Giải pháp căn cơ để phát triển thị trường khoa học công nghệ
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), để phát triển thị trường khoa học, công nghệ từ năm 2011 đến nay, bộ máy quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Mặc dù vậy, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường khoa học công nghệ?
Thời gian tới, theo Bộ trưởng cần có cơ chế, chính sách như nào để nâng cao năng lực hấp thụ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp?
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh về việc hỗ trợ các hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ từ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và năng lực còn yếu, Bộ trưởng cho biết, hiện nay các chính sách, cơ chế pháp luật để điều chỉnh phạm vi này đã có, song quan trọng là việc áp dụng và triển khai như thế nào trong thực tiễn. Bộ cũng đã ban hành nhiều quy định, thông tư để thúc đẩy hoạt động này.
Thời gian qua nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng triển khai, mang lại kết quả thiết thực trong các lĩnh vực như y tế, viễn thông, xây dựng, giao thông vận tải... Bên cạnh đó, một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế đã tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng thừa nhận còn có nhiều hạn chế trong lĩnh vực này, nhất là khi các cơ chế chưa thực sự được phát huy và khó tiếp cận đối với doanh nghiệp. Các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách, từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là đối với các công nghệ tiên tiến.
Về giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách, Bộ trưởng cho hay, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các cơ chế và trực tiếp Bộ cũng sẽ điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn với thực tiễn; cùng với đó là việc thúc đẩy chương trình về tìm kiếm, chuyển giao làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Nhấn mạnh đây là Chương trình quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, Bộ trưởng cho rằng những giải pháp Bộ đề xuất là căn cơ nhất nhằm góp phần tăng cường công tác tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ phát triển công nghệ, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, góp phần vào sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tạo bứt phá thông qua đổi mới chính sách
Quan tâm đến kết quả, thực trạng việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thực tiễn, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong 5 năm qua, trong số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng, trong đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực? "Đâu là điểm 'kích nổ' về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng an ninh của Tổ quốc?”
Về hiệu quả các đề tài theo câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, hoạt động khoa học công nghệ có nhiều tính đặc thù. Bản chất nghiên cứu là đi tìm những cái mới cho nên có thể thành công, có thể thất bại, có thể thành công sớm hoặc muộn. Do đó, việc tính toán cụ thể là có bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng rất khó để xác định cụ thể.
Theo Bộ trưởng, quan trọng là chúng ta xác định được những kết quả đó trước hết đã phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng phục vụ cho việc nâng cao năng lực nghiên cứu của của đội ngũ các nhà khoa học, đóng góp vào việc nâng cao uy tín của các viện nghiên cứu, các trường đại học.
"Vừa qua chúng ta thấy rõ ràng là những kết quả nghiên cứu đã góp phần cho việc xếp hạng các viện nghiên cứu và các trường đại học của chúng ta đối với quốc tế. Cho đến thời điểm này đã có 9 trường đại học của chúng ta xuất hiện trên bản đồ xếp hạng của thế giới. Tôi nghĩ đó là kết quả đáng khích lệ của ngành khoa học đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng làm rõ.
Phân tích sâu hơn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, các đề tài nghiên cứu đều có rủi ro và có độ trễ, không phải lúc nào đề tài nghiên cứu cũng có kết quả và cũng có thể chuyển giao nghiên cứu vào ứng dụng ngay vì công tác chuyển giao thương mại hóa đưa vào ứng dụng không phải nhiệm vụ chính của các nhà khoa học mà là nhiệm vụ của các đơn vị trung gian kết nối các viện, các trường với các doanh nghiệp.
"Tất nhiên hiện nay cơ chế chính sách cũng còn nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ.... Tới đây, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ và Quốc hội có những điều chỉnh thích hợp về chính sách để tạo điều kiện cho sự chuyển giao khoa học công nghệ từ nhà trường, viện nghiên cứu ra ngoài xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước", Bộ trưởng khẳng định.
Về giải pháp bứt phá về khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, có nhiều giải pháp nhưng trước tiên giải pháp quan trọng là đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
"Đầu tư về kinh phí cũng như về nguồn lực, về cơ chế chính sách để làm sao nhà khoa học có điều kiện và tâm thế sẵn sàng cống hiến cho khoa học. Tôi rất tin tưởng năng lực các nhà khoa học của chúng ta hiện nay. Nếu đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thích hợp thì sẽ phát huy được năng lực của họ, đó là điều kiện rất quan trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trao đổi lại với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về "điểm kích nổ" trong chính sách về khoa học công nghệ, đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ: "Tôi nghĩ điểm 'kích nổ' trong chính sách để khoa học công nghệ Việt Nam bứt phá chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ ở Việt Nam. Những ứng dụng trong quản lý và phát triển kinh tế, đặc biệt là trong phòng thủ quốc gia, bảo vệ trật tự an ninh, nếu như không có công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ thua xa các nước, trước hết là các nước bên cạnh chúng ta. Cho nên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ làm thế giới xung quanh ta thay đổi mà bản thân chúng ta cũng phải thay đổi để thích ứng với nó".
Đồng thời, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, ở Việt Nam hiện nay thứ tự ưu tiên lựa chọn chính sách để "kích nổ" trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, cùng hàng loạt các vấn đề khác trong y tế và giáo dục.