Ngành Công Thương tạo môi trường tốt hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Sáng 7/1, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương để tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả công tác cải cải hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương không ngừng đổi mới, đi vào chiều sâu hơn. Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, giảm được 880 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Theo Thủ tướng, năm 2020, trong khó khăn do dịch bệnh, thương mại điện tử vẫn chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ. Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến; thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60 giờ, tăng 267% so với cùng kỳ 2019.
Giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương, Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ, sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.
Ngành cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp. Chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng. Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam…
Năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% với các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Để “cỗ xe tam mã” này tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn, Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn năm 2020, tổ chức thực hiện tốt phương châm “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” để phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước.
Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm
Sáng 7/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, liên quan đến Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" trên khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh).
Cùng ra Tòa với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953) còn có 9 đồng phạm, gồm: Phan Chí Dũng (sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Lâm Nguyên Khôi (sinh năm 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (sinh năm 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Quang Minh (sinh năm 1957, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (sinh năm 1970, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Lan Châu (sinh năm 1975, nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh).
Trong đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Tám bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (viết tắt là Sabeco, thuộc Bộ Công Thương quản lý) được giao khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) có tổng diện tích 6.080 m2 dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.
Quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công Thương và Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất trên và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" ở khu đất này.
Do bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra các Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can, Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can và Quyết định truy nã đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa. Khi nào bắt được, Cơ quan công an xem xét, xử lý sau.
Vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh đại học 2021
Nhiều trường đại học đã công khai phương thức tuyển sinh 2021. Về cơ bản, phương thức tuyển sinh của các trường vẫn ổn định như năm trước. Cùng với đó là sự mạnh dạn của nhiều trường tư thục khi mở thêm các khối ngành mới về sức khoẻ.
Trường Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) mới công bố đề án tuyển sinh 2021 theo đó 5 phương thức: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 với khoảng 30- 60% tổng chỉ tiêu, điểm xét tuyển là tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp môn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, không nhân hệ số, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (nếu có); ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 15-20% tổng chỉ tiêu; xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT với 1-5% tổng chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với 30-70% tổng chỉ tiêu; xét thí sinh người nước ngoài hoặc tốt nghiệp THPT nước ngoài cho 1-5% tổng chỉ tiêu.
Đại học Bách Khoa Hà Nội sớm công bố phương thức tuyển sinh đại học dự kiến năm 2021, gồm 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (xét tuyển riêng). Đây là năm thứ 2 trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến 30-40% tổng chỉ tiêu) được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 3 địa điểm của miền Bắc. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000-10.000 thí sinh.
Các trường như ĐH Kinh tế-Tài chính TP Hồ Chí Minh công bố 3 phương thức xét tuyển: Xét điểm tốt nghiệp THPT chiếm 65%; xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chiếm 5%; xét học bạ. ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh công bố 4 phương thức xét tuyển…
Việt Nam có thêm 4 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 7/1, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 19.392 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 153 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 17.396 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.843 người. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện có 27 ca âm tính với virus SARS-CoV-2.