Đạo Tin lành trước khi thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành thực sự là vấn đề tôn giáo nóng và thời sự ở trong nước. Sự phục hồi mạnh mẽ của đạo Tin lành đã tạo ra những xung đột văn hóa khá gay gắt với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.
Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã dùng vật chất mua chuộc, dụ dỗ một bộ phận tín đồ, chức sắc đạo Tin lành, lấy tôn giáo làm vỏ bọc cho âm mưu thành lập "Nhà nước Đêga" ở Tây Nguyên và "Vương quốc Mông tự trị" ở khu vực miền núi phía Bắc... Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 01, tình hình đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành đã có sự chuyển biến rõ nét. Đây là đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 01, diễn ra vào sáng 5/11. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân xuất sắc. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Chỉ thị số 01 không những nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành mà còn góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh chống địch lợi dụng đạo Tin lành và công tác đối ngoại, giúp cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn chính sách tự do tôn giáo ở nước ta.
Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ và tham luận của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy Chỉ thị số 01 đã làm thay đổi rõ nét nhận thức về đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành trong toàn hệ thống chính trị, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến nay, 54/63 tỉnh, thành phố có đạo Tin lành đã công nhận và cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho trên 600 Chi hội, hơn 2.700 điểm nhóm của gần 40 tổ chức, nhóm, phái Tin lành khác nhau. Đa số chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Tin lành ý thức được sự chăm lo của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Mối quan hệ giữa chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Tin lành với chính quyền các cấp được cải thiện, chuyển từ xa lánh, co cụm sang gần gũi, tin cậy, chia sẻ trách nhiệm và hợp tác.
Thực hiện Chỉ thị số 01 đã làm chuyển biến căn bản tình hình đạo Tin lành từ chỗ phát triển nhanh, đột biến đến ổn định hơn, giảm khiếu kiện và các vụ việc phức tạp. Các tổ chức Tin lành sau khi được Nhà nước công nhận hoạt động tôn giáo ổn định, đúng quy định của pháp luật hơn và giảm phụ thuộc bên ngoài. Chức sắc, tín đồ phấn khởi, tin tưởng, cởi mở và hợp tác với các cấp chính quyền. Chỉ thị đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của quần chúng nhân dân theo đạo Tin lành, từ đó đã giúp đồng bào theo đạo Tin lành, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên yên tâm, ổn định sản xuất, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, sống tuân thủ pháp luật và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh chống hoạt động lợi dụng đạo Tin lành. Các ảnh hưởng tiêu cực của giai đoạn đầu truyền giáo, như xung đột văn hóa, di dịch cư tự do, khiếu kiện, mâu thuẫn giữa người theo đạo và người không theo đạo giảm dần... Đạo Tin lành cũng góp phần loại trừ một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, hướng tín đồ đến nếp sống văn minh như không say rượu bia, hôn nhân một vợ một chồng... Một số tổ chức Tin lành bắt đầu có ý thức trong việc hội nhập và góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc, như văn hóa cồng chiêng ở Tây Nguyên.
Các đại biểu cho rằng qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01, hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố, số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên là tín đồ đạo Tin lành tăng qua các năm. Chỉ thị đã tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho công tác vận động quần chúng và đấu tranh chống lợi dụng đạo Tin lành. Những kết quả đạt được trong công tác tôn giáo đã góp phần quan trọng làm thay đổi quan điểm của nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài quan tâm đến tình hình tôn giáo và đạo Tin lành ở Việt Nam, từ chỗ quan ngại đi đến sự chia sẻ, đồng thuận và có những đánh giá tích cực, qua đó tạo điều kiện thuận lợi đưa Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và buộc Mỹ đưa nước ta ra khỏi danh sách CPC (danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), ký quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhìn nhận, nhận thức và kiến thức đối với đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành trong hệ thống chính trị chưa theo kịp tình hình thực tế. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo ở địa phương vẫn định kiến và giữ quan điểm cứng rắn đối với đạo Tin lành. Đây cũng là điều được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến chúc mừng Lễ Thiên Chúa Giáng sinh năm 2014 Hội Thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc). Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Phó Thủ tướng cho rằng mặc dù đã đạt những chuyển biến tích cực, thể hiện sự tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật, đoàn kết giữa người theo đạo và không theo đạo tốt hơn, các chức sắc tôn giáo tôn trọng chính quyền, xung đột văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực của đạo Tin lành giảm đáng kể, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thế giới công nhận Việt Nam cởi mở hơn, tôn trọng nhân quyền, tôn giáo, song, nhận thức đối với đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành ở một số nơi chưa toàn diện, nhiều nơi còn định kiến về đạo Tin lành, cho là xấu, chống lại chính quyền. Có nơi buông lỏng, coi nhẹ, không quan tâm lãnh đạo nhưng ngược lại, cũng có nơi quản lý rất chặt chẽ, gây khó khăn. Công tác tranh thủ chức sắc, chức việc, xây dựng cốt cán trong tôn giáo còn nhiều bất cập chưa được quan tâm.
Tình hình đạo Tin lành còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, một số tổ chức, hệ phái chưa được công nhận. Việc cấp đăng ký sinh hoạt điểm nhóm còn bất cập, thiếu sự quan tâm. Công tác quản lý điểm nhóm sau đăng ký còn bị động, lúng túng. Còn tình trạng sử dụng nhà riêng làm nơi sinh hoạt gây khó khăn cho công tác quản lý. Các thế lực thù địch lợi dụng đạo Tin lành và tìm sơ hở trong công tác đối với đạo Tin lành để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta , những phức tạp, bất cập này là vấn đề cần lưu ý, không thể mất cảnh giác.
Nhấn mạnh về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới trong công tác đối với đạo Tin lành, Phó Thủ tướng nêu rõ phải lãnh đạo một cách khéo léo, đúng mức, chặt chẽ công tác tôn giáo, có phương pháp, cách làm phù hợp với nhận thức, đặc điểm từng tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền phải nhận thức được lãnh đạo tôn giáo khác lãnh đạo trong Đảng, mềm mỏng hơn, thuyết phục hơn, đặc biệt là lãnh đạo các chức sắc, chức việc Tin lành tuân thủ pháp luật về tôn giáo; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị 01, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, tinh thần là không cấm nhưng không khuyến khích, tôn trọng tự do tín ngưỡng và nguyện vọng của nhân dân nhưng đồng thời yêu cầu phải là một tôn giáo thuần túy và đạo Tin lành phải được đưa vào quản lý. Nghiêm trị lợi dụng đạo Tin lành để chống phá cách mạng, gây mất ổn định xã hội, đoàn kết trong nội bộ nhân dân, làm tốt công tác phòng ngừa mặt trái này. Tổ chức tuyên truyền quán triệt phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo nói chung và đạo Tin lành nói riêng, thực hiện tốt các chương trình kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa có điều kiện vật chất , tinh thần tốt hơn.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa hoạt động của đạo Tin lành đi vào nề nếp, động viên chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc, tuân thủ pháp luật; hướng dẫn các tổ chức Tin lành đã được cấp công nhận đăng ký sinh hoạt tuân thủ pháp luật, tham gia giữ gìn, phát huy bản chất văn hóa tốt đẹp của dân tộc, các hội Thánh ổn định và đoàn kết nội bộ, độc lập với bên ngoài, củng cố bộ máy tổ chức theo Hiến chương, Điều lệ được nhà nước công nhận, đi kèm với đó là kịp thời chấn chỉnh các hoạt động trái pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện tốt việc xây dựng cốt cán phong trào trong Tin lành, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc lãnh đạo trong tổ chức Tin lành - đây là khâu yếu cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chủ trương công tác đối với đạo Tin lành, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, thực hiện cấp đăng ký sinh hoạt theo điểm nhóm cho các hệ phái, nhóm Tin lành theo trình tự thủ tục quy định, phù hợp với đặc điểm phân bố từng khu vực, từng địa phương; tạo điều kiện cho chức sắc, chức việc, tín đồ Tin lành hoạt động từ thiện nhân đạo, tham gia làm tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, hội viên các đoàn thể, đại biểu các cấp, xem xét kết nạp đảng viên là quần chúng tốt theo quy định.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, đặc biệt đội lốt đạo Tin lành để kích động đồng bào, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước; các địa phương giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu kiện, không để phức tạp kéo dài thành điểm nóng; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác tôn giáo.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng III cho Ban Tôn giáo Chính phủ do có thành tích xuất sắc trong công tác đối với đạo Tin lành. Nhiều tổ chức, cá nhân có thành tích trong 10 năm thực hiện Chỉ thị cũng đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.