Để tiếp tục ứng phó với bão số 7 và khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 6, ngày 13/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện: số 1372/CĐ-TTg, số 1393/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7; Công điện 1394/CĐ-TTg chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Trạm Kiểm lâm số 7 và Thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại của bão số 6 và ảnh hưởng của bão số 7 tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám, chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7 và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển; quản lý, hướng dẫn tàu thuyền đang neo đậu, nhất là tàu vận tải, tàu neo đậu ở khu vực cửa sông. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản.
Các tỉnh, thành phố và các đơn vị chức năng chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn và các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đã đầy nước.
Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, bão trên biển Đông; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đề phòng mưa lũ dài ngày, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu, có khả năng bị chia cắt; tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp; rà soát xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ về lương thực, thuốc, hóa chất xử lý nước, khử khuẩn, xử lý môi trường và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Các bộ, ngành, địa phương duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Huy động nguồn lực, phương tiện cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3
Chiều 13/10, Đoàn công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), đốc thúc công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng bằng mọi nguồn lực và phương tiện tìm cách tiếp cận, hỗ trợ cứu nạn những người đang mất tích.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải huy động tối đa phương tiện máy móc của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương đến hiện trường hỗ trợ mở đường cho lực lượng cứu hộ sớm triển khai tiếp cận những vị trí có nạn nhân gặp nạn. Tuyến đường 71 đi vào Thủy điện Rào Trăng 3 hiện có 10 điểm sạt lở núi. Lực lượng chức năng đã khắc phục được 7 điểm, còn cách khoảng 3 km là đến vị trí sạt lở tại Trạm Kiểm lâm số 7, thuộc Tiểu khu 67 - nơi cán bộ Đoàn công tác đi vào hiện trường chiều 12/10 đang mất tích; cách 10 km đến vị trí những công nhân Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 mất tích.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho Thừa Thiên - Huế. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là sớm tiếp cận hiện trường để tìm kiếm và sẵn sàng cứu chữa cho người bị thương. Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị hai máy bay trực thăng để thực hiện nhiệm vụ trinh sát ngoài hiện trường. Hiện nay, cơn bão số 7 đang tiến vào đất liền có thể gây mưa lớn, địa phương cần hết sức cảnh giác và đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay, công nhân Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 đều an toàn nhưng bị cô lập, lương thực chỉ còn đủ dùng 1 ngày. 40 công nhân từ Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã di chuyển bằng đường rừng về Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4. Đường đi từ Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 về Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải bằng đường thủy nhưng nước đang chảy xiết.
Để tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt và chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 13/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã ra thông báo tạm hoãn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trước đó, Đại hội dự kiến được tổ chức trong 3 ngày ngày 15 - 17/10.
Theo dự báo, trong những ngày tới, thiên tai còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện công tác khắc phục hậu quả, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân và ổn định tình hình sản xuất - kinh doanh.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiến - Huế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu IV triển khai lực lượng tiếp cận vị trí sạt lở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3.
Chủ động ứng phó với bão số 7
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 7 gây mưa rất to cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Chính vì vậy, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực này cần chủ động các biện pháp trong ứng phó với mưa lũ.
Các tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi đã có công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7 và mưa lũ.
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, để ứng phó với bão số 7, tính đến 18 giờ ngày 13/10, các địa phương đã kiểm đếm và hướng dẫn 51.240 lượt tàu, thuyền với 229.679 lao động đến nơi tránh trú an toàn. Đặc biệt, đã hướng dẫn và cung cấp thông tin về bão cho 84 tàu, thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa để chủ động việc tránh trú.
Các tỉnh đã ra lệnh cấm biển: Nghệ An từ 15 giờ ngày 13/10; Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa từ 19 giờ ngày 13/10.
Mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 18 giờ ngày 13/10, đã có 30 người chết, 14 người mất tích, 22 người bị thương; 541 nhà bị thiệt hại; 160.784 nhà bị ngập nước; 592 ha lúa, 4.179 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588 ha thủy sản bị thiệt hại; 156.290 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi...
Bên cạnh đó, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều bị sạt lở, hư hỏng, ngập... nhiều điểm trường, hệ thống đê biển bị ngập và sạt lở.
Trước thiệt hại nêu trên, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm 6.500 tấn gạo (Quảng Bình 3.000; Quảng Trị 1.500; Thừa Thiên - Huế 1.000; Quảng Nam 1.000); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị 1,5; Thừa Thiên - Huế 2; Quảng Nam 2); 20.000 thùng mỳ tôm (Thừa Thiên - Huế 10.000; Quảng Nam 10.000); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.