Phát biểu tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão số 9 vào sáng 29/10 tại Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 32/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Trung ương và Phòng, chống thiên tai.
Tìm kiếm người và tàu mất tích
Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Tiến yêu cầu các lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm 53 người mất tích tại huyện Nam Trà My; 2 người mất tích huyện Phước Sơn (Quảng Nam); tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Khẩn trương khắc phục hậu quả giao thông để thông tuyến, đặc biệt tại huyện Nam Trà My và đường Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Quảng Nam.
Các tỉnh, thành phố cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sơ tán dân khu vực ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt trên sông Vu Gia - Thu Bồn; tổng hợp thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả (đặc biệt là Quảng Ngãi và Quảng Nam)
Theo Thượng tá Trần Tuấn Anh, (Phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), các đơn vị biên phòng đang phối hợp với địa phương rà soát thiệt hại do bão số 9 và huy động các tàu cá của ngư dân tham gia tìm kiếm 2 tàu cá bị chìm trên biển, đồng thời sẵn sàng phương tiện, chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở đất tại huyện Nam Trà My (Quảng Ngãi).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ 26 ngư dân trên 2 con tàu của tỉnh Bình Định (mang số hiệu BĐ 968 TS và BĐ 97469 TS) bị chìm trên biển ngày 27/10. Riêng 14 thuyền viên trên tàu tàu cá BĐ-98658-TS cũng của Bình Đinh dù gặp sự cố trên biển vẫn an toàn. Lúc 0 giờ 51 phút ngày 29/10, tàu kiểm ngư KN467 đã tiếp cận được con tàu này.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết: Những ngày tới, tình hình mưa lũ tại khu vực Trung Bộ còn diễn biến rất phức tạp. Cụ thể, ngày 29/10 tiếp tục có mưa lớn và kéo dài đến ngày 31/10, mực nước trên các sông lớn thuộc khu vực này vẫn ở mức cao và tiếp tục lên.
"Hiện nay ở phía Đông Philippines có bão Goni đang hoạt động. Đây là cơn bão thứ 19 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và mới từ vùng áp thấp mạnh lên thành bão vào rạng sáng ngày 29/10. Cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Theo những thông tin dự báo xa, đến khoảng ngày 5 - 6/11 cơn bão này có khả năng gây mưa lớn ở Trung Bộ trong đó; nửa đầu tháng 11/2020, tình hình mưa bão trên biển Đông và miền Trung còn phức tạp", ông Nguyễn Phúc Lâm lưu ý.
12 người chết và 47 người mất tích với nhiều thiệt hại nghiêm trọng
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến sáng 29/8, bão số 9 đã làm 12 người chết gồm: 1 người ở tỉnh Đắk Lắk, 1 người ở tỉnh Quảng Ngãi, 1 người ở tỉnh Gia Lai, 1 người ở tỉnh Quảng Nam (do sạt lở đất). Đặc biệt, 8 thi thể đã được tìm thấy trong vụ sạt lở đất ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) làm 45 người mất tích; 3 thi thể được tìm thấy trong vụ sạt lở đất ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) làm 8 người mất tích. Ngoài ra, có 28 người bị thương; 227 nhà sập; 88.591 nhà tốc mái, hư hỏng, chủ yếu ở tỉnh Quảng Ngãi, 31 trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng tại Quảng Ngãi; 49 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng; 1 cầu treo tại Kon Tum và 2 cầu tại tỉnh Bình Định bị cuốn trôi...
Đến 7 giờ ngày 29/10, còn 718 xã bị mất điện (nhiều nhất tại các tỉnh Quảng Nam).
Quyết liệt trong chỉ đạo ứng phó
Thủ Tướng Chính phủ đã có Công điện về việc cứu hộ, cứu nạn những người bị vù lấp tại Thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Ban Chỉ đạo tiền phương đã họp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan vào 22 giờ ngày 28/10 để triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện số 32/CĐ-TW ngày 28/10 gửi các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và các bộ, ngành liên quan về việc triển khai ứng phó với mưa, lũ sau bão; có công văn số 165/TWPCTT ngày 28/10 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo các công ty dịch vụ viễn thông tổ chức nhắn tin đến các thuê bao trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của lũ.
Ban Chỉ đạo tiền phương đã kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 9 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi; phối hợp tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông; các địa phương cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27/10...
Các đơn vị đã huy động 45.849 cán bộ, chiến sỹ và 4.258 phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó với bão số 9, chỉ đạo các nhà mạng nhắn 42.860.247 tin cảnh báo, hướng dẫn phòng tránh tới các thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 9. Các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương liên tục cập nhật các cảnh báo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão.
Các tỉnh, thành phố đang tổ chức rà soát, thống kê thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả.