Đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Văn Bình
Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ 49. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.
Tại Kỳ họp này, sau khi xem xét kết quả thẩm tra, xác minh nội dung phản ánh liên quan đến đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, UBKT Trung ương nhận thấy:
Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.
Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Văn Bình là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân đồng chí. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Văn Bình.
Bên cạnh đó, sau khi xem xét trách nhiệm liên quan đến các sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương.
Đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công thương đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, đến mức phải khai trừ ra khỏi Đảng. Tuy nhiên, do đồng chí đang mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
Bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc
Chiều 3/11, với 429/431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 89% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập Quốc tịch Cộng hòa Síp và đã có quốc tịch Cộng hòa Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội. Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và trong nhân dân, uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút. Cử tri thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.
Cường độ và hướng di chuyển bão số 10 thay đổi nhanh, khó dự báo
Ngày 3/11, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 10 chỉ có sức gió mạnh cấp 8-9 nên cường độ và hướng di chuyển của bão sẽ chịu sự chi phối của hệ thống ngoại lực là chính, bão có thể thay đổi rất nhanh, khó dự báo.
Bão cấp 8-9 và áp thấp nhiệt đới được các cơ quan khí tượng trên thế giới đánh giá là có tính bất định về cường độ và quỹ đạo, không giống như các cơn bão mạnh và rất mạnh, ví dụ cơn bão số 9 vừa qua. Vì vậy, người dân cần theo dõi, cập nhật thường xuyên bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 16 giờ ngày 4/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10 - 15 km; vị trí tâm bão ở khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 340 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới, gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên, từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,5 đến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu, thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Đến 16 giờ ngày 5/11, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km; vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc, 110,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Từ 16 giờ ngày 5/11 đến 16 giờ ngày 6/11, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10 - 15 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 6/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc, 107,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-6m; biển động rất mạnh.
đêm 3/11, vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6, từ chiều 4/11 tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m, biển động mạnh.
Từ ngày 4 - 6/11, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250 - 350 mm/đợt; các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Phú Yên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250 mm/đợt. Từ ngày 5 - 7/11 ở các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.
Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên: Cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết; tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Việt Nam có thêm 10 ca mắc mới COVID-19, đều là nhập cảnh
18 giờ ngày 3/11, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc mới COVID-19, đều là các ca nhập cảnh, nâng tổng số mắc lên 1.202 ca.
Tính đến 18 giờ ngày 3/11, Việt Nam có tổng cộng 1.202 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 14.775 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 174 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 13.327 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.274 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 3/11, có thêm 4 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh gồm: BN1101, BN1116, BN1120, BN1112
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 17 ca, lần 2 là 6 ca, lần 3 là 5 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.069 ca.