Tìm hiểu thực tế tại vùng biên giới Tây Bắc, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 4 bài viết "Thực tiễn xây dựng Đảng ở vùng biên giới Tây Bắc", xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Người Bí thư Chi bộ giàu nhiệt huyết
Từ trung tâm huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, chiếc xe ô tô 7 chỗ của TTXVN sau khi vượt không biết bao đèo dốc thì cũng đưa được nhóm phóng viên đến xã Nậm Ban. Chiếc xe dừng lại ở bên bờ tả của con suối đang mùa cạn nước, trước cây cầu treo cũ. Con suối lúc này nom thật hiền hòa, để lộ đáy lổn nhổn những tảng đá to. Nhưng vào mùa lũ nó trở thành hung thần đối với người dân bản địa.
Bên kia suối là trụ sở Đảng ủy xã và UBND xã Nậm Ban. Trụ sở còn đang tạm bợ không phải vì đây là xã nghèo của huyện nghèo thuộc tỉnh còn nhiều khó khăn. Lý do là chưa có mặt bằng để xây dựng. Diện tích tự nhiên của xã mênh mông – 125,53 km2 mà chỉ có 1.962 nhân khẩu (373 hộ) nhưng toàn núi đá dốc đứng, tìm một chỗ khả dĩ để xây cất một ngôi nhà cũng không đơn giản.
Tiếp các phóng viên là một cán bộ ra dáng người địa phương. Nhưng thực ra Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban Phạm Minh Hải đang mang quân hàm Trung tá Biên phòng. Ông là một trong những cán bộ biên phòng được đưa về “cắm chốt” tại các xã biên giới sớm nhất ở tỉnh Lai Châu cũng như trên toàn quốc.
Năm 1999, Đội phó Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Huổi Luông (huyện Phong Thổ, Lai Châu) Phạm Minh Hải được điều về làm cán bộ tăng cường của xã Nậm Ban. Từ năm 2007 đến năm 2013, ông làm Phó Bí thư Thường trực và từ năm 2013 đến nay làm Bí thư Đảng ủy xã. Như vậy là 20 năm có lẻ, người Sỹ quan Biên phòng này gắn bó máu thịt với cơ sở.
Ngược dòng lịch sử, tháng 8/1998, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thống nhất với tỉnh ủy của 32 tỉnh biên giới về chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn - mỗi xã được tăng cường một cán bộ trực tiếp tham gia cấp ủy để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đây là sự cụ thể hóa Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh các xã, phường biên giới, hải đảo”.
Khu vực biên giới Việt Nam có 1.077 xã, phường, thuộc 228 huyện, thị xã của 32 tỉnh với dân số khoảng 9 triệu người. Đây là vùng phên giậu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, nhất là về quốc phòng - an ninh. Dù được Đảng, Nhà nước triển khai nhiều chính sách ưu tiên nhưng địa bàn biên giới còn rất nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển, hệ thống chính trị ở cơ sở mỏng, yếu; tỉ lệ hộ đói nghèo cao, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào còn thấp. Đây cũng là những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, bọn tội phạm lợi dụng chống phá, tiềm ẩn yếu tố phức tạp, gây mất ổn định an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Xã Nậm Ban ngày nay dù còn khó khăn nhưng đã đổi khác rất nhiều so với năm 1999. Khi đó cán bộ tăng cường Phạm Minh Hải phải cuốc bộ từ tỉnh lộ đến trung tâm xã bởi con đường dẫn vào đây chỉ có thể dùng xe máy vào mùa khô. Xã lúc này có 2.810 nhân khẩu (510 hộ) thuộc 7 dân tộc thiểu số, người Mảng và Mông chiếm khoảng 90%. Đời sống kinh tế trì trệ với hơn 80% hộ đói, nghèo.
Việc đầu tiên mà cán bộ tăng cường Phạm Minh Hải bắt tay vào làm dưới sự hỗ trợ quyết liệt của Huyện ủy Sìn Hồ (khi đó huyện Nậm Nhùn chưa được thành lập) và Tỉnh ủy Lai Châu (cũ) là xốc lại hệ thống chính trị cơ sở ở Nậm Ban thuộc loại yếu kém nhất của huyện và tỉnh. Một trong những nguyên nhân khiến đồng bào người Mảng, người Mông, người Hà Nhì… trong xã lạc hậu, đói nghèo là do trong nhiều năm qua tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ xã xuống bản mỏng và yếu. Các cán bộ chủ chốt của xã chưa học xong tiểu học, nhận thức hạn chế nên dù nhiệt tình đến mấy cũng không thể triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện, không giúp được người dân vươn lên chống đói, nghèo.
Bí thư Phạm Minh Hải nhớ lại: “Cán bộ xã, bản hồi đó nhìn chung có trình độ nhận thức và văn hóa thấp, tuổi đời cao, sức khỏe kém, một phần do thói quen uống nhiều rượu. Thậm chí, một số đồng chí không còn giữ được nhiệt huyết, sụt giảm ý chí phấn đấu, muốn nghỉ công tác. Tôi nghĩ, phải bắt đầu từ công tác cán bộ. Không đổi mới, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, không phát triển được đảng viên mới thì sức mạnh của tổ chức đảng sẽ suy giảm, kinh tế không phát triển và người dân suy giảm niềm tin”.
Với vai trò là cán bộ tăng cường, chưa phải là Phó Bí thư và Bí thư Đảng ủy xã, ông Phạm Minh Hải đã làm một cuộc khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ, công chức ở Nậm Ban để kiến nghị với Huyện ủy giải quyết chế độ cho những cán bộ tuổi cao, sức khỏe kém, năng lực hạn chế; bố trí, sắp xếp lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Ông cũng kiến nghị với UBND huyện tuyển dụng vào các chức danh công chức xã những người có trình độ chuyên môn, có nhiệt huyết cống hiến, không kể họ quê quán, thường trú ở huyện nào, tỉnh nào, thuộc dân tộc nào.
Mặt khác, ban lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã cũng quan tâm bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những thanh niên ưu tú nhất của đồng bào Mảng, Mông, Hà Nhì… nhằm tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Nguồn trí thức sẵn có vào thời điểm đó tại địa bàn là các giáo viên. Một số trong đó đã được lựa chọn để chuyển sang làm công tác Đảng, chính quyền và họ thực sự đã phát huy tác dụng.
Người cán bộ Đảng năng nổ Phạm Minh Hải đã cùng với Đảng ủy, UBND xã Nậm Ban triển khai hiệu quả các chương trình, dự án kinh tế - xã hội, sắp xếp lại các điểm dân cư, phổ biến, tuyên truyền về cách làm ăn mới, hạn chế, xóa dần những tập tục lạc hậu… tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
Từ yếu kém trở thành đơn vị mạnh về mọi mặt
Từ một địa phương yếu kém toàn diện của huyện Nậm Nhùn, hiện nay xã Nậm Ban được đánh giá là đơn vị mạnh về mọi mặt, trong đó có thành tích xuất sắc ở lĩnh vực phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đảng ủy xã Nậm Ban có 10 chi bộ, trong đó có 6 chi bộ bản, 3 chi bộ trường học và 1 chi bộ trạm y tế. Việc phát triển Đảng ở các chi bộ trường và trạm khá thuận lợi nên mục tiêu phấn đấu của Đảng ủy là ưu tiên nhiệm vụ kết nạp Đảng cho các đối tượng ưu tú trong thanh niên các bản Mông, Mảng, Hà Nhì... Đối với các chi bộ, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là hoàn thành chỉ tiêu phát triển Đảng. Chi bộ nào không kết nạp được đảng viên mới theo chỉ tiêu đã cam kết từ đầu năm, trừ lý do khách quan, thì cuối năm bí thư không được xếp loại đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Đảng bộ xã Nậm Ban kết nạp được 7 – 8 đảng viên mới, trong đó phần lớn là đảng viên người dân tộc thiểu số ở các chi bộ bản. Trong tổng số 73 đảng viên trong Đảng bộ thì có tới 51 đảng viên là con em các dân tộc thiểu số, Điều đặc biệt thành công của Đảng ủy xã là phát triển Đảng trong đồng bào Mảng – một cộng đồng rất ít về số lượng và từng bị hụt hậu rất xa so với các cộng đồng lân cận.
Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban Phạm Minh Hải cho biết: Trước đây, các bản người Mảng ở huyện Nậm Nhùn nói chung và xã Nậm Ban nói riêng đều "trắng" đảng viên chứ chưa nói đến việc “trắng” chi bộ. Đơn giản là không có nguồn để phát triển Đảng do người Mảng còn mang nặng tư tưởng lạc hậc, hủ tục nặng nề, thói quen uống rượu nhiều, tảo hôn, sinh nhiều con… Phát triển Đảng trong cộng đồng người Mảng cũng như hỗ trợ họ đuổi kịp về kinh tế với các cộng đồng dân tộc khác là một chủ trương quan trọng của Huyện ủy Nậm Nhùn cũng như của Đảng ủy xã Nậm Ban.
Hiện tại, bản Nậm Ô của người Mảng ở xã Nậm Ban đã có một chi bộ mạnh với 11 đảng viên. Trong con em dân tộc Mảng đã có những cán bộ trẻ được đào tạo bài bản cả về lý luận chính trị lẫn thực tiễn công tác như anh Tào A Thắng, Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, và người em ruột Tào A Thắm, công an viên của xã.
Cuộc sống của bà con người Mảng ở Nậm Ban đã có sự thay đổi rõ rệt trong 10 năm trở lại đây, trong đó có việc hoàn toàn ổn canh, ổn cư. Từ năm 2010 trở về trước, 100% hộ người Mảng thuộc diện nghèo, sống dựa vào thiên nhiên và biệt lập với bên ngoài. Ngày nay, tại bản Nậm Ô 100% các ngôi nhà đạt 2 cứng (khung, mái cứng) và 70% đạt 3 cứng (khung, mái, nền cứng). Thu nhập của bà con trong năm 2019 ở mức gần 15 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 65%.
Thành tích xây dựng Đảng ở xã Nậm Ban hòa vào kết quả chung của Huyện ủy Nậm Nhùn. Năm 2012, khi mới thành lập huyện, Nậm Nhùn chỉ có 800 đảng viên, chủ yếu là cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế… Hiện tại số lượng đảng viên lên tới 1.800 người, trung bình mỗi năm các chi bộ trong Đảng bộ Nậm Nhùn kết nạp được hơn 100 đảng viên mới (năm 2019 kết nạp 110 đảng viên), chủ yếu là từ nguồn thanh niên các dân tộc thiểu số tại 73 chi bộ bản.
Bài học từ thực tiễn
Thực hiện Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy Lai Châu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh các xã biên giới giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở giai đoạn 2016-2020”, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu phối hợp với Huyện ủy 4 huyện biên giới xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống chính trị cơ sở tại các xã biên giới. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã cử 21 cán bộ biên phòng tăng cường cho 21 xã biên giới ( 2 người giữ chức Bí thư, 19 người giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã).
Trong những năm gần đây, các cán bộ biên phòng được tăng cường đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới tổ chức triển khai tốt cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; có 11 đồng chí trực tiếp tham gia ứng cử và trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021. Việc tăng cường cán bộ biên phòng về các xã biên giới đã góp phần củng cố về mọi mặt hệ thống chính trị các xã biên giới ở tỉnh Lai Châu. Chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về cơ sở, không chỉ là giải pháp trước mắt, mà là chiến lược lâu dài không chỉ ở Lai Châu mà trên quy mô toàn quốc (32 tỉnh có biên giới).
Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, việc tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Một mặt, điều này giúp giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xây dựng địa phương biên giới vững mạnh toàn diện, đặc biệt là ở những địa bàn khó khăn, phức tạp. Mặt khác, việc tăng cường cán bộ biên phòng về cơ sở là biện pháp quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để Bộ đội Biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc và vấn đề nảy sinh cần giải quyết. Đó là việc triển khai ở nơi này nơi kia còn lúng túng; một số địa phương chưa tạo được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền, nhất là khi cán bộ biên phòng tăng cường về được giữ các chức danh chủ chốt ở cơ sở; chưa có sự thống nhất trong thực hiện chế độ sinh hoạt Đảng, chính quyền, về quản lý hành chính, đánh giá, nhận xét cán bộ và chế độ, chính sách đối với cán bộ biên phòng tăng cường; việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ tăng cường có nơi chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự ổn định lâu dài - đây là vấn đề cần coi trọng để hạn chế sự xáo trộn khi cán bộ tăng cường được giữ chức danh chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền…
Đối với Lai Châu, chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhận được sự đồng thuận cao từ Tỉnh ủy cho đến các Huyện ủy, Đảng ủy các xã biên giới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở” (trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở cơ sở) là một trong ba chương trình trọng điểm của Đảng bộ tỉnh. Việc tăng cường cán bộ biên phòng giữ chức vụ trong thường trực cấp ủy các xã biên giới được coi trọng.
Để việc triển khai chủ trương đưa cán bộ biên phòng về cơ sở đạt hiệu quả, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu quán triệt, tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân các xã biên giới, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng để tạo sự thống nhất về quan điểm, đồng thuận trong thực hiện. Mặt khác, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn cán bộ và triển khai xây dựng các quy chế, quy định để tổ chức thực hiện, nghiên cứu, nắm tình hình từng tuyến biên giới, từng địa bàn, để sắp xếp cán bộ tăng cường cho phù hợp; đồng thời, phối hợp với địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, rút kinh nghiệm, giải quyết những vướng mắc trong khâu thực hiện ở các cấp…
Trường hợp Trung tá Phạm Minh Hải được tăng cường về xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) là ví dụ điển hình về việc đảm bảo sự ổn định lâu dài trong công tác cán bộ. Đồng chí đã có sự gắn bó hơn 20 năm với cơ sở, coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình, từ khi còn là cán bộ tăng cường không giữ chức danh cho đến khi được bầu làm Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy xã. Người Bí thư, Sỹ quan Biên phòng tận tụy Phạm Minh Hải đã được bà con ở các bản Mảng, Mông, Hà Nhì ở Nậm Ban thực sự coi như người anh em của dân tộc mình.
Bài 2: Nữ Bí thư tiêu biểu người dân tộc Mảng