Quá trình hình thành và phát triển của TTXVN luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước của nhân dân ta. Trong công cuộc kháng chiến cứu quốc, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN đã thực sự là những nhà báo chiến sỹ.
Ngày 12/10/1960, đúng vào ngày Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Chỉ thị về tăng cường công tác của Việt Nam Thông tấn xã trong tình hình mới, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng được phát đi từ Chiến khu Dương Minh Châu dưới cái tên GPX (Giải phóng xã), phát đối ngoại là LPA, là tuyên ngôn về sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng, cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước, ngày 24/5/1976, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng được hợp nhất, đánh dấu một giai đoạn mới trong bước phát triển của ngành. Ngày 12/5/1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 84/NQ-QHK6 phê chuẩn việc đổi tên Việt Nam Thông tấn xã thành Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Cách đây hơn nửa năm (ngày 11/10/2020), tại thành phố Hồ Chí Minh, TTXVN đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2020) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ, đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ; cán bộ, phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) và phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) nay là TTXVN đã đến dự đông đủ, cùng chia sẻ niềm vui, niềm tự hào của cơ quan Thông tấn xã anh hùng.
TTXGP vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phần thưởng cao quý, thể hiện sự ghi nhận, trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp, thành tích đặc biệt xuất sắc của tập thể các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, nhân viên TTXGP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tiếp bước truyền thống vẻ vang và tự hào của TTXGP, TTXVN ngày nay, cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước, đã ngày càng phát triển lớn mạnh, không chỉ trong nước mà còn hội nhập sâu rộng và hợp tác với nhiều tổ chức báo chí lớn trên thế giới.
Là hãng thông tấn duy nhất của cả nước, TTXVN thực hiện chức năng thông tấn nhà nước trong việc phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình truyền thông, phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng có nhu cầu ở trong và ngoài nước.
TTXVN là một tổ hợp truyền thông với 32 đơn vị đầu mối, trong đó có 7 đơn vị thông tin nguồn (gồm 5 ban biên tập và 2 trung tâm thông tin) cung cấp thông tin cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước; các cơ quan báo chí, xuất bản phục vụ công chúng Việt Nam và nước ngoài (gồm 10 tòa soạn báo in và báo điện tử, 1 kênh truyền hình, 1 nhà xuất bản...) và 5 trung tâm phục vụ thông tin. Ngoài ra, còn có khối các đơn vị chức năng và 2 doanh nghiệp in.
Với hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đặt tại tất cả 5 châu lục, TTXVN có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và tại hầu hết các địa bàn trọng điểm của thế giới. Đây là một ưu thế mà không một cơ quan báo chí nào ở nước ta có được. Với hơn 60 sản phẩm thông tin được thực hiện bởi đội ngũ khoảng 1.200 phóng viên, biên tập viên (trong tổng số gần 2.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành), TTXVN hiện là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước: Từ các bản tin nguồn thông tấn gồm tin viết, tin ảnh, tin truyền hình, tin đồ họa, tin âm thanh...; các tờ báo hàng ngày, tuần báo, tạp chí, báo ảnh, ấn phẩm sách... cho đến kênh truyền hình, báo điện tử, báo giấy trực tuyến (e-newspaper), thông tin trên các thiết bị di động, trên các trang mạng xã hội v.v...
TTXVN hiện cũng là cơ quan hoạt động báo chí với nhiều ngôn ngữ nhất. Ngoài tiếng Việt, tin nguồn của TTXVN cung cấp cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước còn được phát bằng 4 thứ tiếng: Anh, Trung, Pháp và Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, TTXVN có các tờ báo in, báo điện tử xuất bản bằng 9 ngoại ngữ (ngoài các ngữ nêu trên còn có tiếng Lào, Khmer, Hàn Quốc, Nhật và Nga). Qua đó, TTXVN là một trong những trung tâm thông tin đối ngoại quan trọng nhất của cả nước. Ngoài ra, TTXVN còn được giao nhiệm vụ xuất bản các ấn phẩm báo chí bằng ngôn ngữ của tất cả các dân tộc thiểu số có chữ viết ở Việt Nam (hiện đã xuất bản bằng 11 tiếng dân tộc).
TTXVN hiện có quan hệ hợp tác song phương và đa phương với hơn 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế lớn trên thế giới; là Ủy viên BCH Tổ chức các hãng thông tấn Châu Á - Thái Bình Dương (OANA), thành viên Tổ chức thông tấn xã các nước không liên kết (NANAP), Tổ chức các thông tấn xã ASEAN (ANEX)... Luôn nỗ lực thực hiện tốt chức năng của một hãng thông tấn quốc gia, cung cấp kịp thời thông tin thời sự về mọi mặt đời sống xã hội trong nước và quốc tế cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước với một nguồn tin chính thống được cập nhật liên tục; đồng thời đáp ứng trực tiếp nhu cầu thông tin của công chúng bằng một loạt sản phẩm truyền thông hàng đầu cả nước, TTXVN giữ vững vị thế là dòng thông tin chủ lưu có vai trò định hướng thông tin, là trung tâm thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
TTXVN là cơ quan phát ngôn chính thức của Chính phủ Việt Nam, được quyền “công bố những quan điểm chính thống của Nhà nước về các vấn đề thời sự; chỉnh hướng những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia; cải chính những thông tin sai lệch; khi cần thiết ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc”.
Kể từ khi ra đời đến nay, lịch sử phát triển của TTXVN luôn gắn chặt với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước của nhân dân ta. Không một cơ quan báo chí nào ở Việt Nam có nhiều liệt sĩ như TTXVN. Trong khoảng 450 liệt sĩ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, riêng TTXVN có gần 260 phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, kỹ thuật viên và lái xe hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Trong số đó có nhà báo Trần Kim Xuyến, vị lãnh đạo đầu tiên của TTXVN, đồng thời là một trong những nhà báo-liệt sỹ đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam (hy sinh năm 1947 tại Chương Mỹ, Hà Tây, nay là Hà Nội) và nhà báo Bùi Đình Túy, Phó giám đốc Thông tấn xã Giải phóng (hy sinh năm 1967 tại Trảng Dầu, Đông Nam Bộ). Đây cũng là hai trong số những nhà báo cách mạng đầu tiên được lấy tên để đặt tên đường phố ở Việt Nam (phố Trần Kim Xuyến tại Hà Nội, đường Trần Kim Xuyến tại Hà Tĩnh và đường Bùi Đình Túy, cầu Bùi Đình Túy tại Thành phố Hồ Chí Minh).
Trải qua hơn 75 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển gắn liền với những dấu mốc lịch sử của đất nước, TTXVN là cơ quan báo chí vinh dự được phong tặng ba danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2001), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2005) và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thông tấn xã Giải phóng (năm 2020). Cùng với đó, TTXVN đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Phát huy truyền thống cơ quan được 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng, hiện nay cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của TTXVN ngày càng cố gắng, hăng hái thi đua, lao động, xây dựng Thông tấn xã Việt Nam thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của hệ thống truyền thông quốc gia, là Trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước.