Phó Thủ tướng động viên tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax
Sáng 26/2, tại Hà Nội, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) tiếp tục tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2 cho 35 tình nguyện viên đầu tiên. Đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đến dự, động viên các tình nguyện viên và lực lượng tham gia nghiên cứu vaccine.
Theo đại diện Học viện Quân y, đợt tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2 được tổ chức tại 2 điểm cầu: Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Dự kiến, đợt này sẽ có 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử, mở rộng đối tượng từ 18 đến trên 60 tuổi, trong đó, một số người có bệnh nền (như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1...) không quá nặng.
Để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 được tổ chức tại 2 điểm cầu, có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, còn 3 tháng thay vì 6 tháng; nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.
Trước khi tiêm thử vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2, 35 tình nguyện viên đầu tiên (trong tổng số 280-300 người tiêm tại điểm cầu Học viện Quân y) được kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, khai thác kỹ tiền sử dị ứng, lấy máu xét nghiệm, điện tim, chụp X-quang… đảm bảo đủ tiêu chuẩn sức khỏe trước khi tiêm thử. Nhóm 35 người được chia thành 4 nhóm tiêm, với 3 mức liều: 25mcg, 50mcg, 75mcg (mỗi nhóm 10 người) và nhóm "giả dược" (5 người); sau khi tiêm xong được theo dõi trong phòng riêng tại Học viện Quân y.
Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 tình nguyện viên tại Bến Lức, tỉnh Long An. Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế thống nhất giai đoạn 2 vẫn triển khai 3 mức liều như giai đoạn 1 để đảm bảo tính khoa học cũng như không mất liều tối ưu; đồng thời sẽ cộng thêm một nhóm "giả dược" (nhóm người không tiêm vaccine) để làm kết quả đối chứng, đánh giá hiệu quả, phân tích tính khoa học của vaccine.
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia cùng các đơn vị tham gia thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 đã rút ngắn thời gian thử nghiệm; dự kiến đến tháng 5/2021 sẽ báo cáo sơ kết kết quả thử nghiệm.
Động viên nhóm tình nguyện viên và lực lượng y tế nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ tin tưởng vào đội ngũ khoa học tham gia phát triển vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam.
Việt Nam có thêm 5 ca mắc mới COVID-19 và thêm 35 bệnh nhân khỏi bệnh
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 26/2, Việt Nam có thêm 5 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Đồng Tháp.
Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong 5 ca mắc mới (BN2422-2426) có 4 ca ghi nhận trong nước tại Hải Dương và 1 ca bệnh được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Đồng Tháp. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 26/2, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.426 ca mắc COVID-19; trong đó có 1.524 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.
Số lượng ca mắc mới do lây nhiễm trong nước tính từ ngày 27/1 đến nay là 831 ca tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (647), Quảng Ninh (61), Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hưng Yên (3), Hòa Bình (2), Bắc Giang (2), Hà Giang (1). Trong đó tất cả 12 tỉnh, thành phố đều có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (là người trở về từ Hải Dương hoặc tiếp xúc với F0). Các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên ghi nhận các trường hợp F1 trở về từ Hải Dương.
Hiện có 10/13 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng là Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 76.495 người (giảm trên 12.000 người so với ngày 25/2), trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 580 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.0 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 63.877 người.
Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) cho biết, ngày 26/2, có 35 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong đó, 27 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương), 8 bệnh nhân tại các cơ sở điều trị khác. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 ít nhất một lần là 177 ca.
TP Hồ Chí Minh chi trả gộp lương hưu, trợ cấp BHXH hai tháng 3 và 4
Chiều 26/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã ký văn bản chấp thuận về việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh sẽ chi trả lương hưu tháng 3 và 4 cùng một lúc.
Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh giao BHXH thành phố chủ trì, phối hợp với Bưu điện thành phố và UBND các cấp tiếp tục thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 3 và tháng 4 năm 2021 vào cùng một kỳ chi trả thông qua hệ thống bưu điện, trong thời gian tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo phương án đề xuất của BHXH TP Hồ Chí Minh.
UBND Thành phố cũng giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn phối hợp với Bưu điện thành phố kịp thời thông tin cho người dân đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH về việc thay đổi hình thức, thời gian và địa điểm chi trả, đảm bảo công tác chi trả đầy đủ, kịp thời và an toàn; đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân...
Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài tiếp tục hầu tòa
Ngày 26/2, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã lên lịch xét xử nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của UBND Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến sai phạm trong việc hoán đổi nhà đất ở số 57 Cao Thắng lấy nhà đất ở số 185 Hai Bà Trưng. Theo đó, vụ án được xét xử vào ngày 15/3/2021, dự kiến diễn ra trong 5 ngày.
Cụ thể, 9 bị can bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là: Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh); Trần Nam Trang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính); Vy Nhật Tảo (nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ); Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Lê Tôn Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố); Huỳnh Kim Phát (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố); Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường); Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường).
Theo cáo trạng, nhà đất ở số 179 Hai Bà Trưng (Phường 6, Quận 3) là của bà Dương Thị Bạch Diệp; nhà đất ở số 185 Hai Bà Trưng (Phường 6, Quận 3) là tài sản nhà nước được giao cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh) quản lý và làm trụ sở. Do nhà đất ở số 185 Hai Bà Trưng xuống cấp, năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương (do bà Diệp làm giám đốc) để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở.
Cáo trạng xác định, ông Nguyễn Thành Tài không được giao phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản nhà nước, không là thành viên trong Ban Chỉ đạo 09 của thành phố, nhưng lại là người chấp thuận chủ trương và chỉ đạo giải quyết việc hoán đổi. Ngày 5/3/2010, ông Tài ký văn bản gửi các đơn vị liên quan với nội dung chấp thuận việc hoán đổi tài sản ở số 185 Hai Bà Trưng và tài sản ở số 57 Cao Thắng; không sát sao trong việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý của nhà đất ở số 57 Cao Thắng, không phát hiện nhà đất này đã bị thế chấp ở ngân hàng dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.
Hà Nội sẵn sàng các điều kiện đón học sinh trở lại trường từ ngày 2/3
Ngày 26/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, yêu cầu các nhà trường củng cố kiến thức cho học sinh đã học trực tuyến.
Trước khi học sinh đi học trở lại, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội yêu cầu các nhà trường chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương và phụ huynh học sinh tổ chức vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế như: Hệ thống cấp nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn tay, khẩu trang và nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt... Các công việc này hoàn thành trước ngày 1/3.
Sở GD&ĐT đề nghị các trường hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về quy trình phòng chống dịch để thực hiện khi trở lại trường qua hình thức trực tuyến; đồng thời yêu cầu các gia đình kiểm tra thân nhiệt cho trẻ mầm non, giáo viên, nhân viên trước khi đến trường.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT yêu cầu bên cạnh việc giảng dạy bài mới, các nhà trường phải củng cố kiến thức đã học trực tuyến cho học sinh. Đối với cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên, Sở yêu cầu các đơn vị khẩn trương ổn định nền nếp dạy học ngay sau khi học sinh trở lại trường, từng bước nâng cao chất lượng dạy học sau thời gian nghỉ để phòng dịch COVID-19.