Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII họp phiên đầu tiên
Trong tuần 15-21/2, sự kiện chính trị nổi bật là sáng 18/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII tiến hành phiên họp đầu tiên, cho ý kiến về việc thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2021; nhiệm vụ trọng tâm quý I năm 2021; về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “ Trước hết là phải triển khai thật tốt việc thực hiện các chủ trương Đại hội đã đề ra, tổ chức học tập quán triệt, từng cơ quan, từng cấp, ngành, đơn vị đều phải xây dựng chương trình hành động của mình cho năm 2021, trước mắt là quý I. …Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, sắp xếp tổ chức, kiện toàn cán bộ, kể cả chế độ, chính sách với các đồng chí đã nghỉ hưu…”.
Sau khi nghe báo cáo về chủ trương mua, sử dụng vaccine phòng COVID-19 và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng ý về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân.
Đến chiều 21/2, cả nước đã có luỹ tích 1.484 ca bệnh COVID-19 lây nhiễm trong nước
Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 21/2, Việt Nam ghi nhận thêm 15 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 14 ca là F1.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 21/2, Việt Nam có tổng cộng 1.484 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 791 ca.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) trên cả nước là 123.942 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), ngày 21/2 có thêm 90 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 163 ca.
Nỗ lực để có vaccine phòng dịch COVID-19 vào 28/2
Chiều 15/2 (tức mồng 4 Tết Tân Sửu), trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm nhất quán thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ mạnh mẽ hơn trên tinh thần khoanh vùng nhanh, xét nghiệm diện rộng, nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc. Ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn có nhiều nguy cơ như Hải Dương, thành phố Hà Nội.
Thủ tướng đồng ý dừng các lễ hội, hoạt động tập trung đông người, xem xét việc đi học trở lại cụ thể tại các địa phương theo các hình thức học trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương này. Hạn chế đi chúc Tết, du Xuân trong tháng Giêng.
Đặc biệt thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông
Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo nhập khẩu vaccine, sớm đưa vaccine về Việt Nam; thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, sử dụng vaccine trong nước.
Cũng trong tuần qua, Bộ Y tế đã cho phép nhập khẩu ngay 204.000 liều vaccine Astra Zeneca chống COVID-19, dự kiến sẽ về đến Việt Nam và ngày 28/2 tới.
Các địa phương siết chặt công tác phòng dịch
Trong tuần qua, các địa phương siết chặt công tác phòng chống dịch COVID-19. Từ 16/2, Hải Dương cách ly toàn tỉnh. Cũng từ 16/2, người từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh phải cách ly tập trung tự trả phí. Nhằm đảm bảo phòng dịch, TP Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả công dân, hàng hóa từ Hải Dương. TP Hồ Chí Minh đề nghị 6 tỉnh có biên giới trao đổi thông tin các trường hợp nhập cảnh trái phép....
Cộng đồng mạng giải cứu nông sản cho bà con vùng dịch
Tuần qua, thông qua mạng xã hội, người dân ở nhiều địa phương đang tích cực kêu gọi giải cứu nông sản đang gặp khó trong tiêu thụ cho nông dân những vùng dịch.
Một số cá nhân đã đứng ra kêu gọi mọi người mua ủng hộ, gom các đơn và chuyển đến Hà Nội. Trên nhiều trang cá nhân, nhiều nhóm Facebook chia sẻ thông tin về các điểm bán nông sản, nêu rõ từ nguồn gốc sản phẩm đến giá bán, giá giao hàng tận nơi, điện thoại liên hệ...
Để tránh tiếp xúc, ở nhiều điểm “giải cứu”, người bán đã chia sẵn nông sản theo các túi 5kg, người mua chuẩn bị sẵn tiền lẻ để cho vào hòm.
Tại Hải Dương, thanh niên tình nguyện cũng tham gia vào việc giải cứu nông sản đang ùn ứ của địa phương.
Đặt vàng online sôi động dịp ngày vía Thần Tài
Năm nay, ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) rơi vào chủ nhật 21/2. Để phòng dịch COVID-19, nhiều công ty, cửa hàng vàng đã đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm trên mạng để khuyến khích khách hàng đặt mua trực tuyến. Chính vì vậy, trong ngày 21/2, số người trực tiếp đến mua vàng tại các cửa hàng vàng ở Hà Nội không quá đông như những năm trươc, giá vàng ổn định, không tăng.
Hà Nội triệt phá đường dây mua bán thận
Ngày 17/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình cho biết: Cơ quan Công an đã tạm giữ hình sự đối tượng Trần Xuân Hiệp (sinh năm 1991; trú tại ngõ Thịnh Hào 3, phường Hàng Bột, quận Đống Đa) và Nguyễn Duy Phương (sinh năm 1988; trú tại Tôn Đức Thắng, phường Cát Linh, quận Đống Đa) để điều tra về hành vi mua bán bộ phận cơ thể người.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận do từng đi bán thận nên biết thủ tục và quy trình mua bán thận. Hiệp và Phương đã lên mạng xã hội tìm người có nhu cầu bán thận với giá 230 triệu đồng một quả. Sau khi thỏa thuận, các đối tượng vào bệnh viện để tìm người mua thận.
Thời điểm gần nhất là ngày 1/2/2021, các đối tượng đã làm thủ tục mua bán thận cho 2 người. Hai đối tượng thu của mỗi người mua là 1,1 tỷ đồng. Trừ các chi phí đóng viện phí, phí xét nghiệm, nuôi ăn ở, tiền cho người bán…, với mỗi trường hợp, hai đối tượng thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng.
203 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả
Trong tuần 15-21/2, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an ra bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô.
Theo kết luận điều tra bổ sung vụ Đại học Đông Đô, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã lập danh sách, cung cấp cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (kèm theo hồ sơ vụ án) 203 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả.
Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 10 bị can về tội "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Đại học Đông Đô.
Phê chuẩn quyết định khởi tố bị can trong vụ hiếp dâm con riêng 'vợ hờ' ở Hà Đông, Hà Nội
Trong ngày 21/2, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hà Đông (Hà Nội) vừa phê chuẩn quyết định khởi tố 2 bị can trong vụ án “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi và hành hạ con” xảy ra tại quận Hà Đông (Hà Nội).
Hai bị can trong vụ án này gồm: Phạm Thanh Tùng (sinh năm 1990, trú tại Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) bị khởi tố về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo quy định tại Điều 142, khoản 2 – Bộ luật Hình sự năm 2015 và Hoàng Thị Thu Huyền (sinh năm 1987, trú tại Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) bị khởi tố về tội “Hành hạ con” theo quy định tại Điều 185, khoản 2 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng với việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hà Đông còn phê chuẩn lệnh bắt bị can Phạm Thanh Tùng để tạm giam trong thời gian 4 tháng, kể từ ngày bị bắt (20/2/2021). Bị can Hoàng Thị Thu Huyền được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ. Ngoài ra, bị can Huyền còn đang bị truy tố trong một vụ án khác về hành vi “mua bán trái phép chất ma túy”. Hiện hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Tòa án nhân dân quận Hà Đông và đang chờ đưa ra xét xử.
Qua xác minh ban đầu, cháu Nguyễn H.B. (sinh năm 2009) ở cùng mẹ đẻ là Hoàng Thị Thu Huyền (là bị can trong vụ án). Huyền có quan hệ tình cảm với Phạm Thanh Tùng. Tùng thường xuyên đến nhà Huyền chơi, ăn cơm và ngủ lại.
Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2021, lợi dụng lúc Huyền không có nhà, Tùng đã nhiều lần ép cháu B. quan hệ tình dục. Khi cháu B. không đồng ý, Tùng đe dọa sẽ đánh nên cháu B. sợ và phải làm theo lời của Tùng.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn xác định cháu B. thường xuyên bị mẹ đẻ là Hoàng Thị Thu Huyền sử dụng ống nước, dây điện, gậy tre đánh vào chân, tay, lưng khi cháu không vâng lời. Chỉ đến khi thấy cháu B. bị xây xát, thâm tím nhiều nơi trên cơ thể, bác của cháu B. đưa cháu B. về nhà ở cùng thì sự việc trên mới dừng lại.
Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 với 4 môn trong hai ngày 29 - 30/5
Ngày 19/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký Quyết định số 839/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021 - 2022.
Theo đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021 - 2022 dự kiến sẽ diễn ra vào hai ngày 29 và 30/5 với phương thức thi tuyển. Kỳ thi gồm 4 bài thi độc lập thuộc các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Trong đó, bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong 6 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý.
Điểm mới đáng chú ý trong kỳ thi tuyển sinh năm nay là mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường trung học phổ thông công lập, trong đó nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.