Khẳng định vị thế, uy tín của tổ chức hội
71 năm qua, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Trải qua 10 kỳ Đại hội, Hội ngày càng phát triển, trưởng thành, là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, với đội ngũ hội viên ngày càng đông đảo, chất lượng ngày một nâng cao, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Công tác rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội được quan tâm thực hiện. Số người làm báo gia nhập Hội tăng nhanh, tính đến tháng 10/2020, Hội Nhà Báo Việt Nam có 26.183 hội viên đang sinh hoạt tại 287 đơn vị cấp hội, gồm 63 tỉnh, thành phố, 19 liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc Trung ương. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp hội kết nạp 9.314 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp gần 2.000 hội viên.
Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết: hiểu được sự "thiết thực, hiệu quả" chính là chìa khóa để thu hút, quy tụ hội viên, nhà báo, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ luôn được Hội quan tâm. Giai đoạn 2015-2020, Hội đã tổ chức gần 40 tọa đàm, hội thảo quốc gia, quốc tế; tổ chức 539 lớp học cho 15.394 học viên với nhiều loại hình đào tạo. Nhờ đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy nên chất lượng, hiệu quả của các lớp học ngày càng được nâng cao, khơi dậy tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu của người làm báo.
Uy tín của Giải Báo chí quốc gia ngày càng được khẳng định, nâng cao, trở thành giải thưởng báo chí danh giá nhất. Sự thành công của Hội báo toàn quốc qua các năm đã góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín, chất lượng hiệu quả của hoạt động tổ chức hội, có sức lan tỏa trong đời sống báo chí và xã hội, để lại ấn tượng đẹp, sâu sắc trong lòng những người làm báo và công chúng cả nước.
Đối với việc tu dưỡng, nêu cao đạo đức người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng, ban hành, tổ chức học tập rộng rãi trong các cấp hội, các cơ quan báo chí 10 điều quy định đạo đức người làm báo. Các quy định này đã trở thành nguyên tắc làm nghề, lời cam kết thiêng liêng, giúp người làm báo luôn ý thức được một cách sâu sắc trách nhiệm với xã hội, với đất nước.
Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc về sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; ban hành Quyết định 979/QĐ- HNBVN về việc sinh hoạt hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương để đảm bảo quản lý chặt chẽ hội viên hoạt động xa tòa soạn; đưa vào sử dụng phần mềm theo dõi việc đăng, sửa bài trên báo điện tử, góp phần cơ bản trong việc ngăn chặn được hiện tượng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ". Hằng năm, Hội đều tổ chức hàng trăm cuộc kiểm tra, giám sát ở các cấp hội...
Công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo được quan tâm, đạt kết quả cao. Khi xảy ra những vụ việc nhà báo bị ngăn cản hoạt động đúng pháp luật, bị phá hoại phương tiện, thu giữ tài liệu, bị đe dọa, hành hung, lập tức Hội có thái độ mạnh mẽ, lên án, phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chủ quản để bảo vệ. Nhiều trường hợp đe dọa, cản trở, xúc phạm, hành hung phóng viên tác nghiệp đã bị xử lý nghiêm theo quy định; qua đó, Hội Nhà báo đã, đang trở thành chỗ dựa về tinh thần rất quan trọng với hội viên, được các cấp hội, hội viên đánh giá cao.
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong hoạt động
Tuy có những thuận lợi nhất định nhưng tổ chức Hội cũng gặp không ít khó khăn. Sự bùng nổ thông tin qua phát triển mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến sự đáp ứng của báo chí đối với xã hội về đội ngũ con người, phương tiện công nghệ. Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, hội viên chưa cao, vẫn còn tình trạng hội viên, người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo. Cách làm nghề thiếu chuẩn mực của một bộ phận người làm báo đã làm tổn hại thanh danh báo chí, lòng tự trọng của người làm báo chính trực, làm suy giảm vai trò và hiệu quả của báo chí với xã hội...
2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng, năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Hội Nhà báo Việt Nam tập trung cao độ, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong thời gian tới.
Đồng thời, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên; chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức Hội nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương hoạt động theo Điều lệ chung.
Đặc biệt, các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Hội cũng phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo; quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, của người làm báo: tổ chức những hội thảo, tọa đàm chuyên đề về báo chí tạo ra sự lan tỏa trong giới báo chí cũng như đối với công chúng
Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Hội cũng phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo; quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo...
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng dù trong bất kỳ khó khăn, thử thách nào, báo chí vẫn góp phần quan trọng, đáng tự hào vào thành tựu chung của đất nước. Tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc trong thời chiến đến tinh thần dấn thân, cống hiến vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi là ngọn lửa soi đường cho lớp lớp thế hệ mai sau. Trong dòng chảy của thời cuộc, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục giữ gìn được truyền thống, tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động. Tinh thần ấy sẽ được phát huy, là động lực mạnh mẽ trong thời gian tới để hội viên, nhà báo phấn đấu vì một nền báo chí hiện đại, nhân văn, vì một "mái nhà chung" ấm áp.