Đủ hàng hoá để phục vụ người dân Hà Nội khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg
Tối 23/7/2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ra Chỉ thị 17CT-UBND về việc Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố để phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6 giờ ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Cũng trong tối 23/7, Sở Công Thương TP Hà Nội ra thông cáo báo chí, khẳng định Thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân; người dân hoàn toàn yên tâm, không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Văn bản nêu rõ: Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123. siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.2 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.
“Mặc dù đang phải đối mặt với một khó khăn song trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hang”- Sở Công Thương khẳng định.
TP Hồ Chí Minh kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tới ngày 1/8
Thực hiện Chỉ thị 12 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh ngày 22/7, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1/8 với các giải pháp mạnh hơn nữa. Mục tiêu là nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch, đồng thời giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới, tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn thành phố. Trong đó, tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách. Đối với các ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.
Thành phố cũng siết chặt hoạt động của doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn. Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch.
Đối với các cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc một buổi trong ngày tại cơ quan.
Đây là lần thứ 5 kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư đến nay (từ ngày 27/5), TP Hồ Chí Minh thay đổi các biện pháp giãn cách xã hội về phòng chống dịch COVID-19. Nguyên nhân khiến TP Hồ Chí Minh kéo dài thực hiện Chỉ thị 16 là vì tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Trong đó, số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong tỏa, khu cách ly; số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải...
Ngày 23/7, Việt Nam có thêm 7.307 ca mắc mới COVID-19
Trong ngày 23/7, Việt Nam công bố 7.307 ca mắc mới COVID-19, trong đó 12 ca nhập cảnh và 7.295 ca ghi nhận trong nước. Như vậy, đến chiều ngày 23/7, Việt Nam có tổng 81.678 ca mắc, trong đó có 2.141 ca nhập cảnh và 79.537 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 77.967 ca, trong đó có 12.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Ngày 23/7, cả nước có 2.115 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là 15.536 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 166 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 19 ca.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 103.146 xét nghiệm cho 407.714 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.008.871 mẫu cho 13.980.234 lượt người.
Đến nay, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 4.411.659 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.077.099 liều, tiêm mũi 2 là 334.560 liều.
Việt Nam vừa tiếp nhận thêm hơn 1,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca
Theo thông tin từ Bộ Y tế, sáng 23/7, có thêm 1.228.500 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca được chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là lần giao vaccine thứ năm và cũng là lượng vaccine lớn nhất từ trước đến nay thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC), dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Đến hiện tại, hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam hơn 3,1 triệu liều, tương đương với khoảng 37% tổng lượng vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong nước. Số còn lại đến từ Cơ chế COVAX và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước.
Tổng cộng đã có gần 8,6 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam, hiện chiếm 76% nguồn cung vaccine COVID-19 trên cả nước.
TP Hồ Chí Minh đã có trên 8.400 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi
Ngày 23/7, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đang điều trị 35.228 bệnh nhân mắc COVID-19 (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến ngày 23/7 có 434 bệnh nhân tử vong trong đợt dịch lần này.
Như vậy, trong dịch thứ 4 Thành phố đã có hơn 48.800 trường hợp mắc COVID-19. Trong ngày 22/7, có thêm 2.046 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu đến ngày 22/7 là 8.4 bệnh nhân.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp mạnh hơn để ngăn chặn số ca mắc gia tăng trong cộng đồng.
TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung 7.000 cán bộ y tế
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất hỗ trợ nhân lực y tế tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố.
Theo đó, UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều động 5.000 nhân sự hỗ trợ cho Thành phố, gồm: 927 bác sỹ (150 bác sỹ hồi sức, 777 bác sỹ khám và điều trị); 4.137 điều dưỡng, kỹ thuật viên (400 điều dưỡng hồi sức, 50 kỹ thuật viên xét nghiệm, 50 kỹ thuật viên X-quang và 3.637 điều dưỡng chăm sóc người bệnh). Ngoài ra, UBND Thành phố cũng đề nghị được hỗ trợ thêm 2.000 nhân viên có chuyên môn y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm.
Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự hỗ trợ nhân lực từ Bộ Y tế với 1.936 nhân viên y tế (573 bác sỹ, 1.363 điều dưỡng, kỹ thuật viên) từ 25 Bệnh viện Trung ương, bộ, ngành và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, hơn 1.600 giảng viên, sinh viên từ các trường Đại học, Cao đẳng y dược trên cả nước, gồm 556 người tham gia điều tra, truy vết; 1.045 người tham gia lấy mẫu xét nghiệm.
TP Hồ Chí Minh áp dụng hệ thống 5 tầng điều trị do F0 gia tăng
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản điều chỉnh kế hoạch thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tình hình dịch bệnh bùng phát lan rộng trên địa bàn. Theo đó, thành phố sẽ phân tầng điều trị tương ứng với kịch bản số trường hợp F0 gia tăng từ 4 tầng lên 5 tầng điều trị.
Cụ thể, tầng 1 là cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường hợp F0 tại địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Dự kiến, tầng 1 sẽ thu dung khoảng 50% trong tổng số trường hợp F0. Tại tầng 1 các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định và không béo phì sẽ được cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn quận, huyện. Các cơ sở này có nhiệm vụ sàng lọc người bệnh COVID-19 không có triệu chứng với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện để đưa về giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú theo quy định; chăm sóc và điều trị ban đầu các trường hợp COVID-19 có triệu chứng nhẹ, xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biên nặng trước khi chuyển viện.
Tầng 2 là Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 dành cho những trường hợp F0 mới được phát hiện trong cộng đồng, được sàng lọc và chuyển đến từ các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường hợp F0 tại địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Bệnh viện dã chiến có nhiệm vụ điều trị các trường hợp COVID-19 có triệu chứng và điều trị các bệnh lý nền kèm theo; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến tầng 2 sẽ thu dung khoảng 27% trong tổng số trường hợp F0.
Tầng 3 là Bệnh viện điều trị COVID-19 các trường hợp có triệu chứng, gồm những bệnh viện đa khoa hạng 2 được chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng. Dự kiến sẽ thu dung khoảng 10% trong tổng số trường hợp F0. Để thực hiện chức năng này, các bệnh viện ở tầng này sẽ được bổ sung thêm các trang thiết bị, dụng cụ thuốc như bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 nhưng với cơ số thuốc điều trị nhiều loại hơn cho nhiều loại bệnh lý nền đi kèm. Bệnh viện điều trị COVID-19 có nhiệm vụ điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền; hồi sức cấp cứu (thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.
Tầng 4 là Bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa gồm những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng 1 và một vài bệnh viện hạng 2 phát triển chuyên khoa khá mạnh, được chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Dự kiến tầng 4 sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0. Để thực hiện chức năng này, ngoài việc cần thêm các trang thiết bị như tầng 3, các bệnh viện này cần được bổ sung máy thở chức năng cao, máy lọc máu liên tục. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh COVID-19 có triệu chứng nặng theo phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng có nhiệm vụ điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nặng do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) các trường hợp nặng.
Tầng 5 là Bệnh viện hồi sức COVID-19. Tầng này sẽ thu dung điều trị cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch. Theo đó, những bệnh viện được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp COVID-19 nguy kịch. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh COVID-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế. Dự kiến tầng 5 sẽ thu dung khoảng 5% trong tổng số trường hợp F0.