Giữ nguyên tống số 327 ca mắc
Ngày 28/5 đánh dấu 42 ngày Việt Nam không xuất hiện ca mắc mới dịch COVID-19 trong cộng đồng. Tổng số ca mắc giữ nguyên là 327 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 8.869 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 49; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.008; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.812 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 8 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 17 ca.
Tiếp tục quản lý chặt người nhập cảnh
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong bối cảnh Việt Nam đang đón các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào làm việc; đưa người Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch về nước, thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong nước là rất lớn. Chỉ cần để lọt 1 ca bệnh xâm nhập vào trong nước, mà không kịp thời phát hiện sẽ dẫn tới tình trạng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Do đó, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định.
Theo đó, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quản lý chặt chẽ các phi công, thành viên tổ bay quốc tế; đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ các khách sạn cũng như những người làm việc tại khách sạn được sử dụng để tổ chức cách ly phi hành đoàn quốc tế theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế cử các đội phản ứng nhanh đến kiểm tra ngay các khách sạn đang được sử dụng để tổ chức cách ly tổ bay, phi hành đoàn quốc tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có)…
Liên quan đến việc các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, quản lý doanh nghiệp… nhập cảnh Việt Nam, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trong việc xét duyệt danh sách. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu đưa chuyên gia vào Việt Nam làm việc phải lập danh sách gửi cho UBND tỉnh, thành phố. UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm phê duyệt; gửi Bộ Công an quyết định xét duyệt visa.
Sau khi các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, UBND tỉnh, thành phố chỉ định nơi cách ly hoặc cách ly tập trung tại các khu quân đội theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, người nhà của chuyên gia, đặc biệt là con em đã và đang học tập tại Việt Nam từ trước đó được nhập cảnh vào Việt Nam.
Ban Chỉ đạo đề nghị, các đội phản ứng nhanh Bộ Y tế tăng cường kiểm tra cơ sở cách ly tập trung, các tổ bay, thủy thủ đoàn… nhằm sẵn sàng đón chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các đơn vị quân đội tiếp nhận cách ly tập trung tất cả các lưu học sinh học tập tại Việt Nam nhập cảnh qua đường bộ.
Chưa mở cửa du lịch quốc tế
Liên quan đến tái khởi động chương trình kích cầu du lịch nội địa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các Hiệp hội Du lịch chuẩn bị sẵn sàng phương án mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi dịch bệnh kiểm soát an toàn; tuy nhiên, trước mắt chỉ tập trung kích cầu du lịch nội địa.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, để thúc đẩy du lịch nội địa càng phải giữ chặt du lịch quốc tế, do đó cần cân nhắc kỹ thời điểm tái khởi động du lịch quốc tế trên tinh thần đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân.
Thảo luận ý kiến một số chuyên gia du lịch đề nghị mở cửa du lịch quốc tế, đề xuất dự kiến mở tại Phú Quốc (Kiên Giang), các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, trước mắt, Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế; chỉ mở cửa đón khách quốc tế với công dân các nước trong vòng ít nhất 30 ngày không phát hiện ca nhiễm mới.
Vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm giao thương
Chiều 28/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết thời điểm Việt Nam mở lại việc giao thông, giao thương với quốc tế.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định: "Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cơ quan liên quan đang nghiên cứu để đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay, phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại và đầu tư, phù hợp với tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới"
Trả lời câu hỏi phóng viên liên quan đến thông tin cho rằng, thời gian gần đây, nhiều dấu hiệu sẽ có làn sóng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển dịch từ Trung Quốc sang thị trường khác, trong đó Việt Nam là một trong những địa điểm triển vọng, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:
“Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, đến nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam. Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế.
Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng COVID-19 như: Bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như dịch vụ giữa Việt Nam với bên ngoài; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cắt giảm các thủ tục chi phí cho doanh nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng, logistic; tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do FTA với các đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả”.
Kiên quyết không để dịch lây lan vào quân đội
Ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng đánh giá cao các đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch thời gian qua.
Khẳng định Diễn tập trực tuyến xử lý tình huống và phòng, chống dịch COVID-19 được các nước đánh giá cao về nội dung và sự phối hợp hợp tác, Thượng tướng Trần Đơn cho biết Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo Cục Quân y tổ chức rút kinh nghiệm để tiếp tục nghiên cứu tổ chức một số hoạt động khác, trong đó dự kiến có nghiên cứu về diễn tập quy mô phòng, chống dịch lây lan qua biên giới giữa Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tiếp nhận các chuyến bay đón công dân về nước, Thượng tướng Trần Đơn đề nghị các quân khu tổ chức cách ly, đón tiếp chu đáo. Trong số công dân về nước, những người mắc bệnh hiểm nghèo, người mắc bệnh tim mạch, bệnh mãn tính, phụ nữ có thai... cần được các đơn vị thực hiện cách ly phối hợp với y tế địa phương phân loại, cách ly riêng để chăm sóc y tế tốt nhất.
Thượng tướng Trần Đơn đề nghị các đơn vị tiếp tục căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và mức độ nguy cơ để triển khai các biện pháp vừa phòng, chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng năm 2020 trong trạng thái bình thường mới, kiên quyết không để dịch lây lan vào Quân đội.
Bên cạnh việc chống dịch, Quân đội duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình trên không, trên biển, biên giới, không gian mạng, kịp thời xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.
Bộ đội Biên phòng tiếp tục kiểm soát chặt cửa khẩu biên giới, chốt chặn đường mòn, lối mở, ngăn chặn xâm nhập trái phép và các hoạt động tội phạm, giữ ổn định an ninh, xã hội khu vực vùng biên; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân để phát hiện kịp thời các trường hợp vượt biên trái phép, nhất là tuyến biên giới Tây Nam.
Toàn quân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo đảm tốt công tác hậu cần, giữ vững và ổn định đời sống bộ đội cũng như phòng, chống các dịch bệnh khác, bảo đảm quân số khỏe trên 98,5%.
Công đoàn Việt Nam hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 543/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19.
Đối tượng được nhận hỗ trợ là đoàn viên, người lao động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bị mất việc, thiếu việc làm dẫn đến mất thu nhập, thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành (1.490.000 đồng/tháng), có hoàn cảnh khó khăn tại thời điểm xét hỗ trợ và không nằm trong đối tượng được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Nghị quyết số 42/NQ - CP).
Bên cạnh đó, đoàn viên, người lao động đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng sẽ được nhận hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn gồm: Lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 trở lên hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi; người lao động bị mắc bệnh hiểm nghèo đang được điều trị (nằm viện hoặc điều trị ngoại trú); đoàn viên có vợ hoặc chồng hoặc con hoặc bố, mẹ già (đang ở cùng và phải nuôi dưỡng) bị bệnh hiểm nghèo; đoàn viên là người khuyết tật, người bị tai nạn lao động chưa được hưởng trợ cấp.
Trường hợp đặc biệt khó khăn khác ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lao động, sức khỏe, đời sống cũng sẽ được nhận hỗ trợ. Mỗi đối tượng được hỗ trợ một lần là 500.000 đồng/người.
Nguồn hỗ trợ từ nguồn tài chính tích luỹ tại Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở...
TP Hồ Chí Minh gia hạn nộp thuế với gần 4.210 tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 4, TP Hồ Chí Minh đã gia hạn nộp thuế cho DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh gần 4.210 tỷ đồng. Trong đó, số thuế gia hạn của thuế Giá trị gia tăng là 2.200 tỷ đồng, thuế Thu nhập doanh nghiệp là 1.955 tỷ, thuế giá trị gia tăng và thuế Thu nhập cá nhân của hộ cá nhân kinh doanh là 55 tỷ đồng.
Theo thống kê của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, Thành phố đã gia hạn nộp thuế cho khoảng 255.000 DN, chiếm tỷ lệ 97% trên tổng số DN trên địa bàn được thụ hưởng chính sách giãn thuế. Ngoài ra, 43.000 hộ kinh doanh, tiểu thương trên địa bàn Thành phố đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 cũng được gia hạn nộp thuế.
Đặc biệt, từ tháng 3 đến hết tháng 12 tới, các đối tượng trên sẽ được khoanh nợ, không phát sinh các khoản chậm nộp để có thêm nguồn lực tài chính ổn định tình hình sản xuất kinh doanh.