Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015, ngày 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vai trò của các bộ, ngành trong phát triển kinh tế, xã hội, tìm hướng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Dưa hấu của nông dân tỉnh Phú Yên. Ảnh: TTXVN |
Cho ý kiến về việc liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc tiêu thụ nông sản thời gian qua, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nhận xét: Việc liên kết giữa người nông dân với những người làm công tác phân phối, lưu thông mới chỉ mang tính định hướng. Vấn đề quan trọng là cần có quy hoạch, xây dựng kế hoạch, tìm hiểu thị trường, giúp người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có chính sách hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm...
Đại biểu cho rằng để có thể cạnh tranh với nước ngoài, đòi hỏi các mặt hàng cần có chất lượng, hợp thị hiếu hoặc cần có phương pháp dự báo thị trường... Tuy nhiên, hiện nay, nông dân chủ yếu đều tự tìm hiểu, tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm nên còn gặp nhiều khó khăn; các biện pháp đồng bộ, dài hạn để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn chưa sát sao, chưa thống nhất.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhận định chủ trương của Chính phủ trong việc liên kết giữa người nông dân với những người làm công tác phân phối lưu thông (liên kết 4 nhà) là hết sức đúng đắn, thực hiện theo đúng quan điểm của Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về kinh tế tập thể.
Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh trong hai năm qua, nước ta chưa xây dựng được mô hình đủ sức thuyết phục người dân và đến nay cần chấp nhận thực tế là không có một mô hình duy nhất cho các loại hình sản phẩm, mỗi loại sản phẩm phải có một mô hình sản xuất riêng. Nếu không mở rộng phạm vi sáng tạo của người nông dân, hướng dẫn họ tham gia vào chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp thì phần thiệt thòi sẽ luôn thuộc về người nông dân, đại biểu đánh giá.
Đại biểu xác định: Việc tiến hành cổ phần hóa hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua là quá nhanh, dẫn đến sau đó Nhà nước không đủ sức để hình thành các doanh nghiệp thực hiện vai trò "bà đỡ" kết nối người nông dân với thị trường. Điều này dẫn đến việc người nông dân phải một mình "bươn chải" trong thị trường mới hình thành. Điểm yếu nhất trong mối liên kết 4 nhà là sự liên kết của nhà khoa học với người nông dân và sự liên kết của người nông dân với thị trường. Người nông dân cần được đặt ở vị trí trung tâm trong việc thực hiện liên kết này, đại biểu đề nghị.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), các chính sách, chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Đảng, Nhà nước ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các bên: bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người nông dân vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Người nông dân chủ yếu sản xuất tự phát, cứ thế điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" thường xuyên xảy ra. Để giải quyết được vấn đề này, theo đại biểu, các bộ, ngành cần vào cuộc một cách đồng bộ, cương quyết, tăng cường phối kết hợp với các địa phương để thực hiện. Bên cạnh việc phối kết hợp, cần phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, tránh tình trạng không có "ai" chịu trách nhiệm khi khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đại biểu nêu rõ: Đối với việc liên kết giữa các doanh nghiệp và người nông dân, cần có mối quan hệ ràng buộc. Ví dụ như các doanh nghiệp đã có thỏa thuận với nông dân nhưng không có ai bảo đảm khi "hợp đồng" bị phá vỡ; cần có cơ chế ràng buộc, hợp đồng mang tính pháp lý về vấn đề này...