Ngày thương binh liệt sĩ (27/7) là dịp để cộng đồng tri ân những người có công vì sự độc lập, tự do của Tổ quốc. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo cho người có công nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc hoặc có những người lợi dụng chính sách để trục lợi. Tình trạng này đang được Bộ LĐTBXH và các địa phương tập trung khắc phục.Giải quyết hồ sơ tồn đọng
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng đối tượng hưởng chưa đầy đủ và chưa được hưởng chế độ lớn nhất cả nước. Trong tổng số 105.489 người được rà soát về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng vào năm 2014 - 2015, số hưởng đúng là 101.567 trường hợp, số hưởng chưa đầy đủ 2.282 trường hợp, số hưởng sai 61 trường hợp, số người chưa được hưởng chế độ là 11.260 trường hợp.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm tặng quà cho người có công tại Thanh Hóa. |
Gây bức xúc trong dư luận là vẫn còn những trường hợp người có công nhưng chưa được hưởng chính sách. Nhiều năm qua, chính quyền xã Nghi Văn và phòng LĐTBXH huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chưa thể giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách cho 4 thanh niên xung phong trong xã, gồm Phan Thị Trung, Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Văn Kính (đã hy sinh vì trúng bom Mỹ) và nữ thanh niên xung phong Lê Thị Sự bị thương nặng. Những người này trúng bom khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ kho xăng quân đội Bãi Dộp tại xã Nghi Kiều vào sáng ngày 21/5/19. Năm 1997, bà Sự cùng thân nhân của 3 thanh niên xung phong xã Nghi Văn đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng để được công nhận liệt sỹ, thương binh. Tháng 8/2011, Tổng cục Hậu cần đã có công văn đề nghị các cơ quan ban ngành tỉnh Nghệ An lập hồ sơ đề nghị xem xét giải quyết chế độ theo chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước cho các trường hợp trên. Tuy nhiên, đã 18 năm kể từ khi làm hồ sơ, bà Sự cũng như người thân của các thanh niên xung phong chưa nhận được bất kỳ chế độ gì. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó phòng LĐTBXH huyện Nghi Lộc giải thích: “Hồ sơ các gia đình đã nộp cho UBND xã Nghi Văn nhưng do cán bộ chính sách của xã đã qua đời nên hồ sơ bị thất lạc”.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ LĐTBXH, tổng số người có công được rà soát trong năm 2014 - 2015 trên cả nước là 2.070.812 người; trong đó số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.796 người, chiếm tỷ lệ 95,75%. Số đối tượng hưởng chính sách chưa đầy đủ là 75.978 người, hưởng sai chính sách là 2.901, đề nghị xác nhận là 64.727. Từ kết quả rà soát, các tỉnh đã giải quyết cho 47.134 trên tổng số 75.978 trường hợp. Đối tượng hưởng sai chính sách, qua kiểm tra rà soát lại có 133 trường hợp hưởng đúng chính sách, thực hiện dừng với 657 trường hợp, tiếp tục rà soát với các cơ quan địa phương khi kiểm tra với 2011 trường hợp còn lại trước khi đưa ra quyết định. |
Trường hợp trên là một trong hàng nghìn trường hợp người có công khác tại Nghệ An gặp khó khăn vướng mắc vì thiếu hồ sơ, thủ tục nên chưa thể giải quyết. Nguyên nhân do sau chiến tranh, người dân ít quan tâm đến việc bảo quản các loại giấy tờ liên quan, vì vậy hầu hết không có giấy tờ gốc để chứng minh. Các nhân chứng sống hiện giờ hầu hết đã qua đời, nhiều cơ quan, đơn vị đã giải thể, xóa phiên hiệu vì vậy việc xác nhận người làm chứng gặp khó khăn. Nếu có thì các xác nhận của người làm chứng thiếu căn cứ, cơ sở để xét, không đúng đối tượng. Bên cạnh đó, việc xét duyệt phải trải qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng và số lượng quá lớn, hầu hết hồ sơ thiếu các căn cứ xét vì vậy phải bổ sung nhiều lần làm kéo dài thời gian xét duyệt.
Đối với hồ sơ tồn đọng, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Nghệ An đã tổ chức thẩm định cho 7.774 hồ sơ các huyện và đã trình Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Đồng thời tiếp tục đôn đốc các huyện trả hồ sơ cho các đối tượng không đủ tiêu chuẩn và giải thích rõ bằng văn bản cho các đối tượng. Còn với gần 5.000 thanh niên xung phong chưa được giải quyết chế độ, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND xã, phường và cơ quan chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, rà soát thống kê đối tượng theo quy định, hoàn thiện bổ sung hồ sơ kịp thời, hướng dẫn kê khai, cung cấp biểu mẫu, công khai niêm yết, tiếp nhận hồ sơ và xét duyệt đúng tiêu chuẩn, quy trình quy định. Tỉnh phấn đấu trong tháng 8/2015 hoàn thành việc giải quyết chế độ đối với những hồ sơ đã tiếp nhận.
Tương tự như Nghệ An, qua đợt tổng rà soát người có công vừa qua, Hà Nội phát hiện có 49 trường hợp hưởng sai, trong đó đã xác minh 30 trường hợp không thuộc đối tượng chính sách nhưng vẫn hưởng chế độ, qua đó thu hồi hơn 1,3 tỷ đồng. “Còn 19 trường hợp khác vẫn đang tiếp tục xác minh, khi đã rõ thì tiếp tục thu hồi”, ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng chính sách người có công (Sở LĐTBXH) cho biết.
Vướng mắc nhiều nhất liên quan đến giải quyết chế độ cho cựu thanh niên xung phong với gần 700 trường hợp do thiếu hồ sơ gốc. “Sở LĐTBXH Hà Nội phối hợp với ngành chức năng đã giải quyết xong cho 200 trường hợp; 280 trường hợp đang được Sở Nội vụ xem xét, hơn 100 trường hợp chưa đủ điều kiện xem xét và đang chờ cấp có thẩm quyền hướng dẫn giải quyết”, ông Trần Thanh Bình cho biết.
Đối với đối tượng chưa được xác nhận vài giải quyết chế độ chính sách, hiện các địa phương đến nay đã xem xét, xác nhận và giải quyết chế độ đối với 9622 trường hợp; ngành LĐTBXH đang hướng dẫn lập hồ sơ 13.724 trường hợp; chuyển các cơ quan khác theo thẩm quyền để hướng dẫn xem xét 20.771 trường hợp; số còn lại (khoảng 19.000) không còn giấy tờ.
Điều chỉnh chế độCùng với việc tổng rà soát, theo ông Hoàng Văn Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH), hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, cơ bản các chế độ ưu đãi người có công đã được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng. Đến hết năm 2014, đã có 7.200 bà mẹ được hưởng trợ cấp người phục vụ; gần 65.000 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc bị địch bắt tù đày. Riêng quy định bổ sung chế độ thờ cúng liệt sĩ cũng đã có 410.000 người được hưởng. Trong đó có trên 14.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21 - 40%, gần 63.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 41 - 60%, 58.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61 - 80%, hơn 18.000 người tiếp tục hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Đây là những con số rất đáng ghi nhận.
Theo Cục Người có công, đối với chính sách cho thương binh, liệt sĩ, vướng nhất là không còn hồ sơ gốc; quy định về hưởng trợ cấp chất độc hóa học da cam trong việc giám định lại vết thương; đối tượng bị bắt tù đầy; giám định vết thương còn sót… Vì vậy, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công theo hướng đảm bảo đúng quy định và quyền lợi chính đáng của người có công. |
Tuy nhiên, dù đã có văn bản hướng dẫn nhưng việc giám định xác nhận đối tượng người có công vẫn bị chậm trễ. “Đây là một trong những khó khăn trong việc thực hiện chính sách người có công hiện nay. Khó khăn nhất hiện nay là việc giám định cho những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam do Hội đồng giám định y khoa do thiếu quy chuẩn”, đại diện Sở LĐTBXH Hải Phòng nhận định.
Những bức xúc trong việc giải quyết các chính sách của người có công tại địa phương thường chủ yếu là ở khâu giám định, xác nhận đối tượng. Vì vây, thời gian tới cần phải xác định rõ rạch ròi nhiệm vụ của từng ban ngành để tìm ra nguyên nhân, bất cập, sai phạm ở khâu nào để có các giải pháp phù hợp. “Quá trình chờ giám định lâu nên dẫn tới chậm giải quyết chế độ hỗ trợ và dễ xảy ra tình trạng ‘trục lợi’ từ chính sách”, đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định cho biết.