Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, do chủ động trong công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai năm 2018, nên mặc dù năm nay lũ tại đồng bằng sông Cửu Long tương đương lũ năm 2011 nhưng không có trường hợp nào bị chết do đuối nước, trong khi lũ năm 2011 làm chết 89 người (năm 2000 là 481 người). Đó là kết quả của cả một quá trình từ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân, sự chủ động của chính quyền địa phương, cộng đồng, sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo ứng phó với lũ năm 2018.
Năm 2019, Tổng cục cần chú trọng các khâu trong phòng, chống thiên tai như nâng cao công tác dự báo và sự phối hợp với các đơn vị liên quan; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác cảnh báo, tính đồng bộ trong ứng dụng khoa học đối với công tác phòng chống thiên tai; tham mưu hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan phòng chống thiên tai cấp tỉnh đảm bảo tính chuyên nghiệp, chuyên trách đáp ứng yêu cầu; đào tạo, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và cán bộ chuyên môn bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, Tổng cục tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch, dự án như: Kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia; Đề án tổng thể phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên cả nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đề án tổng thể phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; Đề án bố trí lại dân cư khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai; Dự án xây dựng Trung tâm điều hành phòng chống thiên tai Quốc gia.
Về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục tăng cường tính toán vận hành điều tiết liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông trên cả nước, đặc biệt là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình Hồng để sẵn sàng chỉ đạo các tình huống vận hành hồ đảm bảo an toàn công trình và hạ du; tập trung xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp phòng chống thiên tai; theo dõi, giám sát tự động, trực tuyến thông số các công trình trọng điểm và các vị trí xung yếu, các thiên tai lớn xảy ra (camera, viễn thám,…); ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng công trình phòng chống thiên tai như phòng, chống sạt lở, hệ thống đê điều, công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt thí điểm cảnh báo tự động lũ quét, sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi...
Năm 2018, trên thế giới và các nước trong khu vực liên tiếp xảy ra các trận thiên tai lớn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tại Việt Nam, thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 9 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau 7 năm kể từ 2011, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long… gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích (tính đến ngày 20/12/2018).
Trong năm 2018, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã tham mưu Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018, đề nghị xem xét hỗ trợ 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xin chủ trương đầu tư 36 triệu USD từ 2 dự án ODA (đã được Thủ tướng cũng như Ngân hàng thế giới và ADB đồng ý) để hỗ trợ các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển.
Tổng cục cũng đã xây dựng và triển khai trên trang thông tin điện tử bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long; Dự án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Đề án tổng thể phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên; Đề án nâng cao năng lực quốc gia về phòng chống thiên tai...
Cùng với đó, Tổng cục đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo ban hành 66 công điện chỉ đạo công tác ứng phó với các đợt thiên tai; tổ chức 15 đoàn công tác cùng lãnh đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo đi thị sát, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại các địa phương trọng điểm; tổ chức tham mưu tính toán vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn và hiệu quả...
Đặc biệt là công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng được Tổng cục quan tâm chú trọng và đẩy mạnh, triển khai tới tận địa phương, thôn bản, từng bước thay đổi nhận thức của người dân, đưa công tác phòng chống thiên tai đi vào cuộc sống.
Công tác khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế bước đầu ứng dụng vào công tác dự báo, cảnh báo đạt hiệu quả cao... góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.