Trong niềm xúc động và tiếc thương sâu sắc, các đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã đến viếng và chia buồn cùng gia quyến đồng chí Trương Vĩnh Trọng, người con ưu tú của quê hương Bến Tre anh hùng, một tấm lòng nhân hậu, tấm gương sáng về lối sống giản dị, phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn trăn trở, hành động quyết liệt vì lợi ích của Đảng, của đất nước và nhân dân.
Tính đến 17 giờ ngày 21/2, đã có hơn 250 đoàn đến viếng đồng chí Trương Vĩnh Trọng.
Anh Hai Nghĩa gần dân, thương dân
Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân và các tổ chức xã hội, từ thiện, tôn giáo, cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bến Tre đã có mặt tại Hội trường trường lớn UBND tỉnh Bến Tre, hòa vào dòng người đến viếng và chia sẻ nỗi mất mát to lớn với gia quyến đồng chí Trương Vĩnh Trọng.
Khi xe di quan đi từ xã Lương Quới đến thành phố Bến Tre để thực hiện Lễ tang cấp Nhà nước đối với đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nhiều người dân đứng bên đường để chào và tiễn đưa linh cữu ông Hai Nghĩa, cái tên thân thương người dân huyện Giồng Trôm, quê hương và cũng là nơi ông sinh sống khi nghỉ hưu, thường gọi. Ông Nguyễn Văn Tâm, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm nghẹn ngào cho biết, cả xóm cùng đưa tiễn ông lần cuối. Cả huyện Giồng Trôm ai cũng quý mến ông Hai Nghĩa, một người lãnh đạo gần dân, luôn chăm lo cho người dân. Ông Hai Nghĩa đã giúp đỡ rất nhiều cho người nghèo tại địa phương. Ông tích cực vận động cho nhiều tuyến đường liên xã, liên ấp được khang trang, giao thông đi lại thuận lợi.
Ông Trần Văn Nhiệm, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, là bạn học cũ và là người anh em cùng hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Miền Nam tại Sài Gòn với nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, cho biết, sau Phong trào Đồng Khởi, hai người nhận nhiệm vụ khác nhau và mất liên lạc cho đến khi đất nước được hòa bình. Sau chiến tranh gặp lại nhau rất mừng và không cầm được nước mắt. “Anh Hai Nghĩa rất bình dân, rất gần gũi anh em, sống chan hòa, thân thương. Đặc biệt nếu ai có khó khăn gì, trong điều kiện cho phép, anh đều sẵn sàng giúp đỡ”, ông Nhiệm nghẹn ngào chia sẻ.
Theo ông Nhiệm, với quê hương Bến Tre, ông Hai Nghĩa là cây cao, bóng cả, đóng góp rất lớn để giúp xứ dừa vươn lên cùng với sự phát triển của đất nước. Một người “anh Cả” đã ra đi, để lại niềm thương xót đối với Đảng bộ và nhân dân địa phương Bến Tre.
Đến viếng đồng chí Trương Vĩnh Trọng trong niềm xúc động, anh Đặng Mai Giảng Tân, Đoàn thanh niên tỉnh Bến Tre tâm sự, anh có nhiều dịp gặp ông Hai Nghĩa, nghe ông kể về các cuộc đấu tranh ác liệt của nhân dân Bến Tre, nhận được sự quan tâm của ông dành cho thế hệ trẻ Bến Tre. Ông Hai Nghĩa thường căn dặn thế hệ trẻ tích cực phấn đấu, học tập, xung kích trong các hoạt động để làm lực lượng nòng cốt cho thế hệ mai sau. “Ông Hai Nghĩa là nhà lãnh đạo sống giản dị, làm việc hết mình để lo cho quê hương, đất nước. Cả cuộc đời ông là tấm gương sáng để các thế hệ thanh niên noi theo. Bản thân tôi sẽ cố gắng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước, đối với tỉnh nhà”, anh Đặng Mai Giảng Tân chia sẻ.
Nhà lãnh đạo liêm khiết, quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng
Được làm việc và tiếp xúc với đồng chí Trương Vĩnh Trọng nhiều năm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nguyên Ủy viên Thường trực - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến đã chia sẻ những kỷ niệm xúc động về nguyên Phó Thủ tướng - người cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhà lãnh đạo liêm khiết, giản dị, luôn gần gũi với nhân dân và cơ sở.
Ông Chiến nhớ lại: Giai đoạn 2001 – 2004, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, đồng chí Trương Vĩnh Trọng là Trưởng ban Nội chính Trung ương. Trong thời gian này, Yên Bái có vụ trọng án về xuất nhập khẩu rất phức tạp, nhiều năm không giải quyết được. Sau khi xin ý kiến, đồng chí Trương Vĩnh Trọng đã rất thận trọng, cử người lên xem xét và mời lãnh đạo các ngành, trong đó có ngành nội chính của tỉnh họp. Khi bàn bạc, có nhiều ý kiến khác nhau và có ý kiến cho rằng nếu vụ án đó nhạy cảm, phức tạp thì có thể chuyển lên Trung ương giải quyết. “Tuy nhiên, đồng chí Trọng cho rằng, vụ việc phức tạp đến đâu nhưng ở địa phương thì địa phương hiểu rõ nhất và để địa phương giải quyết, Trung ương hỗ trợ. Đồng thời, khi vụ việc được giải quyết sáng tỏ, địa phương sẽ có kinh nghiệm hơn. Đó là quyết sách mà chúng tôi rất ấn tượng về tính thận trọng và sáng suốt của đồng chí. Nhờ đó, vụ án được giải quyết tốt đẹp, đồng thời năng lực cơ quan nội chính của tỉnh cũng nâng lên một bước”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Vũ Tiến Chiến chia sẻ.
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng sinh ra ở Tây Nam Bộ, nhưng lại có nhiều kỷ niệm và thời gian gắn bó với đồng bào các dân tộc Tây Bắc khi được Trung ương phân công giữ chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc. Điều mà ông Chiến nhớ mãi về vị Trưởng ban này là phong cách làm việc năng động, sáng tạo, sâu sát với nhân dân. Khi nhận chức xong, chuẩn bị có cuộc họp, ông đã yêu cầu ra hiện trường báo cáo và ông đã đi lên một xã vùng cao của huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). “Đường đi lại rất khó khăn, ông bảo các chú leo được thì tôi cũng leo được. Không đi vào dân thì không thể giải quyết được việc gì. Trường học vĩ đại nhất là trường học nhân dân; lớp lớp cán bộ đã trưởng thành từ trường học này, đánh thắng giặc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. Đó là bài học mà tôi nhớ mãi không quên”, ông Chiến nhớ lại.
Giai đoạn 2006 – 2011, đồng chí Trương Vĩnh Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Lúc này, ông Chiến là Chánh Văn phòng giúp việc cho Ban chỉ đạo. Hồi tưởng về quãng thời gian làm việc cùng nguyên Phó Thủ tướng, ông Chiến cho biết, đồng chí Trương Vĩnh Trọng rất chăm lo cho đội ngũ cán bộ, nhấn mạnh con người là yếu tố quyết định. Ông thường nhắc nhở cán bộ bằng câu nói giản dị: Phải làm "đâu được đó” chứ không được “làm đâu, bỏ đấy".
Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, nguyên Phó Thủ tướng đã đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến. Tiêu biểu như tổ chức hội nghị tuyên dương những người dũng cảm, dám đứng lên tố cáo ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; qua đó khơi dậy quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Năm 2010, khi Đại hội Thi đua toàn quốc sắp khai mạc, ông hỏi Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng có đoàn đại biểu đi dự không? Tôi nói không thì ông đã có ý kiến trực tiếp với Ban tổ chức hội nghị, đồng thời giao cho tôi khẩn trương thành lập một đoàn 5 người và có bài tham luận tại hội nghị này. Nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong chiến tranh có những anh hùng lực lượng vũ trang chống ngoại xâm, thì đến nay chúng ta cũng phải có những người kiên quyết trong cuộc chiến chống nội xâm, đó là chống tham nhũng”, ông Vũ Tiến Chiến chia sẻ.
Là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước với những chỉ đạo quyết liệt trong công việc, nhưng trong cuộc sống thường ngày, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lại rất mực giản dị, gần gũi, thân tình với nhân dân. Anh Hai Nghĩa là tên gọi thân thương mà nhiều người dành cho ông. “Ông đối xử với anh em như người nhà. Vào những ngày lễ tết, ông và vợ thường làm bánh, mời tất cả anh em trong văn phòng sang ăn. Tình cảm của ông là động lực lớn để chúng tôi vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Câu nói ‘Người cách mạng là người giàu tình cảm nhất’ quả là rất đúng với hình tượng của anh Hai Nghĩa”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Vũ Tiến Chiến xúc động nhớ lại.
Bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết, đồng chí Trương Vĩnh Trọng mất đi là một tổn thất cho Đảng. Nhớ về anh Hai Nghĩa, một người đồng chí, người anh vô cùng quý mến, bà Nguyễn Thị Doan chia sẻ: “Anh Trương Vĩnh Trọng là người sống đầy tình thương yêu đối với đồng bào, đồng chí, đặc biệt là với đồng bào dân tộc. Anh cũng luôn chăm lo cho thế hệ trẻ, trong đó có chúng tôi. Khi ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, anh Hai Nghĩa rất chăm lo cho sự nghiệp kiểm tra nhưng đồng thời luôn vì sự tiến bộ của các em, các cháu. Tôi nhớ nhất tình cảm của anh Hai Nghĩa, khi đi xa về gần bao giờ cũng có quà cho các em. Kể cả khi anh nghỉ hưu cũng vẫn quan tâm đến mọi người. Anh thực sự là một con người đậm tình nghĩa, yêu nước thương dân, chăm lo cho thế hệ trẻ”.
Ấn tượng sâu sắc những quyết sách đúng đắn, kịp thời, quyết liệt của đồng chí Trương Vĩnh Trọng khi ở vị trí đứng đầu Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, nay là Ban Tổ chức Trung ương, ông Vũ Dũng, nguyên Chuyên viên chính Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, người từng thực hiện nhiều chỉ đạo của đồng chí Trương Vĩnh Trọng lúc bấy giờ khẳng định: “Ông Trọng về Ban Bảo vệ chính trị nội bộ thời gian không nhiều, chỉ khoảng 3 năm nhưng ông đã làm được những việc mà nhiều trưởng ban khác không làm được hoặc không dám làm”.
Ông Dũng nhớ lại, đồng chí Trương Vĩnh Trọng đã trực tiếp chỉ đạo sâu sát, kiên quyết, từ đó làm rõ được và xử lý nhóm tiêu cực, tham nhũng, vi phạm đạo đức, chính trị, lối sống, có tư tưởng, hành động trái quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong các cán bộ có chức, có quyền ở cả ba miền.
Theo ông Dũng, để có được những kết quả trong xử lý các vụ vi phạm, tham nhũng thời bấy giờ là vô cùng khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, đồng chí Trương Vĩnh Trọng đã có những quyết sách đúng đắn, góp phần đưa công tác cán bộ ngày càng mạnh hơn.
Lễ truy điệu nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng sẽ diễn ra hồi 9 giờ, thứ Hai, ngày 22/2/2021 tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre. Lễ an táng diễn ra lúc 11 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre.