Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân; thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ. Trong đó, đáng chú ý có quy định rõ về lưu trữ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, hoạt động lưu trữ hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy, chỉ một số ít tài liệu được lưu trữ điện tử. Để thực hiện lưu trữ điện tử, cần nguồn lực đầu tư rất lớn, do đó các đại biểu cho rằng vấn đề đảm bảo nguồn lực cần được lưu ý để bảo đảm tính khả thi khi triển khai Luật vào thực tiễn. Cùng với đó, các ý kiến cho rằng cần lưu ý đến vấn đề bảo đảm an toàn thông tin đối với tài liệu lưu trữ điện tử. Các đại biểu cũng đề nghị Ban Soạn thảo Dự thảo Luật cần làm rõ thế nào là làm mất (ở Khoản 1, Điều 8), đặc biệt đối với dữ liệu số; bổ sung điều khoản về chế tài, có thể quy định mang tính dẫn chiếu hoặc trao quyền hướng dẫn.
Ở góc độ nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực lưu trữ, Tiến sĩ Đỗ Văn Học, Chủ nhiệm Bộ môn Văn thư - Lưu trữ, Khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phân tích, Dự thảo Luật có những quy định mới như: Quản lý cơ sở dữ liệu; lưu trữ tài liệu điện tử, tài liệu số; phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; lưu trữ tư; hoạt động dịch vụ lưu trữ và có tính đồng bộ với nhiều luật có liên quan. Nội dung Dự thảo Luật quy định chi tiết rất cao, bên cạnh đó cũng một số nội dung không quy định chi tiết nhưng đã có quy định giao Chính phủ, Bộ Nội vụ quy định chi tiết. Ban Soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, nếu nội dung nào có thể quy định chi tiết trong Luật thì nên quy định, để khi Luật được ban hành có thể thực hiện được ngay, không cần văn bản quy định chi tiết. Mặt khác, nếu có văn bản quy định chi tiết thì văn bản đó cũng phải được ban hành và có hiệu lực cùng với Luật.
Đề cập đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng tài liệu lưu trữ, ông Mai Thanh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Văn thư – Lưu trữ, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần bổ sung nội dung các cơ quan, cá nhân, gia đình, dòng họ khi đã nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử, khi có nhu cầu khai thác tài liệu đã nộp lưu để phục vụ cho công tác chuyên môn, được cung cấp bản sao, bản chứng thực tài liệu lưu trữ miễn phí; đối tượng là người có công cách mạng, học sinh, sinh viên khi có nhu cầu khai thác tài liệu tại lưu trữ lịch sử được cung cấp bản sao, bản chứng thực tài liệu lưu trữ miễn phí.
Bà Trần Thanh Xuân, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho rằng, Điều 14 trong Dự thảo Luật nêu các tiêu chuẩn xác định giá trị tài liệu, tuy nhiên chưa quy định rõ các chỉ tiêu định lượng cụ thế để xác định tài liệu có giá trị lưu trữ, tài liệu hết giá trị và tài liệu không có giá trị lưu trữ. Bên cạnh đó, Ban Soạn thảo cũng cần làm rõ nội dung chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư có quyền tặng, cho tài liệu lưu trữ cho các tổ chức, cá nhân khác (ngoài nhà nước).
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm có 8 Chương với 65 Điều, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.