Chiều 3/3, Việt Nam thêm 7 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 3/3, Việt Nam ghi nhận thêm 7 ca mắc mới COVID-19, trong đó Hải Dương có 5 ca.
7 ca mắc mới ghi nhận là từ BN2476- BN2482. Cụ thể, tỉnh Hải Dương ghi nhận 5 ca bệnh gồm:
1 ca tại thành phố Chí Linh (BN2478) là F1 của BN1632, đã được cách ly tập trung từ ngày 28/1/2021.
3 ca tại huyện Kim Thành (ca bệnh BN2479- BN2481) đều là các F1, đã được cách ly tập trung từ ngày 28/2/2021.
Hiện cả 4 bệnh nhân trên được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.
1 ca tại thành phố Hải Dương (ca bệnh BN2482)là F1 của BN2210, đã được cách ly tập trung từ ngày 14/2/2021. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 – Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
2 ca được cách ly ngay sau nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang:
BN2476: Nữ, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại phường 12, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
BN2477: Nữ, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại phường 6, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
BN2476- BN2477 từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Hà Tiên ngày 28/2/2021, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 2/3/2021 các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 3/3, Việt Nam có tổng cộng 1.566 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 873 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 59.081 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 540 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 13.424 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 45.117 người.
TP Hồ Chí Minh chịu đợt nắng nóng gay gắt kéo dài trong 4 ngày liên tiếp
Từ ngày 3/3 đến 7/3, nắng nóng gay gắt ở các tỉnh Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh duy trì ở mức 35 độ C đến trên 35 độ C.
Ngày 3/3, theo Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam bộ, nắng nóng xuất hiện ở một số nơi thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai với nhiệt độ cao nhất ở mức 35 độ C đến trên 35 độ C.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ ngày 3/3 đến 7/3 nhiệt độ cao nhất từ 34-35 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất là 40-50%, thời gian nắng nóng cao nhất trong ngày từ 11 giờ đến 15 giờ.
Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam bộ nhận định, ngày 4/3, xu hướng nắng nóng mở rộng trên khu vực miền Đông Nam Bộ và còn lan xuống các tỉnh dọc biên giới phía Tây của Tây Nam Bộ.
Đặc biệt, thời điểm giữa trưa và chiều sẽ có nắng nóng kết hợp độ ẩm không khí thấp gây ra cảm giác oi bức trên hầu hết khu vực.
WHO cảnh báo Việt Nam cần cảnh giác cao với cúm gia cầm H5N8
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa đưa ra kêu gọi Việt Nam cần cảnh giác cao với cúm gia cầm H5N8.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tổ chức FAO và WHO kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng cần cảnh giác với khả năng lây nhiễm cúm A(H5N8) sang người khi mới đây Nga đã phát hiện 7 công nhân ở trang trại chăn nuôi gà bị nhiễm virus này. Đây là báo cáo đầu tiên về sự lây nhiễm H5N8 từ gia cầm sang người mặc dù virus này đã lưu hành trên gia cầm và chim hoang dã từ năm 2016. WHO cũng cho biết, tất cả 7 ca mắc cúm A(H5N8) ở người tại Nga đều không có triệu chứng. Cho đến nay, cũng chưa có bằng chứng nào về việc virus này gây bệnh nặng ở người hay lây truyền từ người sang người, những trường hợp bệnh này được cho là do lây bệnh từ gia cầm.
Tại Việt Nam, chương trình giám sát của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chưa ghi nhận sự xuất hiện của virus H5N8. Bắt đầu từ năm 2021, Cục Thú y sẽ tăng cường xét nghiệm virus H5N8 trong chương trình giám sát cúm gia cầm quốc gia.
Tiến sĩ Satoko Otsu, Điều phối viên nhóm Các bệnh truyền nhiễm và Tình trạng y tế khẩn cấp của WHO cho biết: “Mặc dù nguy cơ lây nhiễm sang người đối với virus cúm gia cầm chủng cúm A(H5N8) ở Việt Nam là rất thấp, nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác và tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân để phòng chống bệnh cúm gia cầm”.
Việc lây nhiễm cúm gia cầm ở người là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh.
Ngừng lưu thông trên đèo Bảo Lộc để cứu hộ xe container lao xuống vực
Ngày 3/3, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đang triển khai công tác cứu hộ chiếc xe container đã lao xuống vực trên đèo Bảo Lộc (Quốc lộ 20) vào tối 2/3. Để đảm bảo an toàn cho công tác cứu hộ, vào nhiều thời điểm lực lượng chức năng buộc phải yêu cầu các phương tiện tạm ngừng lưu thông.
Theo thông tin từ lực lượng cảnh sát giao thông chốt trên đèo Bảo Lộc, từ 8 giờ ngày 3/3, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và Công an huyện Đạ Huoai đã chốt chặn để điều tiết, phân luồng giao thông phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn xe container gặp nạn. Việc tạm ngừng lưu thông trên đèo Bảo Lộc khiến giao thông bị ách tắc cả hai chiều, hàng trăm phương tiện phải dừng lại trong nhiều giờ.
Đến 11 giờ ngày 3/3, lực lượng chức năng đã đưa được thùng xe container gặp nạn lên khỏi vực sâu hơn 20m. Riêng đầu kéo xe container vẫn còn nằm dưới vực. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã mở chốt để việc lưu thông qua đèo Bảo Lộc được trở lại bình thường. Tới 13 giờ 30 ngày 3/3, tuyến đường này lại tiếp tục bị đóng để công tác cứu hộ, cứu nạn được hoàn tất.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin, khoảng 18 giờ ngày 2/3, tại Km 101 trên Quốc lộc 20, đoạn qua Tượng đài Đức Mẹ trên đèo Bảo Lộc, đã xảy ra vụ vụ chạm giữa xe tải đang lên đèo và xe container đang đổ đèo. Vụ tai nạn khiến xe container lao xuống vực sâu hơn 20m, xe tải nghiêng vào vách núi, không có thương vong về người.
Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định là xe tải do tài xế Nguyễn Chí Thanh (trú ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) điều khiển theo hướng Thành phố Hồ Chí Minh - Bảo Lộc, vượt lấn đường nên va chạm với xe container do tài xế Trần Thanh Liên (trú tại tỉnh Kiên Giang) điều khiển, đang lưu thông theo hướng ngược lại.