Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hội nghị được phối hợp tổ chức nhằm giúp Đảng bộ thành phố nắm tâm tư, nguyện vọng, ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Đại hội Đảng các cấp, nhất là đối với Đảng bộ và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội nghị hướng tới phát huy truyền thống đoàn kết, năng động sáng tạo, nghĩa tình của thành phố trong vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Hội nghị được tổ chức không trùng lặp với hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hoặc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các cấp với các tầng lớp nhân dân để giải quyết những vấn đề bức xúc cụ thể; lắng nghe, ghi nhận ý kiến, hiến kế mang tính giải pháp của nhân dân vào các nội dung, đề án, chương trình của Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại hội nghị, các đại biểu là trí thức tiêu biểu, chức sắc tôn giáo, đại diện cơ sở tín ngưỡng, dân tộc, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung, đề án, chương trình của Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI. Trong đó tập trung vào các vấn đề nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng, dân vận của chính quyền các cấp, góp phần củng cố niềm tin nhân dân với đối với Đảng bộ, chính quyền; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân.
Ông Trần Bá Hà và bà Nguyễn Thị Lan là cán bộ hưu trí Quận 1 cùng đánh giá cao vai trò của công tác dân vận, đề nghị cần phải tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận; nâng cao hiệu quả hoạt động công tác dân vận chính quyền trong tạo dựng sự đồng thuận xã hội. Các cán bộ nhà nước phải gần dân, hiểu dân, thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp. Có như vậy, mới tạo được sức mạnh của toàn dân trong xây dựng và phát triển thành phố.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Lợi (cán bộ hưu trí), mục sư Nguyễn Thế Hiển (Giáo hội Tin Lành chi hội Sài Gòn) và ông Lê Tiến Sỹ (Bí thư Đảng ủy phường Tân Định) lại quan tâm đến Chương trình phát triển nhà ở cho người dân thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030. Các đại biểu cho rằng, nhu cầu về nhà ở của người dân có thu nhập thấp và trung bình tại thành phố là rất lớn và đang gặp nhiều khó khăn. Vấn đề nhà ở chính là một yêu cầu, điều kiện để thành phố hoàn thành mục tiêu xây dựng “gia đình hạnh phúc”. Vấn đề này được nêu tại Dự thảo văn kiện Đại hội còn sơ sài, chưa đúng với tầm quan trọng trong thực tế xã hội thành phố. Thành phố cần quan tâm đầu tư cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cho người dân có thu nhập thấp và đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình, dự án có liên quan đến nhà, đất.
Góp ý về Chương trình nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số môi trường kinh doanh, ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủ công mỹ nghệ Kim Bôi cho rằng thành phố cần có những biện pháp cụ thể để nâng cao chỉ số hành chính, chỉ số môi trường kinh doanh cũng như thực hiện hiệu quả việc khảo sát sự hài lòng của người dân đối với công tác cải cách hành chính. Thành phố cũng cần nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ hành chính để tạo sự hấp dẫn đầu tư, giữ chân doanh nghiệp; cải cách hành chính góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố.
Cũng về vấn đề này, nhưng dưới góc nhìn quản lý hành chính công, bà Châu Phụng Chi, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 1 có những ý kiến đóng góp nhằm cải thiện các chỉ số đánh giá phát triển thành phố. Theo bà Chi, Chương trình hành động của thành phố cần thể hiện sự quan tâm hơn đến vấn đề này và cần đưa những giải pháp cụ thể. Chương trình cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể; cần xác định được thế mạnh, lợi thế, đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh trong xây dựng mục tiêu đó. Dự thảo hiện nay chỉ mới liệt kê một số giải pháp đơn giản, chưa xứng tầm với vị thế thành phố.
Bà Châu Phụng Chi cũng góp ý về Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố về các nội dung liên quan đến công tác đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, thúc đẩy môi trường đầu tư; kiến nghị bổ sung các giải pháp của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh về xử lý và phản ứng đối với các vấn đề xã hội.
Các đại biểu cũng đã tập trung cho ý kiến vào các Đề án Tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030; Đề án Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân giám sát Đảng và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025...
Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức Hội nghị tại các quận, huyện để lắng nghe và tiếp thu những nguyện vọng, góp ý của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng bộ và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.