thành tựu và triển vọng” nhằm đánh giá vai trò, ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như những thành tựu đạt được trong giảng dạy, nghiên cứu Việt Nam học hiện nay.
Đáng chú ý, với Tiểu ban 2: “Tư tưởng, Chính trị”, trong tổng số 12 báo cáo, có 7 học giả nước ngoài và 5 học giả Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Hội thảo Việt Nam học có tiểu ban “Tư tưởng, Chính trị”. Các bài viết của Tiểu ban 2 không chỉ là thành quả của Việt Nam học, mà còn là thành quả nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu của các ngành khoa học khác.
Với tiểu ban 9 “Văn hóa” tập trung các vấn đề chính sách văn hóa, dòng chảy văn hóa, văn hóa tín ngưỡng…, trong đó có 4 bài của học giả quốc tế nhận được nhiều bình luận tích cực. Các học giả Việt Nam cũng đề cập đến tín ngưỡng, không gian văn hóa nhằm chỉ ra các đa dạng thực hành văn hóa mang tính toàn cầu; văn hóa đương đại hiện nay...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo định kỳ, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VII sẽ được tổ chức vào năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tổ chức thành công kỳ Hội thảo mới, với những đóng góp mới. Đồng thời, Ban Tổ chức mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ và các cơ quan Trung ương, UNBD thành phố Hà Nội; sự tham gia, đóng góp của cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.
Ban Tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI đã nhận được hơn 730 bài tham luận của các học giả, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Do điều kiện hạn chế về thời gian, địa điểm và phương thức tổ chức trong trạng thái bình thường mới, Ban Tổ chức đã lựa chọn 400 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu tóm tắt, trong đó có 120 bài được trình bày tại các Tiểu ban chuyên môn.
Hội thảo Việt Nam học lần thứ VI, là cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về kho tàng văn hiến Việt Nam cũng như những thành quả phát triển của Việt Nam ngày nay. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học Việt Nam nhìn lại đất nước mình, dân tộc mình, tìm ra những quy luật vận động, bài học lịch sử và động lực phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Sứ mệnh của các nhà khoa học Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, chú giải lịch sử hào hùng của dân tộc trải dài suốt hàng nghìn năm, mà không kém phần quan trọng, còn phải xuất phát từ chính thực tiễn của đất nước, tìm ra lời giải để khai phóng sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, hướng đến một tương lai tươi sáng của đất nước, thực hiện khát vọng phát triển phồn vinh, sánh vai cùng bạn bè năm châu.