Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trở về từ Cộng hòa Nam Sudan an toàn
Ngày 24/4, máy bay vận tải C-17 của Không quân Hoàng gia Australia đã an toàn hạ cánh tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, mang theo 32 trong tổng số 63 thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 hoàn thành nhiệm kỳ công tác tại Cộng hòa Nam Sudan. Trước đó, 31 thành viên của Bệnh viện này đã về nước trong đợt 1 vào cuối tháng 3/2021.
Ngay sau khi hạ cánh an toàn, 32 thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trở về trong đợt 2 này đã tiến hành các thủ tục nhập cảnh và được xe của Bộ Tư lệnh Thủ đô đón, đưa về Binh đoàn 11 cách ly y tế theo quy định.
Sau khi thực hiện nghiêm quy định cách ly và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, 31 thành viên của Bệnh viện này về nước trong đợt 1 đã được trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế và đủ điều kiện trở về với gia đình.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 rời Hà Nội lên đường thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Cộng hòa Nam Sudan từ tháng 11/2019 với kế hoạch 1 năm. Nhưng do đại dịch COVID-19 đã khiến Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 làm nhiệm vụ công tác trên thực địa kéo dài hơn gần 5 tháng so với dự kiến, với nhiều khó khăn đột xuất phát sinh. Tuy nhiên, bằng sự đồng lòng, ý chí và quyết tâm, những người lính quân y mũ nồi xanh của Việt Nam đã vượt qua khó khăn và được Liên hợp quốc đánh giá cao.
Thực hiện việc đổi quân, tiếp nối nhiệm vụ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, ngày 24/3 và 21/4 vừa qua, các thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan từ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với 63 thành viên chính thức và 7 thành viên dự bị.
Truy tố các bị can trong vụ môi giới, tổ chức người trốn đi Hàn Quốc
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng, truy tố các bị can trong vụ án môi giới, tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài theo chuyên cơ đưa Chủ tịch Quốc hội sang thăm Hàn Quốc vào cuối năm 2018.
Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 8 bị can. Trong đó, 3 bị can: Lê Thị Liễu (Giám đốc Công ty Cổ phần GVA); Trần Thị Tuyết (nguyên cán bộ Tạp chí Kinh tế và dự báo); Lương Mạnh Hùng (Giám đốc Công ty đào tạo và tư vấn giáo dục TD Việt Nam) bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
5 bị cáo khác bị truy tố về tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”, gồm: Trịnh Bang Dũng (ở thành phố Vinh, Nghệ An); Ngô Xuân Hiếu (ở Hưng Nguyên, Nghệ An); Trần Phục Hưng (Giám đốc Công ty tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam); Lê Thị Xuân (nguyên đại diện Công ty Tư vấn du học quốc tế IEC); Nguyễn Thị Lương (ở Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2018 đến ngày 7/12/2018, lợi dụng nhu cầu của một số người dân muốn đi Hàn Quốc để lao động, tìm việc và chính sách của nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối đầu tư, kinh doanh với nước ngoài thông qua việc tham gia cùng các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và nhà nước tại nước ngoài, các bị can trong vụ án đã tổ chức, môi giới cho 6 người trốn đi Hàn Quốc để thu lợi bất chính.
Hành vi của các bị can đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước.
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị đề nghị mức án từ 10-11 năm tù
Sáng 24/4, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" chuyển sang phần tranh luận.
Đại diện Viện Kiểm sát đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 2 bị cáo: Vũ Huy Hoàng (Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) mức án từ 10-11 năm tù, Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) từ 7-8 năm tù về cùng tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị các mức án đối với 8 bị cáo: Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh) từ 5-6 năm tù, tổng hợp với bản án 7 năm tù trước đó đối với bị cáo Tín về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Tín là từ 12-13 năm tù; Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) từ 4-5 năm tù; Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) từ 4-5 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó 6 năm 6 tháng "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Kiệt là 10 năm 6 tháng đến 11 năm 6 tháng tù; Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) bị đề nghị từ 3-4 năm, tổng hợp với bản án 4 năm tù trước đó đối với bị cáo Thanh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", buộc bị cáo Thanh phải chấp hành chung hai bản án là 7-8 năm tù; Lê Quang Minh (nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) từ 3-4 năm tù; Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) từ 3-4 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó 3 năm tù đối với bị cáo Chương về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", buộc bị cáo Chương phải chấp hành chung hai bản án là từ 6-7 năm tù; Trương Văn Út (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) bị đề nghị từ 3-4 năm tù, tổng hợp với bản án 5 năm tù trước đó về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", buộc bị cáo Út phải chấp hành chung hai bản án là 8-9 năm tù; Nguyễn Lan Châu (nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) bị đề nghị từ 2-3 năm tù về cùng tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài án phạt tù, đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh hủy bỏ Quyết định cho thuê đất và các văn bản liên quan trái pháp luật đối với khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh); giao cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, đồng thời quan tâm giải quyết quyền lợi cho bên thứ ba ngay tình.
Kiên Giang phát hiện 13 đối tượng người Trung Quốc xuất cảnh trái phép qua Campuchia
Vào lúc 2 giờ sáng ngày 24/4/2021, tại khu vực đường Trường Sa, tổ 1, khu phố 1, phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên, tổ tuần tra Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) phối hợp với tổ bảo vệ Công ty C&T trong lúc tuần tra, mật phục thì phát hiện 7 đối tượng người Trung Quốc khả nghi sẽ vượt biên trái phép sang Campuchia.
Qua đấu tranh và kiểm tra giấy tờ tùy thân, lực lượng chức năng xác định các đối tượng đều là người nước ngoài; trong đó có 2 đối tượng đã trốn cách ly tại tỉnh Long An ngày 19/4. Sau khi trốn khỏi khu cách ly ở Long An, các đối tượng này đã lên Thành phố Hồ Chí Minh và rủ thêm 5 đối tượng là bạn quen cùng bàn cách về Hà Tiên, rồi trốn sang Campuchia làm ăn.
Hiện tất cả các đối tượng trên đã được đưa đi cách ly y tế tập trung tại thành phố Hà Tiên và huyện Giang Thành. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng trên theo quy định pháp luật.
Chiều 24/4, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 được cách ly tại Đà Nẵng
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 24/4, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19, được cách ly ngay sau nhập cảnh, tại Đà Nẵng.
Ca bệnh 2833 (BN2833) ghi nhận tại thành phố Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 27 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 7/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay VJ3613 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm lần 4 ngày 23/4/2021, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Tính đến 18 giờ ngày 24/4, Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 39.191 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 518 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 23.8 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14.985 người.