Năm 2018 đánh dấu 5 năm triển khai sáng kiến tổ chức Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Giao lưu năm nay sẽ diễn ra từ ngày 19-21/11/2018 tại tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Chương trình tiếp tục khẳng định là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa chính trị to lớn được lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực hai bên biên giới đánh giá cao.
Nhân dịp chuẩn bị diễn ra Giao lưu, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trả lời phỏng vấn báo chí về nội dung, ý nghĩa các hoạt động trong chương trình Giao lưu.
Thưa Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại Cao Bằng (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tại sao hai bên lại lựa chọn địa điểm này để tổ chức chương trình giao lưu năm nay?
Việc lựa chọn địa điểm tổ chức thực hiện theo từng năm là luân phiên theo điều kiện của cả Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta đã tổ chức ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu và một số tỉnh khác. Năm nay, địa điểm được lựa chọn là Cao Bằng mang ý nghĩa đặc biệt, vì địa danh Cao Bằng đã ghi lại nhiều dấu ấn của cuộc cách mạng kháng chiến chống Pháp của Đảng, Nhà nước ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đó, Việt Nam cũng có mối quan hệ thân thiết với nước láng giềng Trung Quốc và được Trung Quốc giúp đỡ tích cực, to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Cao Bằng cũng có nhiều địa danh kỷ niệm mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đặc biệt, huyện Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc có cơ sở mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng để về giải phóng đất nước. Cao Bằng là địa điểm vừa có điều kiện thuận lợi để tổ chức giao lưu biên giới đồng thời cũng là địa điểm mang tính biểu tượng cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thưa Thứ trưởng, giao lưu năm nay có điểm gì mới so với các năm trước, và theo Thứ trưởng, các hoạt động nào sẽ thu hút được sự quan tâm của nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng biên?
Cuộc giao lưu nào cũng thu hút sự ủng hộ, tạo được sự phấn khởi cho người dân vùng biên, vì đối tượng trung tâm của giao lưu quốc phòng biên giới là nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc giáp biên giới. Các chương trình Giao lưu biên giới Quốc phòng nhằm giúp nhân dân có một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và được quản lý chặt chẽ; để người dân tham gia Giao lưu có niềm tin vào quan hệ bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ chương trình giao lưu đem lại lợi ích cho nhân dân, như giao lưu kết nghĩa các địa phương hai bên biên giới, hai Bộ Quốc phòng cùng tặng các công trình kỷ niệm nhà hữu nghị biên giới; tổ chức tuần tra chung, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trên biên giới, đồng thời tạo điều kiện tốt cho nhân dân hai nước đi lại, giao thương, xây dựng quan hệ tốt đẹp.
Giao lưu biên giới luôn đi liền với hội đàm giữa hai bên, trong đó nội dung quan trọng nhất là bàn giải pháp quản lý tốt khu vực biên giới tốt, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực sự trở thành những người chăm lo, xây dựng, bảo vệ đường biên giới của chính họ. Vì vậy, nhân dân ở các địa phương của Việt Nam - Trung Quốc giáp biên đều rất hồ hởi, phấn khởi.
Qua 4 lần tổ chức Giao lưu, chúng tôi nhận thấy nhân dân đều chủ động mong muốn tham gia vào những hoạt động và quá trình này. Điển hình như năm 2017, Việt Nam tổ chức Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt - Trung tại Lai Châu, nhân dân tập trung rất đông đảo để xem diễn tập và các nghi lễ tuần tra chung của Quân đội hai nước.
Năm 2018 là năm thứ 5 Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc được tổ chức. Qua mỗi năm, hai bên đều bàn bạc, thống nhất để tăng cường phong phú hơn các nội dung trong chương trình Giao lưu. Điểm đặc biệt của năm nay là các hoạt động đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước, có những hoạt động nằm trong khuôn khổ Giao lưu biên giới, nhưng lại diễn ra từ cách đây 3 - 4 tháng, ví dụ như đợt khám bệnh quân dân y của Quân y Việt Nam và Quân y Trung Quốc.
Một lực lượng mạnh của Quân y Việt Nam phối hợp cùng với một lực lượng hùng hậu của Quân y Trung Quốc khám bệnh, phát thuốc cho nhân dân hai bên biên giới. Mặc dù chính quyền địa phương, lực lượng quân sự, biên phòng… rất quan tâm đến sức khỏe của nhân dân, song vẫn có những điều kiện bị hạn chế. Hoạt động quân dân y khám bệnh chung đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Nhiều người bệnh được chữa trị ngay, một số người khác được phát hiện bệnh và đưa về bệnh viện tuyến sau. Như vậy, Giao lưu năm nay có hai điểm mới, đó là nội dung nhiều hơn, dày dặn hơn và thứ hai là có những hoạt động bên lề đã được chuẩn bị từ trước.
Trong quan hệ quốc phòng Việt Nam với các nước, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả. Thứ trưởng có thể cho biết về ý nghĩa của hoạt động Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc?
Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt coi trọng chiến lược đối ngoại biên giới quốc phòng giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Mối quan hệ này góp phần quan trọng giữ gìn phên dậu, đường biên giới cho đất nước. Việc đảm bảo đường biên giới hòa bình, ổn định không chỉ là bảo vệ biên giới, mà phải là xây dựng một đường biên giới phát triển, hữu nghị. Chúng ta bảo vệ bằng sức dân, bằng người dân, bằng tình hữu nghị, bằng pháp lý và mối quan hệ giữa các cơ quan, lực lượng bảo vệ biên giới, đối với Việt Nam là lực lượng Biên phòng. Bảo vệ, xây dựng, quản lý biên giới, giúp đỡ nhân dân vùng biên phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chính của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng lực lượng bảo vệ biên giới cũng có vai trò rất quan trọng.
Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc rất coi trọng. Lần đầu tiên Việt Nam phối hợp tổ chức Giao lưu hữu nghị biên giới Quốc phòng với Trung Quốc ở cấp Thứ trưởng, lần thứ 2 ở cấp Bộ trưởng, lần thứ 3 và thứ 4 ở cấp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và lần này ở cấp Bộ trưởng. Lực lượng tham gia lần đầu tiên khá ít, nhưng nay đã lên tới hàng nghìn người mỗi bên, chưa kể nhân dân. Nội dung tham gia ngày càng phong phú hơn. Hai bên thống nhất đi vào những hoạt động thực chất, giúp đỡ nhân dân, giải quyết những vấn đề của biên giới để biên giới hòa bình, hữu nghị.
Sau khi rút kinh nghiệm qua những lần tổ chức Giao lưu biên giới với Việt Nam, Trung Quốc đã tổ chức thêm giao lưu quốc phòng biên giới với một số nước như Lào, Myanmar… và đạt kết quả rất tốt. Đây là mô hình Trung Quốc đang nhân rộng, phối hợp tổ chức với các nước láng giềng.
Bảo vệ biên giới là vấn đề có tính chất đa phương, xuyên biên giới, không chỉ đảm bảo chống tội phạm, đảm bảo an ninh - quốc phòng cho đất nước, chúng ta cũng rất quan tâm đến bảo vệ mối quan hệ với các lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng. Thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức thành công các cuộc giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”. Năm đầu tiên chỉ có Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia tham gia, sau đó mở rộng thêm Thái Lan, Myanmar và hiện tại Việt Nam đang mời thêm các nước ASEAN khác, qua đó góp phần ổn định quan hệ quốc phòng trong khu vực.
Thưa Thứ trưởng, đối ngoại thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác ở biên giới đã trở thành điểm nhấn trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo Thứ trưởng, hoạt động này cần được cải tiến như thế nào để mang lại hiệu quả thực chất hơn nữa?
Tôi nghĩ việc quan trọng nhất là phải duy trì hoạt động giao lưu này. Muốn duy trì, cần xác định qua mỗi lần Giao lưu, cả hai bên đều có lợi ích. Lợi ích về đại cục cho quan hệ giữa hai Quân đội và lợi ích cho khu vực biên giới mà chúng ta tổ chức giao lưu. Không chỉ các địa điểm tổ chức Giao lưu mà toàn bộ đường biên giới và nhân dân khu vực biên giới đều được thụ hưởng thụ hưởng kết quả từ các hoạt động của chương trình.
Trong Giao lưu biên giới, nội dung quan trọng nhất là trao đổi những sáng kiến, nội dung, việc làm, quy chế nhằm quản lý đường biên giới hòa bình, hữu nghị, đúng luật pháp, giữ được chủ quyền đồng thời tăng cường điều kiện tốt hơn cho người dân hai bên biên giới; tăng cường sự tin cậy trong quan hệ quốc phòng, giữ gìn đường biên giới ổn định, khiến người dân cảm thấy họ được hưởng lợi xung quanh việc này. Những năm qua chúng ta đều đã đạt được yêu cầu cao nhất đó, và trong những năm tới sẽ tiếp tục cùng phía Trung Quốc phối hợp đạt yêu cầu với mức độ ngày càng cao hơn.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!