Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Trong 2 ngày 16-17/1, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII; thông qua Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; thông qua Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các Văn kiện trình Đại hội XIII.
Tại Hội nghị lần này, căn cứ Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị trình Trung ương dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XIII của Đảng; Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến thông qua để trình Đại hội XIII của Đảng xem xét, quyết định. Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bàn và quyết định những phần việc còn lại để tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao, với bầu không khí phấn khởi, tin tưởng, ngày 17/1, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương đã họp phiên bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bổ sung một số đồng chí Uỷ viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Ủy viên Trung ương chính thức; thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung cao.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thảo luận và thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị về dự kiến Danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, thông qua các Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, cho ý kiến về Báo cáo tổng kết công tác tài chính đảng nhiệm kỳ 2016-2020.
Hội nghị thứ 15, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đoàn kết một lòng, với quyết tâm và nỗ lực rất cao, đã hoàn thành toàn bộ chương trình công tác toàn khóa đã đề ra, đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta giành được những kết quả rất quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật, tạo ra niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới để sắp tới chúng ta tiếp tục vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, thuận lợi đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Ngày 17/1, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19
Từ 18 giờ ngày 16/1 đến 18 giờ ngày 17/1, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 17/1, Việt Nam giữ nguyên số 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Hiện tại, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.954 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 135 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.466 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.353 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 32 ca. Đến nay, Việt Nam cũng đã có 47 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.
Các tỉnh Bắc Bộ chuyển rét đậm, rét hại, vùng núi có thể có mưa tuyết
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 17/1, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, nên Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ; ở các tỉnh Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa và dông, trời tiếp tục rét đậm, rét hại (trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai), với nhiệt độ thấp nhất 8-11 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết; ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-18 độ C; từ đêm 18/1, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đêm và sáng trời rét; Nam Bộ trời lạnh vào đêm và sáng sớm.
Hoàn tất kết luận điều tra vụ án tại IPC và SADECO: Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Ngày 12/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra số 481-25/KLĐT-PC03 về vụ án "Tham ô tài sản", “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố 19 bị can.
Theo Cơ quan điều tra, vụ án này có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đã lợi dụng chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước, kết hợp với tư nhân thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án này bị can Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty IPC, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SADECO) có vai trò chủ mưu trong vụ án. Cụ thể, trong việc phát hành 9.000.000 cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, bị can Tề Trí Dũng và các cá nhân có chức vụ tại Công ty SADECO, Công ty IPC và người đại diện vốn Nhà nước đã thông qua việc bán cổ phiếu của Công ty SADECO cho Công ty Nguyễn Kim mà không qua đấu giá, đấu thầu, trái với quy định tại khoản 3 Điều Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, gây thiệt hại hơn 940 tỷ đồng.
Hành vi của Tề Trí Dũng đã cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đến nay, hậu quả thiệt hại trong việc phát hành 9.000.000 cổ phiếu nêu trên đã được khắc phục do trong thời điểm bị thanh tra, ngày 17/1/2019, Công ty SADECO ký Thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng hợp tác với Công ty Nguyễn Kim, theo đó Công ty Nguyễn Kim hoàn trả lại cho Công ty SADECO 9.000.000 cổ phiếu và nhận lại số tiền 360 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị can Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến hành vi phát hành sai quy định 9.000.000 cổ phiếu SADECO cho Công ty Nguyễn Kim.
Bị can Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại Công ty SADECO (16,7%) là hơn 157 tỷ đồng. Cùng chịu trách nhiệm với số tiền này còn có bị can Phạm Văn Thông - nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, là người đại diện vốn sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại Công ty SADECO.
Bốn trường quốc tế tại TP Hồ Chí Minh phải dừng dạy chương trình thí điểm
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc đang giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải chấm dứt hoạt động thí điểm và khẩn trương chuyển đổi mô hình hoạt động. Đó là một trong những nội dung của UBND TP Hồ Chí Minh gửi Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh về tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn Thành phố.
UBND Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, rà soát về tình hình các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các cơ sở giáo dục phổ thông đang dạy chương trình giáo dục nước ngoài (được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thí điểm trước đây) chuyển đổi mô hình quản lý, hoạt động theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, chậm nhất trong quý 2/2021.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện thành phố còn 4 trường đang thí điểm chương trình này gồm: THCS-THPT Quốc tế APU, TH-THCS-THPT Quốc tế Sài Gòn Pearl, TH-THCS-THPT Quốc tế Canada và TH-THCS-THPT Quốc tế Mỹ. Như vậy, căn cứ theo quy định của Nghị định 86/2018/NĐ-CP, 4 trường này phải dừng hoạt động thí điểm và chuyển đổi mô hình hoạt động.
Trước thông tin về 4 trường quốc tế trên phải dừng hoạt động thí điểm và chuyển đổi mô hình hoạt động, nhiều phụ huynh có con đang học tại những trường trên lo lắng.