Khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương
Ngày 2/12/2020, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy: Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2010 - 2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến Dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và có kết luận điều tra đề nghị truy tố.
Sau khi có quyết định nghỉ hưu, bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ sinh hoạt Đảng và đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa là rất nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Công Thương. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
TP Hồ Chí Minh đã lấy mẫu xét nghiệm 737 người, phong toả nhiều nơi và trên 53.000 sinh viên nghỉ học do có liên quan đến 4 ca mắc COVID-19 mới
Ngày 2/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, thành phố đã tiếp cận lấy mẫu xét nghiệm cho 737 trường hợp liên quan đến 4 ca mắc COVID-19 mới.
Trong đó, có 37 trường hợp tiếp xúc gần của bệnh nhân 1342, phát hiện 1 trường hợp dương tính là bệnh nhân 1347, 36 trường hợp còn lại âm tính.
Có 372 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 1347, trong đó có 2 trường hợp dương tính gồm bệnh nhân 1348 và bệnh nhân 1349; có 207 âm tính, 163 đang chờ kết quả.
Có 184 trường hợp tiếp xúc gần của bệnh nhân 1348, trong đó 160 âm tính, 24 đang chờ kết quả xét nghiệm. Có 36 tiếp xúc gần của bệnh nhân 1349, đang chờ kết quả xét nghiệm. 108 trường hợp còn lại là tiếp xúc khác của 4 bệnh nhân này.
HCDC cho biết, hiện thành phố vẫn tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc, thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc.
Để đảm bảo công tác phòng dịch, hiện UBND quận 6 và các ngành chức năng đã tiến hành phong tỏa tạm thời ba khu vực: từ đầu hẻm 106 Bình Tiên đến nhà 97/16/2 Phạm Phú Thứ, phường 3, quận 6 (52 nhà, 196 người); từ đầu Lô E Lò Gốm và hẻm Lô C Phạm văn Chí, phường 7, quận 6 (92 nhà, 267 người); từ số nhà 16 đến số nhà 24 đường Hoàng Lê Kha, phường 9, quận 6 (04 nhà , 22 người).
Ngoài ra, liên quan đến ba ca bệnh trên, những học sinh tại các trường của quận 6 cũng được thông báo tạm nghỉ học để phòng dịch COVID-19 là: trường Tiểu học Võ Văn Tần (số 97 Phạm Đình Hổ, phường 6); trường Tiểu học Nguyễn Huệ (số 178 Gia Phú, phường 1); trường Tiểu học Lê Văn Tám (số 30/4 Nguyễn Đình Chi, phường 9); trường Tiểu học Bình Tiên (số 260 Phan Văn Khỏe, phường 5); lớp 12A4 Trường Bình Phú (số102 Trần Văn Kiểu , phường 10).
Trong khi đó, trên 53.000 sinh viên, giảng viên của các trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh nghỉ học vì có liên quan đến 2ca COVID-19 số 1342 và 1347
Ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký văn bản gửi tới các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm yêu cầu nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn trường học trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cũng đã ra văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị quản lý xe khách tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở các bến xe, nhà ga, phương tiện công cộng…
Trong khi đó, sau thông tin 4 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, người dân TP Hồ Chí Minh đã tìm đến các hệ thống siêu thị, cửa hàng thuốc và một số nhà phân phối trên địa bàn thành phố để mua khẩu trang dự phòng.
Tại điểm bán trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), rất đông người dân mua khẩu trang với giá 25.000 đồng/hộp loại 4 lớp. Trung bình một người mua ít nhất 2 - 10 hộp, thậm chí có người mua cả thùng 50 hộp.
Điều tra, xác minh đối tượng ném chất bẩn vào nhà phóng viên
Từ ngày 24/11 đến ngày 2/12, nhiều đối tượng lạ mặt lợi dụng đêm khuya đi xe máy không biển số, đeo khẩu trang đã liên tiếp ném chất bẩn gồm sơn, dầu luyn, mắm tôm vào nhà riêng phóng viên Nguyễn Thanh Tuấn (Báo Người Lao Động thường trú tại Thanh Hóa).
Ngày 2/12, Trung tá Nguyễn Hữu Mạnh, Trưởng Phòng Tham mưu - Phát ngôn báo chí Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Lực lượng Công an đang khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh đối tượng chủ mưu và các đối tượng ném chất bẩn vào nhà phóng viên Nguyễn Thanh Tuấn (Báo Người Lao Động thường trú tại Thanh Hóa); đồng thời có kế hoạch bảo vệ an toàn cho gia đình phóng viên này.
Từ ngày 24/11 đến ngày 2/12, nhiều đối tượng lạ mặt lợi dụng đêm khuya đi xe máy không biển số, đeo khẩu trang đã liên tiếp ném chất bẩn gồm sơn, dầu luyn, mắm tôm vào nhà riêng phóng viên Nguyễn Thanh Tuấn.
Theo trình báo của phóng viên Nguyễn Thanh Tuấn, vào khoảng 0 giờ 45 phút ngày 24/11, khi gia đình ông đang ngủ, hai đối tượng bịt mặt, đi xe máy đến ném chất bẩn (luyn, sơn, mắm tôm) vào nhà riêng ở địa chỉ Lô 16, NƠ 11, mặt bằng 2125, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Ngay sau khi sự việc xảy ra, phóng viên Tuấn đã có báo cáo Công an phường Đông Vệ đến ghi nhận hiện trường.
Trong khi sự việc chưa được làm sáng tỏ, vào khoảng 1 giờ 35 phút ngày 1/12 và rạng sáng 2/12, các đối tượng bịt mặt lại tiếp tục ném chất bẩn vào nhà phóng viên này. Sự việc xảy ra khiến gia đình phóng viên Nguyễn Thanh Tuấn rất hoang mang, lo lắng cho tính mạng, sức khỏe.
Được biết, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Tuấn đều là nhà báo (vợ là Nguyễn Thị Thùy, công tác tại báo Điện tử Dân trí) hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
*Cũng trong ngày 2/12, thông tin từ Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, Công an thành phố Ninh Bình vừa bắt quả tang một phóng viên Báo PLVN - Văn phòng Đại diện tại Nam Định và một người có liên quan về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".
Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 1/12, tại nhà hàng Paradise, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, Công an thành phố Ninh Bình phối hợp với một số phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh bắt quả tang Bùi Anh Tuấn (sinh năm 1983, trú tại xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, sử dụng thẻ phóng viên do Báo PLVN cấp) và Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1998, trú tại phường Trung Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo điều tra ban đầu, lợi dụng vụ việc ngày 22/11/2020 có 3 bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình kê phiếu mua sữa cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sau khi mua hộp sữa tại quầy thuốc của bệnh viện đã mở nắp hộp để sử dụng đã phát hiện bên trong hộp có dấu hiệu mốc đen, không đảm bảo chất lượng. Biết được sự việc này, Bùi Anh Tuấn đã đến bệnh viện ghi hình, chất vấn 3 bác sỹ, đồng thời đe dọa sẽ đăng bài nhằm làm mất uy tín Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Sau đó, Tuấn đã liên hệ với đại diện Bệnh viện yêu cầu đưa 30 triệu đồng, Tuấn sẽ bỏ qua, không đăng bài viết liên quan đến vụ việc trên.