Thủ tướng phê chuẩn nhân sự 6 tỉnh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành quyết định phê chuẩn nhân sự 6 tỉnh gồm: Lào Cai, Thái Bình, Ninh Thuận, An Giang, Trà Vinh, Quảng Nam.
Tại các quyết định, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016-2021; miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đặng Xuân Phong, để nhận nhiệm vụ mới; phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Trọng Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai.
Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2016-2021; miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đặng Trọng Thăng, để nghỉ hưu theo chế độ.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Thuận; miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lưu Xuân Vĩnh, để nghỉ hưu theo chế độ; phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận; ông Phan Tấn Cảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận; miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Phạm Văn Hậu, để nhận nhiệm vụ mới.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Văn Nưng, để nhận nhiệm vụ mới.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đồng Văn Lâm, để nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 của Chính phủ; miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Anh Dũng, để nghỉ hưu theo chế độ.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với các ông Trần Đình Tùng và Huỳnh Khánh Toàn, để nghỉ chế độ hưu
Huy động tổng lực tìm kiếm 11 nạn nhân còn mất tích tại Rào Trăng 3
Qua một ngày tìm kiếm với tinh thần trách nhiệm cao, đến 16 giờ ngày 23/11, các lực lượng vẫn chưa tìm thấy thêm nạn nhân nào trong số 11 người mất tích còn lại trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, các lực lượng cứu nạn đã phát hiện được một số đồ dùng cá nhân như áo, quần, gối, chiếu, màn, phản và các phần nhà nghỉ công nhân như trụ, tường, kèo nhà, sắt thép xây dựng cùng một số phương tiện máy móc cơ giới…
Theo đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng, các lực lượng khác cùng 6 máy múc, 4 máy hút nước công suất lớn được huy động vào hiện trường tổ chức tìm kiếm theo các hướng: Từ hiện trường sạt lở xuống suối Rào Trăng, dọc suối từ thượng lưu về phía hạ lưu và ngược lại. Trong đó, lực lượng cứu hộ tập trung đào và tìm kiếm ở khu vực dưới lòng suối.
Trong những ngày tới, dự báo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có mưa vừa, mưa to và rất to nên Ban Chỉ đạo cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 đang chạy đua với thời gian, huy động tổng lực lực lượng, phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân, với phương châm khẩn trương nhất, hiệu quả nhất, song phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia cứu nạn.
Đến nay, lực lượng tham gia cứu nạn đã phát hiện 6 thi thể công nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, 11 nạn nhân khác vẫn chưa được tìm thấy. Trong ngày 24/11, với quyết tâm cao nhất, các lực lượng cứu nạn tiếp tục đẩy nhanh công tác tìm kiếm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tận dụng từng giờ, từng phút để tìm kiếm 11 nạn nhân đang mất tích
Rà soát tình hình lao động vị thành niên
Liên quan đến vụ việc chủ quán bánh xèo tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1986, quê quán tại Nghĩa Mỹ, Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) có biểu hiện bạo hành nhân viên trong quán, ngày 23/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát tình hình sử dụng lao động chưa đến tuổi lao động trong các cơ sở dịch vụ, sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đối với cháu T.Q.D (sinh năm 2006 quê tại tỉnh Quảng Ngãi, 14 tuổi) có biểu hiện bị bạo hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Yên Phong và các đơn vị, cơ quan liên quan hỗ trợ, giúp đỡ; đồng thời chỉ đạo Công an huyện Yên Phong điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Thông tin từ Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, khoảng 21 giờ ngày 21/11/2020, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Yên Phong phát hiện một cháu bé tại khu vực Chùa thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong có biểu hiện bất thường. Sau khi đưa về trụ sở Công an huyện, cháu bé cho biết tên là T.Q.D, quê quán Thuận Hòa, Thành Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Tháng 9/2020, D được anh ruột đưa ra Yên Phong làm thuê tại quán bánh xèo do vợ chồng Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1986, quê quán Phú Mỹ, Nghĩa Mỹ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) và Ngô Thanh Vũ (sinh năm 1985 ở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ, thuê địa điểm kinh doanh tại Ấp Đồn, Yên Trung, Yên Phong, Bắc Ninh. Trong quá trình làm việc tại quán, cháu D bị Tuyết đánh đập nên chiều 21/11/2020, D đã bỏ đi khỏi quán.
Sau khi tiếp nhận và tiến hành xác minh ban đầu, Công an huyện Yên Phong đã chuyển D đến Trung tâm y tế huyện Yên Phong khám và điều trị. Hiện sức khỏe và tinh thần của cháu bình thường.
Ngày 22/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Phong đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc và ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết về hành vi “hành hạ người khác” theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Sáng 23/11, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã đến Trung tâm Y tế huyện Yên Phong thăm hỏi, tặng quà cháu D.
Được biết, đối tượng Nguyễn Thị Ánh Tuyết đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Bước đầu, đối tượng Tuyết khai nhận đã bạo hành hai nhân viên của quán trong một thời gian dài.
Ngày 23/11, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 23/11, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số mắc lên 1.312 ca.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 23/11, Việt Nam có tổng cộng 1.312 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 15.874 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 201 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 14.717 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 956 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 23/11, Việt Nam có thêm 9 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN1232-BN1247-BN1230-BN1104-BN1248-BN12-BN1135-BN1201-BN1216.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 9, lần 2 là 9 ca, lần 3 là 10.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.151 ca.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã có 82 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.
Riêng tại Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 97 ngày Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng; tại TP. Hồ Chí Minh là 113 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng
TP Hồ Chí Minh tiếp tục bình ổn các mặt hàng phục vụ thị trường Tết 2021
TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường hàng hoá thiết yếu chuẩn bị phục vụ thị trường mua sắm cuối năm và Tết Tân Sửu 2021.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết, để ổn định các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có nhiều biến động, Sở tiếp tục vận động các doanh nghiệp triển khai các chương trình bình ổn giá. Chẳng hạn mặt hàng gạo bình ổn thị trường, tuy được điều chỉnh tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg (13 - 15%) từ ngày 12/9 nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 12 - 13%. Giá bán các mặt hàng thịt gia súc được Sở Tài chính điều phối luôn duy trì ở mức ổn định và đảm bảo thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 5,3 – 35%. Hiện nay, giá thịt lợn bình ổn thị trường được áp dụng từ ngày 29/10 dao động từ 77.000 đồng – 175.000 đồng/kg; giá các mặt hàng thịt gia cầm cũng tiếp tục ổn định, như thịt gà ta ở mức 84.000 đồng/kg, thịt gà thả vườn 62.000 đồng/kg, thịt vịt 62.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp nguyên con 39.000 đồng/kg. Giá bán trứng gia cầm tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng ổn định ở mức 26.000 đồng/chục trứng gà loại 1 và 31.000 đồng/chục trứng vịt loại 1.
Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa và bình ổn giá cả thị trường Tết, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ và cung ứng cho 2 tháng Tết với giá trị hàng hoá lên đến 19.679 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng so với Tết Canh Tý 2020, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172 tỷ đồng.
“Năm nay, lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết tăng từ 4,4 – 17,3% so với kế hoạch giao và tăng 12 – 21% so với Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22 – 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488 tấn (chiếm 54 %), trứng gia cầm triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051 tấn (28 %), thịt gia súc 5.594 tấn (21%), dầu ăn 1.671 tấn (28%), gạo 3.943,2 tấn (32%)… Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước và 1 tháng sau Tết, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm…", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.
Ngoài ra, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết, như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5 – 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.