Thủ tướng Chính phủ gửi Công điện tập trung ứng phó với bão số 13
Ngày 12/11, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 1597/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó với bão số 13 năm 2020.
Công điện nêu rõ: Bão số 13 đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta. Đây là cơn bão mạnh, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15. Dự báo từ đêm 14 và ngày 15/11/2020, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ven bờ và đất liền khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Đối với khu vực trên biển và các đảo: Các địa phương khu vực dự kiến ảnh hưởng trực tiếp của bão tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú bảo đảm an toàn.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển.
Đối với trên đất liền chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh,... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão.
Rà soát phương án, chủ động sơ tán người dân khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển đang thi công, khu vực sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố.
Tăng cường hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ.
Các Bộ ngành, địa phương tăng cường nhân lực, phương tiện trực để theo dõi sát tình hình, sẵn sàng triển khai ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Phê chuẩn việc bổ nhiệm ba thành viên Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Ngày 12/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tiến hành xem xét công tác nhân sự, bỏ phiếu kín bầu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tại phiên họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 với 444/445 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,12% tổng số đại biểu. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với 441/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,49% tổng số đại biểu Quốc hội.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 với 446/448 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 92,53% tổng số đại biểu Quốc hội.
Giảm 50% giá cho hơn 6.000 vé tàu các chặng phía Bắc
Tiếp theo chương trình kích cầu “8.000 vé giảm giá 50%” của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hành khách đi tàu các chặng phía Nam, VNR tiếp tục giảm 50% giá cho hơn 6.000 vé tàu các chặng phía Bắc.
Cụ thể, đối với các mác tàu khách Thống Nhất tuyến Hà Nội-Vinh, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng chạy từ 23/11-30/12/2020, VNR dành 6.216 vé giảm giá 50% chia đều cho các ngày trong tuần.Sau khi giảm giá, giá vé tàu Hà Nội-Hải Phòng chỉ từ 33.000 đồng/vé; tàu Hà Nội-Vinh chỉ từ 82.000 đồng/vé; tàu Hà Nội-Lào Cai chỉ từ 130.000 đồng/vé. Hành khách đặt mua vé trước ngày tàu chạy 3 ngày. Hành khách có thể mua vé tàu khuyến mại giảm giá tại ga đi tàu, mua vé qua các đại lý, tổng đài bán vé và chăm sóc khách hàng hoặc qua các website: dsvn.vn, vetauonline.vn, cũng như qua các ứng dụng Momo, Vimo, VnPay, ViettelPay.
Trước đó, tại khu vực phía Nam, VNR thông báo chương trình kích cầu du lịch “8.000 vé giảm giá 50%” cho hành khách đi tàu trong tháng 11-12/2020.
Đề nghị tăng học phí tất cả các bậc học từ năm học tới
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến từ năm học tới, học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021, bậc đại học tăng 12,5%.
Thông tin được đưa ra ở Dự thảo lần thứ 2 Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2 lần mức trần học phí trên.
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí trên.
Từ năm học 2021-2022, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ tăng tối đa 7,5%/năm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân.
Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội và chia sẻ với gia đình người học, Bộ đề xuất chỉ tăng 7,5%/năm với học phí mầm non, phổ thông. Với lộ trình này, đến năm học 2025-2026, học phí bù đắp được 50% chi phí đào tạo. Đến năm 2030, học phí sẽ bù đắp đủ chi phí đào tạo (đối với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên).
Căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm khoảng 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm, Bộ GD&ĐT đề xuất mức tăng học phí năm học 2021-2022 là 12,5% so với năm học 2020-2021. Mức học phí cho các năm tiếp theo tăng với tỷ lệ tương ứng.
Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước xác định mức học phí tối đa bằng 2 lần trần học phí. Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước được thu học phí tối đa 2,5 lần trần học phí.
Thêm một ca mắc COVID-19 mới là người nước ngoài
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết: Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 12/11, Việt Nam ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 mới có quốc tịch Hungary được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Tại các lối ra vào của phố đi bộ bờ hồ thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đều có chốt chặn của lực lượng chức năng nhằm tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt người dân không tuân thủ, quy định đeo khẩu trang phòng chống dịch. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Như vậy, tính đến chiều 12/11, Việt Nam có tổng cộng 1253 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước.
Số người mắc COVID-19 tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca, tại 15 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (9 ca), Quảng Nam (96 ca), Hải Dương (16 ca), Hà Nội (11 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (8 ca), Quảng Trị (7 ca), Bắc Giang (6 ca), Quảng Ngãi (5 ca), Lạng Sơn (4 ca), Đắk Lắk (3 ca), Đồng Nai (2 ca), Thái Bình (1 ca), Hà Nam (1 ca), Thanh Hóa (1 ca) và Khánh Hòa (1 ca).
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, trong ngày 12/11 có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm bệnh nhân 1152 và 1202. Như vậy, đến thời điểm này, 1093 bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi.
Trong số các bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 23 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 13 người âm tính lần hai và 11 người âm tính lần ba. Nước ta đã ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng và hiện nay không còn ca bệnh nặng nào.
Cả nước còn 15.540 người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 217 người được cách ly tại bệnh viện, 14.334 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 989 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.