Kết quả này đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của tất cả người dân Việt Nam chúng ta, cho thấy sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và tích cực hội nhập quốc tế, uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trong khuôn khổ Liên hợp quốc và trên trường quốc tế.
Ngay sau khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thông điệp cảm ơn sự ghi nhận của quốc tế về vai trò và những đóng góp của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực, đồng thời khẳng định: “Với quyết tâm mới, khí thế mới, với niềm tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, với nỗ lực và sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng của các cấp, các bộ, ban, ngành và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, xứng đáng là đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững”.
Việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai này, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển, là biểu hiện ở mức cao nhất chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.
Bày tỏ tin tưởng vào Việt Nam, ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm cho Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế, đồng thời Việt Nam cũng cần luôn giữ cho mình một vị thế rộng mở, sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Liên hợp quốc luôn là đối tác thủy chung, tin cậy của Việt Nam trong hơn 40 năm qua. Với tư cách là đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam, ngài Kamal Malhotra cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong vai trò, trách nhiệm mới tại Hội đồng Bảo an khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia vào công việc chung của cộng đồng quốc tế với một vị thế ngày càng cao. Qua nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia có trách nhiệm, có quan điểm tương đồng với các nước đối tác trước các vấn đề nhạy cảm, có năng lực vươn lên để đóng góp vào Hội đồng Bảo an, với sự tham gia đầy đủ tất cả các cuộc họp của Hội đồng.
Đến nay, Việt Nam đã có cơ chế hoạch định chính sách đảm bảo thời gian, ý kiến ở các cấp thẩm quyền khác nhau. Việt Nam cũng đã cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Rất nhiều nơi trên thế giới như Trung Đông, Nam Á, châu Phi đã triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình để ngăn ngừa xung đột, giúp giải quyết xung đột, đồng thời đảm bảo ổn định sau khi xung đột đã được giải quyết. Các hoạt động được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam tham gia hoạt động này thể hiện trách nhiệm của mình là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, thể hiện thiện chí của một dân tộc mong muốn hòa bình, đóng góp vào hòa bình thế giới, đáp ứng mong mỏi của các quốc gia trên thế giới.
Sau khi đảm nhiệm thành công vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam tiếp tục đại diện cho các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ứng cử vào vị trí này trong nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Đồng thời với việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 - năm đầu tiên của thập kỷ thứ 2 trong thế kỷ XXI, việc Việt Nam trúng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy sự chủ động và tích cực đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, uy tín và vị thế mới của Việt Nam ngày càng cao.
Ngài Kamal Malhotra nhấn mạnh, khi trúng cử vào Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để chứng tỏ khả năng của mình, đóng vai trò quan trọng cho các sự kiện khu vực và toàn cầu. Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Do đó, Việt Nam cần phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sự đóng góp tích cực, quan trọng trong các diễn đàn khu vực và thế giới.
Việc trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần này còn là cơ hội nâng cao hơn nữa vị thế và hình ảnh một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, với những đóng góp tích cực, hiệu quả vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, phồn vinh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự kiện này cũng sẽ tạo thêm niềm tin, lòng tự hào, thúc đẩy mọi người dân Việt Nam ra sức đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển toàn diện đất nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn, an toàn trong khu vực và quốc tế.
Trong thời gian tới, phát huy những kinh nghiệm quý báu qua các cuộc đàm phán lịch sử trước đây, như Hiệp định Geneve, Hiệp định Paris về Việt Nam, tiếp tục trưởng thành thông qua các cuộc đàm phán quốc tế về chính trị, ngoại giao, kinh tế và việc chủ trì tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn như Hội nghị APEC, ASEM, ASEAN..., với tinh thần hợp tác tích cực, chân thành, sự ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc, chắc chắn Việt Nam sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới.
Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, là một vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là một dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong quá trình Việt Nam triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, định hướng công tác đối ngoại đa phương là “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc” và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Chỉ thị 25-CT/TW xác định mục tiêu cho công tác đối ngoại đa phương thời gian tới là “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước”, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của Việt Nam.