Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị của địa phương xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo của Chính phủ; chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện được ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua (dự kiến Trung ương, Quốc hội sẽ họp trong tháng 2/2025). Đây là đề nghị của Ban Chỉ đạo về Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ đối với các địa phương khi thực hiện sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn
Ban Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; tham mưu, trình UBND cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan mình để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi có hướng dẫn thống nhất của Chính phủ, bảo đảm các điều kiện tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.
Các địa phương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ (dự kiến hoàn thành trước 20/2/2025 và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ trước ngày 28/2/2025).
Từ nay đến khi triển khai việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ để tiếp tục hướng dẫn, bảo đảm việc sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được đồng bộ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Ban Chỉ đạo của Chính phủ cũng đề nghị địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và chủ động xây dựng phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo định hướng, gợi ý sắp xếp Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để tổng hợp, giải đáp theo quy định.
Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả
Theo Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh bảo đảm tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 15 sở.
Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, duy trì các phòng chuyên môn, gồm: Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Thanh tra huyện; Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.
Ban Chỉ đạo định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn khác tương đồng với sắp xếp các bộ ở Trung ương và sở, ngành ở cấp tỉnh. Theo đó, hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ. Thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông, công thương trên địa bàn cấp huyện từ Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị (tại quận, thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay.
Thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Văn hóa - Thông tin và chức năng, nhiệm vụ về khoa học và công nghệ từ Phòng Kinh tế (tại quận, thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay trên địa bàn cấp huyện.
Thành lập Phòng Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường và chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại huyện) và chức năng, nhiệm vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn từ Phòng Kinh tế (tại thị xã, thành phố) hiện nay trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Riêng ở quận, thì giữ nguyên Phòng Tài nguyên và Môi trường và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai từ Phòng Kinh tế hiện nay.
Phòng Y tế thực hiện sắp xếp phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương. Trong đó, đối với các địa phương đang có Phòng Y tế thì giao Phòng này tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay. Đối với các địa phương đã sáp nhập Phòng Y tế vào Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thì căn cứ tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương để quyết định giao Văn phòng tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay, hoặc thành lập Phòng Y tế để thực hiện chức năng của Phòng này và tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
Phòng Dân tộc thực hiện tương tự như đối với cấp tỉnh.
Căn cứ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các địa phương thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối các dơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh chưa tự chủ chi thường xuyên trở lên theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, bảo đảm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với cơ cấu lại, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (như: thu gọn đầu mối các đơn vị báo chí, văn hóa, thông tin; cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả...).