Báo cáo tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền trong hệ thống chính trị đã rất nỗ lực trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Nhìn lại 35 năm đổi mới, có thể thấy, những thành tựu đạt được trong công tác này là rất đáng ghi nhận. Hiến pháp năm 2013 được ban hành với nhiều điểm mới mang tính đột phá, tạo cơ sở hiến định vững chắc cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cở sở đó, Quốc hội đã kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các đạo luật quan trọng như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, các Bộ luật về tố tụng, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cần thiết. Nhìn chung, chất lượng các văn bản từng bước được nâng cao; các lĩnh vực cơ bản đã có luật điều chỉnh.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật
Phân tích kỹ hiện trạng thể chế hiện nay, nhất là thực trạng hệ thống pháp luật, Bộ Tư pháp nêu lên một số vấn đề cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và chính quyền các cấp cùng với hệ thống chính trị quan tâm, xử lý, khắc phục, như: một số chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp chưa được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời; hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng có phần còn dừng ở mức bảo đảm thực hiện đúng và đủ các cam kết, thỏa thuận quốc tế, mà chưa tận dụng tối ưu những quy định linh hoạt, có lợi cho Việt Nam để bảo vệ tối đa lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước. Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu giải pháp đột phá nên hiệu quả thi hành pháp luật còn hạn chế. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa cao, tình hình vi phạm pháp luật, tranh chấp, khiếu kiện còn diễn biến phức tạp..
Để thực hiện có hiệu quả những yêu cầu trong công tác xây dựng hoàn thiện thể chế giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030, Bộ Tư pháp cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt một số các giải pháp: Tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thể chế trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từ đó đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Tiếp tục đổi mới tư duy, cải tiến quy trình trong hoạt động lập pháp, lập quy và trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận pháp luật, qua đó nâng cao năng lực thực thi pháp luật.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật và pháp chế; có cơ chế thu hút, khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, cộng tác viên có trình độ, kinh nghiệm chuyên sâu tham gia thực chất, hiệu quả vào công tác này. Tiếp tục bảo đảm tài chính cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật…
Bộ Tư pháp đề xuất tiếp tục nghiên cứu, ban hành các luật, nghị quyết, trong đó ưu tiên các dự án thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013. Cùng với việc tiếp tục đổi mới phương thức thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật, cần tăng cường hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, vi phạm trong thi hành pháp luật để có các biện pháp xử lý phù hợp.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiên quyết không xem xét các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các dự án luật, dự thảo không đảm bảo chất lượng, thời hạn trình theo quy định. Xử lý triệt để các quy định pháp luật, các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập...
Các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm, thực chất quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị 43 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật...