Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và dân cư
Chiều 25/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương, đưa vào hoạt động hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được thực hiện theo Luật Căn cước công dân, đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.
Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an: "Lực lượng Công an được Đảng và Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ chưa có tiền lệ từ trước đến nay, chiến dịch xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân tạo tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số, kinh tế số".
Dữ liệu dân cư đã thu thập nên người dân không phải mang bất kỳ loại giấy tờ nào (cắt giảm chi phí in tài liệu cho dân); cán bộ thu nhận không phải đánh máy nhập liệu (tiết kiệm thời gian cho cán bộ thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân).
Khi hai hệ thống đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp thống tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Các dữ liệu đã dùng để thực hiện thủ tục hành chính sẽ được tra cứu, khai thác, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ: giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân; giảm ngân sách Nhà nước...
Dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện tám thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ/năm. Đặc biệt hơn nữa, khi 2 hệ thống chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về An ninh trật tự, quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; đồng thời, sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hoàn thành, đưa vào hoạt động 2 dự án thể hiện quyết tâm lớn lao, sự nỗ lực mạnh mẽ của cả Chính phủ, đặc biệt Bộ Công an, các bộ ngành khác; đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công an triển khai song song, tích hợp 2 dự án, giúp tiết kiệm cho nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng mà vẫn bảo đảm hiệu quả, tiến độ đề ra. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp xây dựng hoàn thiện và kết nối, chia sẻ dữ liệu vào hệ thống để triển khai thực hiện dự án; sự nỗ lực của nhà thầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào xây dựng dự án.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh an toàn cơ sở dữ liệu. Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối với các bộ, ngành, địa phương góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin về vaccine ngừa COVID-19
Chiều 25/2, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã chia sẻ một số thông tin về kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các đối tượng được ưu tiên tiêm, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế sớm trình Nghị quyết về vấn đề tiêm vaccine và các đối tượng được ưu tiên. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ và Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng 24/2, Bộ Y tế đã có đề xuất đầu tiên về các nhóm đối tượng được ưu tiên. Trước tiên là các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 bao gồm: nhân viên y tế; nhân viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; nhân viên khu cách ly; lực lượng báo chí; nhân viên ngoại giao; hải quan; cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; các lực lượng quân đội, công an, giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước; những người mắc bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập lao động ở nước ngoài; những người ở tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.
Về nguồn cung cấp vaccine, Người Phát ngôn cho biết: Bộ Y tế và các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực y tế đã, đang tích cực đàm phán với nhiều nhà sản xuất và các nguồn cung cấp vaccine trên thế giới, trong đó có các nguồn: COVAX Facility, AstraZeneca, Pfizer, Sputnik 5 để có thể triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Ngày 24/2, lô vaccine đầu tiên gồm 117.600 liều do Tập đoàn Zeneca cung cấp, đã đến Việt Nam.
Cũng theo Người Phát ngôn, Vụ Báo chí (Bộ Ngoại giao) đang trao đổi với Bộ Y tế về việc tạo thuận lợi cho phóng viên nước ngoài đến đưa tin tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân Việt Nam với điều kiện đảm bảo yêu cầu về vệ sinh dịch tễ cũng như phòng, chống dịch bệnh.
Chiều 25/2, Việt Nam ghi nhận 8 ca mắc mới COVID-19
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 25/2, Việt Nam có thêm 8 ca mắc ca mắc mới COVID-19, trong đó có 7 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Hải Dương, 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thông tin 8 ca mắc mới (BN2413 - 2420) cụ thể như sau:
Tại Hải Dương ghi nhận 7 ca bệnh lây nhiễm trong nước. Trong đó, 1 ca bệnh tại huyện Bình Giang được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc (ca bệnh BN2416) và 1 ca bệnh tại thành phố Chí Linh qua giám sát trường hợp có triệu chứng nghi ngờ (ca bệnh BN2418).
Phát hiện thêm 5 ca bệnh đã được cách ly trước đó, trong đó: 1 ca bệnh tại thành phố Hải Dương là F1 của BN2210, đã được cách ly tập trung trước đó từ ngày 15/2 (ca bệnh BN2414). 1 ca bệnh tại huyện Tứ Kỳ là F1 của BN2408, đã được cách ly tập trung từ ngày 24/2 (ca bệnh BN2415). 1 ca bệnh tại thành phố Hải Dương là F1 của BN2190, đã được cách ly tập trung trước đó từ ngày 12/2 (ca bệnh BN2417). 2 ca bệnh tại huyện Cẩm Giàng, là các trường hợp có liên quan đến ổ dịch Công ty Kuroda Kagaku, trong đó 1 ca đã được cách ly tại nhà từ ngày 9/2 và 1 ca được ca cách ly tại nhà từ 14/2 (ca bệnh BN2419-2420).
Hiện các ca bệnh BN2414-2420 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 - Bệnh viện Đại học Kĩ thuật Y tế Hải Dương. Ca bệnh BN2417 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh).
Ca bệnh nhập cảnh được ghi nhận trong ngày tại tỉnh Tây Ninh là ca bệnh nhập cảnh nữ, 25 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Bệnh nhân nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ngày 22/2, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh, kết quả xét nghiệm ngày 24/2 dương tính với SARS-CoV-2 (ca bệnh BN2413). Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Hà Nội ghi nhận một ca tái dương tính SARS-CoV-2 ở quận Cầu Giấy
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, ngày 25/2, trên địa bàn thành phố ghi nhận một bệnh nhân COVID-19 đã được chữa trị tái dương tính với SARS-CoV-2. Đó là bệnh nhân Đ.T.L. (ca bệnh số 1.819), sinh năm 1973, có địa chỉ thường trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, có thể trong cơ thể bệnh nhân chưa hết sạch virus nên ông này đã được chuyển lại vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để tiếp tục điều tra dịch tễ. Tuy nhiên, trường hợp nói trên không có nguy cơ lây nhiễm cho người khác trong cộng đồng.
Trước đó, bệnh nhân Đ.T.L. cùng gia đình gồm 3 người đến thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Ngày 24/1, gia đình ông L. trở về Hà Nội. Bệnh nhân Đ.T.L. đã được lấy mẫu xét nghiệm và được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xác định dương tính với SARS-CoV-2 vào tối 31/1.
Theo Sở Y tế Hà Nội, lũy tích từ ngày 27/1 đến 12 giờ ngày 25/2, trên địa bàn thành phố có 36 ca mắc COVID-19 được ghi nhận, trong đó có 35 ca cư trú tại 8 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Đông Anh, Cầu Giấy, Mê Linh, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình và 1 ca cư trú tại tỉnh Hưng Yên nhưng đến khám ở Bệnh viện Phổi Trung ương, được Bộ Y tế tính là ca bệnh của Hà Nội.
Ăn thịt bê thui, 8 người bị ngộ độc
Ngày 25/2, khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thông tin vừa tiếp nhận 5 bệnh nhân ở thôn Khánh Sơn (xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) với triệu chứng đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng; một số bệnh nhân có kèm theo sốt.
Theo bệnh nhân Nguyễn Thu Lưu, trưa 23/2, trên đường đi làm về qua ngã ba Khe Giao (xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) gặp người bán thịt bê thui, anh đã mua 1kg về ăn cùng gia đình. Sau khi ăn, 5 người trong gia đình anh và 3 người trong gia đình chị gái bị nôn và đi ngoài.
Trạm Y tế xã Sơn Lộc đã khám cho 8 bệnh nhân, sau đó chuyển 5 ca nặng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Anh Lưu cho biết thêm, một người bạn của anh cũng mua 0,5kg thịt bê ở cùng một điểm bán và cũng bị ngộ độc thực phẩm, hiện đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà.
Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, đã đến Khoa Cấp cứu - chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) để thăm hỏi, động viên các bệnh nhân, đồng thời chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Y tế Can Lộc và Trung tâm Y tế Thạch Hà nhanh chóng điều tra, xác định nguyên nhân vụ việc.