Ngày 15/1, tiếp tục phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đầu phiên họp sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai.
Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Ban soạn thảo thống nhất với tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai như Tờ trình của Chính phủ và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị. Tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai; đồng thời phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành luật. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên tên gọi trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Chủ nhiệm Trương Thị Mai khẳng định rằng không thể “chống” lại thiên nhiên nên ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn tên gọi của dự thảo luật. Chủ nhiệm Đào Trọng Thi phân tích thiên tai xảy ra theo quy luật của tự nhiên, con người phải thích ứng với thiên nhiên, chứ không “chống” lại được thiên nhiên. Hơn nữa đại biểu cho rằng tên gọi như đề xuất của Ban soạn thảo có thể ảnh hưởng tới ứng xử của con người với thiên tai.
Giải trình thêm về nội dung này, ban soạn thảo phân tích từ “chống” ở đây cần được hiểu theo hướng tích cực, đó là trên cơ sở hiểu tự nhiên để có biện pháp “chống” cho hiệu quả chứ không “tránh” được.
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) (sửa đổi).
Về đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN, dự thảo mới đã được chỉnh sửa theo hướng Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN. Ngân sách cho KH&CN phải được ghi thành nội dung chi riêng trong dự toán NSNN hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Việc phân bổ NSNN dành cho KH&CN của năm sau được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và hiệu quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ của năm trước.
Để khắc phục điểm nghẽn chủ yếu hiện nay trong hoạt động KH&CN là cơ chế tài chính, dự thảo mới đã chỉnh sửa, quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ và cơ quan trong việc phân bổ và quản lý NSNN dành cho KH&CN (Điều 55), quy định rõ mục đích sử dụng NSNN cho KH&CN (Điều 56); áp dụng cơ chế khoán chi cho các hoạt động KH&CN sử dụng NSNN (Điều 57) và quy định rõ cơ chế cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN (Điều 58).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển vẫn còn băn khoăn về quy định này. Chủ nhiệm cho rằng không nên quy định “cứng” 2% đồng đều tại tất cả các địa phương. Dự án luật chỉ nên quy định tỷ lệ “cứng” trong giai đoạn trung hạn (3 năm hay 5 năm), chứ không nên quy định là hàng năm như dự án Luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, dự án luật còn nhiều quy định chung chung, mang tính nghị quyết, do đó ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa vào luật những quy định cụ thể; nhiều điều quy định trong dự án luật còn phải hướng dẫn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi luật ra đời phải góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, vì vậy ban soạn thảo cần suy nghĩ và nghiên cứu để thể hiện trong luật điều này.
*Trong phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Xung quanh việc áp dụng bảng giá đất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án. Loại ý kiến thứ nhất: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%, trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng. Loại ý kiến thứ hai cho rằng nên quy định: Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; các trường hợp còn lại như giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện việc xác định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện. Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến thứ hai như phương án 2 trong dự thảo Luật.
Về công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch các quyền của người sử dụng đất, hiện cũng có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực; hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp được công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên) nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch, phòng ngừa các rủi ro. Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng, việc công chứng, chứng thực các hợp đồng về giao dịch quyền sử dụng đất theo yêu cầu của các bên có liên quan.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên quy định giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những điều, khoản được giao trong Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được thực hiện từ ngày1/2/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.
Quỳnh Hoa - Phúc hằng