Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hải Chuyền (ảnh), Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, về vấn đề hoàn thiện chính sách đối với người có công:
Sau khi thực hiện tổng rà soát về chế độ chính sách với người có công, Bộ LĐTBXH đã triển khai những giải pháp nào để giải quyết việc hàng chục ngàn trường hợp người có công nhưng chưa được công nhận do thiếu giấy tờ xác minh, thưa Bộ trưởng?
Qua rà soát theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước còn 64.727 trường hợp kê khai chưa được xem xét xác nhận người có công. Theo báo cáo của các địa phương đến nay đã xem xét, xác nhận và giải quyết chế độ đối với gần 10.000 trường hợp. Các trường hợp còn lại, Bộ LĐTBXH đang phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện xử lý những trường hợp còn tồn đọng, thành lập các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn các địa phương giải quyết những vướng mắc trong quá trình xác lập hồ sơ.
Trước mắt, Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương kiểm tra, xem xét, nhanh chóng hướng dẫn, giải quyết cụ thể đối với những trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành về xác nhận người có công.
Đối với những trường hợp không còn giấy tờ, các địa phương (từ cấp xã) cần lập hội đồng xem xét những trường hợp đề nghị xác nhận, gửi danh sách về Bộ LĐTBXH để phối hợp với các cơ quan chức năng có hướng giải quyết cụ thể.
Đến thời điểm này, một số quy định đã bộc lộ những điểm bất cập của Nghị định số 31/2013, vậy Bộ chủ trương sửa đổi như thế nào?
Trong thực tế triển khai thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và nhân dân đã phát hiện một số vướng mắc và những nội dung còn hạn chế trong quy định hiện hành. Do đó, hiện nay Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan để triển khai xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2013/NĐ-CP để khắc phục những điểm còn bất cập, đảm bảo phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Bộ LĐTBXH đã tổ chức một số hội nghị để lấy ý kiến các địa phương về việc sửa đổi Nghị định số 31/2013/NĐ-CP. Tinh thần chỉ đạo của Bộ LĐTBXH phải thận trọng và cầu thị, nghiên cứu kỹ các ý kiến đóng góp các phương án, thắc mắc của đối tượng để có những tiếp thu và báo cáo giải trình phù hợp. Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét để sửa đổi, bổ sung kịp thời các vấn đề trong Nghị định 31 mà các ý kiến đề xuất và kiến nghị của các địa phương.
Bộ LĐTBXH có phương án nào để đề xuất tăng mức trợ cấp cho người có công và cùng với các ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến cải tạo nhà ở, xóa nhà tranh, dột nát, thưa Bộ trưởng?
Để thực hiện chăm lo đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ có mức sống bằng và cao hơn mức sống bình quân của người dân nơi cư trú, về mặt chính sách, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo lộ trình. Cụ thể, tại Nghị định số 20/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định này là 1.318.000 đồng (tăng 98.000 đồng tương đương với 8% so với mức cũ).
Đồng thời, để cải tạo nhà ở, ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, các Bộ: Xây dựng, Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn về tiêu chí hỗ trợ và rà soát đối tượng cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở; việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Từ năm 2013 đến đầu năm 2015, số lượng nhà xây mới là 23.767 nhà; sửa chữa là nhà tình nghĩa 21.787 nhà.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!