Cổng dịch vụ công quốc gia lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Trao đổi với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ chống phát sinh tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia từ khi khai trương đến nay? Bên cạnh thuận lợi còn có những vấn đề gì phát sinh?
Với quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, hướng tới người dân, doanh nghiệp, ngày 9/12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia đã chính thức được đưa vào vận hành. Điều này rất quan trọng, làm thay đổi toàn diện những suy nghĩ và cách phục vụ của các cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan hành chính đảm bảo các dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân. Như vậy, có thể nói ngay từ thái độ cải cách thủ tục hành chính, vấn đề ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, của các cơ quan nhà nước đều phải có thay đổi rất rõ nét.
Đối với người dân trong việc được hưởng dịch vụ công này, tôi cho đây là một bước tiến rất quan trọng. Mặc dù chúng ta triển khai mới được hơn 1 tháng, nhưng tính đến ngày 19/1, đã có 10,32 triệu lượt truy cập vào hệ thống. Cổng dịch vụ công quốc gia đã thực hiện cấp 28.663 tài khoản đăng nhập một lần; 529.315 hồ sơ thủ tục hành chính trên toàn quốc được đồng bộ trạng thái lên Cổng và 5.214 hồ sơ nộp trực tuyến từ Cổng đã được xử lý thành công; 2.907 cuộc gọi tới tổng đài được hỗ trợ hướng dẫn. Đây là điều rất mừng. Đặc biệt là chúng ta mới chỉ đưa 8 nhóm dịch vụ công lên Cổng, gồm cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe quốc tế, trong nước, cấp điện trung áp, hạ áp, thanh toán tiền điện, cấp CO, thông báo khuyến mại… nhưng sự tham gia của người dân rất tốt.
Theo lý giải của chuyên gia tư vấn Pháp và phía Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), hệ thống nền tảng hạ tầng để chạy chương trình Cổng dịch vụ công quốc gia đã đủ đảm bảo an toàn ở mức cao, song khi càng có nhiều dịch vụ công, càng nhiều đơn vị tham gia thì càng dễ xuất hiện lỗ hổng trong bảo mật. Làm sao có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối thông tin của người dùng và hệ thống dữ liệu, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm, thưa Bộ trưởng?
An ninh, an toàn hệ thống dữ liệu cũng như cơ sở dữ liệu của cá nhân, đây là vấn đề cần quan tâm nhất. Về góc độ này, trước hết là cơ quan nhà nước ở địa phương đều phải chịu trách nhiệm, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, khi xây dựng Cổng dịch vụ công này đã có thiết kế rất rõ, đó là xử lý trên cơ sở dữ liệu phân tán, nó sẽ hạn chế rủi ro về mặt nguyên tắc. Sau khi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại Estonia, chúng ta đã thiết kế theo mô hình đó, kết hợp cả phân tán dữ liệu ở các bộ, ngành, địa phương, như vậy thì tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có trách nhiệm tham gia bảo mật dữ liệu.
Thứ hai là các cơ quan chính được Thủ tướng giao: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ đều phải có trách nhiệm, trước khi Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành đều có sự đánh giá của cơ quan chức năng nhà nước.
Thứ ba là phải có trách nhiệm của cơ quan cung cấp dịch vụ. Khi chúng tôi đặt đầu bài cho VNPT thiết kế phần mềm này đã yêu cầu phải đảm bảo vấn đề thiết kế, vận hành hệ thống, an toàn thông tin. Các chuyên gia Pháp, chuyên gia nước ngoài ở Ngân hàng Thế giới đều đánh giá chúng ta có thể yên tâm vận hành, đảm bảo an toàn.
Hiện nay, Cổng dịch vụ công quốc gia mới được tích hợp 8 nhóm thủ tục và theo lộ trình, quý I/2020 sẽ tích hợp thêm các thủ tục thuộc lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ… Bộ trưởng có thể cho biết tiến độ hiện nay ra sao, nền tảng hạ tầng liệu có đáp ứng được, khi thủ tục ngày càng nhiều lên và lượng truy cập ngày càng lớn?
Ngoài 8 dịch vụ công, trong quý I/2020, có thể đưa thêm một số dịch vụ công lên Cổng. Ví dụ, chúng tôi đã bàn với Bộ Công an phải đưa dịch vụ liên quan đến thu phí trước bạ ôtô, xe máy, thu nộp tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ tích hợp lên Cổng, báo cáo với Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm quyết định việc đấu giá biển số xe máy, ô tô trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cơ quan thuế thực hiện đăng ký nộp thuế của hộ gia đình. Cơ quan hải quan bổ sung tờ khai hải quan hay các vấn đề liên quan đến dịch vụ, đặc biệt là ngành Công Thương. Rất nhiều dịch vụ chúng ta có thể cải cách qua đó.
Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa lên Cổng khoảng 15 nhóm dịch vụ nữa. Những dịch vụ khó chúng ta sẽ làm dần, nhưng làm đâu chắc đó, ví dụ như cấp đổi bằng lái xe, nếu tiếp tục kết nối với cơ sở y tế, chúng ta sẽ có giấy khám sức khỏe từ cơ quan y tế, có xử lý chụp ảnh của đối tượng được cấp đổi, tất cả đều cấp độ 4. Không phải bất cứ dịch vụ nào cũng lên Cổng dịch vụ công quốc gia mà chúng ta chỉ chọn những dịch vụ có hồ sơ xử lý trên nền điện tử, thứ hai nữa là đảm bảo quy trình, thủ tục. Những hồ sơ giấy tờ không cần thiết, bộ thủ tục hành chính không được tái cấu trúc, không đảm bảo được cấp độ 3, cấp độ 4 thì dứt khoát kiên quyết không đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nền tảng hạ tầng hiện nay có thể đáp ứng tốt việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp.
Vậy có thể coi Cổng dịch vụ công quốc gia là "lệnh bài" để tiêu trừ nạn tham nhũng vặt ở nhiều khu vực đã từng làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua, thưa Bộ trưởng?
Đúng là như vậy. Người dân và doanh nghiệp vẫn còn kêu cán bộ, công chức chỗ này, chỗ khác thực thi công vụ chưa tốt, một là do trách nhiệm chưa được phát huy đầy đủ, thứ hai là thái độ phục vụ, thứ ba nữa là đưa ra những lý do, câu chuyện mà người ta vẫn gọi là "tham nhũng vặt" để tạo ra tiêu cực, lợi ích, những thứ không được minh bạch, không có cơ quan giám sát, kiểm tra. Thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia chính là việc công khai, minh bạch nhất, người dân, doanh nghiệp không cần phải gặp cán bộ thi hành công vụ. Ở bất kỳ vị trí nào, địa giới hành chính nào cũng đều có thể dùng các thiết bị di động để truy cập, xử lý.
Đây cũng là những giải pháp rất căn cơ, quan trọng để các cơ quan hành chính nhà nước phải cải cách, nhất là nâng cao trách nhiệm và thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ thi hành công vụ. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, chỉ cần đăng ký kê khai một lần, chống được phát sinh tiêu cực không cần thiết.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!