Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 7 tại cảng Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Trước diễn biến của cơn bão số 7 có hướng di chuyển và ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, chiều 18/10, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu cùng lãnh đạo các bộ, ngành, UBND thành phố Hải Phòng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và việc neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão tại bến cảng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Qua thị sát tình hình thực tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo, chính quyền thành phố Hải Phòng tích cực, chủ động phòng chống bão với phương châm "4 tại chỗ", đồng thời chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trong vịnh Bắc bộ vào nơi trú tránh; hướng dẫn, sắp xếp các tàu thuyền đã về đất liền neo đậu đảm bảo an toàn; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cấm biển, kể cả đối với tàu vận tải và tàu du lịch. Các địa phương tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơn bão di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp nên các địa phương ven biển không thể chủ quan trước tình hình mưa bão. Chính quyền các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đê, hồ đập; tăng cường tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ đê theo quy định, chủ động việc tiêu thoát nước đệm đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu mới gieo trồng; triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị để chủ động ứng phó với tình trạng ngập lụt có thể xảy ra.
Để ứng phó cơn bão số 7, Hải Phòng có thông báo trước 17 giờ ngày 18/10 phải đưa toàn bộ tàu thuyền, phương tiện, con người, lồng bè về nơi an toàn; cấm biển, dừng mọi hoạt động đường thủy, phà biển, vui chơi ven biển trước 17 giờ 18/10; kiểm tra, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, khơi thông dòng chảy, hạ mực nước đệm trong hệ thống thủy lợi, thoát nước đô thị. Trước 15 giờ ngày 18/10 phải di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, khu nhà xung yếu. Dự kiến, thành phố Hải Phòng sẽ cho học sinh nghỉ học vào ngày 19/10. Các địa phương chủ động thực hiện phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, nhà ở xung yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở…, huy động tối đa nguồn lực thu hoạch diện tích lúa và rau màu.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, đến 17 giờ ngày 18/10, lực lượng biên phòng đã kiểm đếm, thông báo cho hơn 3.000 phương tiện, gần 500 lồng bè, gần 250 chòi canh đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các bến biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Theo quan sát của Đồn biên phòng Bạch Long Vỹ và Trạm ra-đa Hải quân, không còn phương tiện nào đang hoạt động trên biển.
Để ứng phó khi bão đổ bộ, UBND thành phố Hải Phòng sẽ huy động hơn 40.000 người tham gia lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời huy động hơn 1.000 xe ô tô các loại, hơn 500 tàu, xuồng, lương thực, thuốc men, lều bạt thường trực, ứng cứu.