13 thành viên Đoàn công tác hy sinh trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3
Đến 19 giờ 30 phút ngày 15/10, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm được tất cả 13 thi thể của Đoàn công tác gặp nạn ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 tại khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Trong đó có thi thể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 và Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.
Những thi thể của cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn công tác vừa được tìm thấy sẽ được đưa về Bệnh viện quân y 2 để bảo quản và sau đó lễ truy điệu sẽ tổ chức chung tại Nhà tang lễ 2, thành phố Huế.
Trước đó, trưa 12/10, sau khi nhận được tin báo qua điện thoại của một công nhân về sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, qua xác minh có 17 công nhân tại đây mất tích, lãnh đạo Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Đoàn công tác gồm 21 người để tiếp cận hiện trường ngay trong ngày. Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 còn cách đó khoảng 13 km. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, do mưa quá lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, đoàn phải dừng chân, nghỉ tại khu nhà của Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24 giờ cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên tòa nhà Đoàn đang nghỉ, chỉ có 8 người thoát khỏi khu vực sạt lở.
Thực hiện chế độ chính sách tốt nhất đối với những người tử nạn
Chiều tối 15/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện về việc cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Tiểu khu 67 và Thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Công điện nêu rõ, đến ngày 15/10, theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 13 thi thể cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ của Đoàn công tác bị hy sinh tại khu vực Trạm Quản lý bảo vệ rừng 67 và một thi thể công nhân của Thủy điện Rào Trăng 3.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình, thân nhân các cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ bị hy sinh và công nhân bị tử hạn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương xác định danh tính người bị nạn; tổ chức, thực hiện tốt việc thăm hỏi, động viên, thực hiện chế độ chính sách tốt nhất đối với cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ và hậu phương gia đình, thân nhân của các cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ đã hy sinh và các công nhân bị tử nạn, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời chuẩn bị các phương án tổ chức Lễ tang đảm bảo trang trọng, chu đáo.
Thủ tướng đề nghị các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Y tế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo các lực lượng khẩn trương tìm kiếm các công nhân còn đang mất tích tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, khẩn trương đưa những người đang bị mắc kẹt do địa hình bị chia cắt ra khỏi nơi nguy hiểm, kịp thời đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men, cứu chữa những người bị thương và thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh môi trường; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện của lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Hiện nay, trên Biển Đông đang hình thành áp thấp nhiệt đới có thể thành bão, gây mưa lớn ở các tỉnh miền Trung, trong đó có khu vực tìm kiếm cứu nạn trong những ngày tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng, Y tế, UBND các tỉnh liên quan, theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi diễn biến của thiên tai, bão lũ để kịp thời ứng phó với tình hình theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhà nước, nhân dân; an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, các công trình trọng yếu, nhất là các tình huống sạt lở đất có thể xảy ra.
Chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông. Hồi 13 giờ ngày 15/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo tới 13 giờ ngày 16/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km; từ 13 giờ ngày 16 đến 1 giờ ngày 17/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Để chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và diễn biến mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu:
Các địa phương thuộc tuyến biển và ven bờ từ Nghệ An đến Bình Thuận cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm (được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo); tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu tránh trú; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các hoạt động du lịch, trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản ven biển.
Các địa phương thuộc khu vực đất liền từ Nghệ An đến Bình Thuận cần sẵn sàng phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và diễn biến mưa lũ, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc công điện số 1393/CĐ-TTg ngày 12/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện việc khắc phục hậu quả mưa lũ.
Sáng 15/10, chủ trì cuộc họp ứng phó với mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong 10 ngày qua, miền Trung liên tục hứng chịu thiên tai dị thường xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, dồn dập. Bộ trưởng đánh giá, công tác chỉ đạo, điều hành đã thực sự quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương đã tập trung cao độ công tác ứng phó, nhờ đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai dị thường. Toàn bộ tuyến biển cơ bản đã đảm bảo ứng phó, toàn bộ hệ thống hồ đập cơ bản đảm bảo an toàn, không có sự cố. Sản xuất toàn vùng cơ bản hè thu và lúa mùa được thu hoạch, thiệt hại đến sản xuất nhìn chung ở mức độ nhỏ…
Tuy nhiên, hoàn lưu cơn bão số 7 sẽ còn tác động gây mưa lớn, cùng với đó là áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, các địa phương rà soát để hướng dẫn sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho nông nghiệp, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, không được chủ quan, phải theo dõi chặt chẽ hệ thống hồ; đặc biệt là hồ thủy điện, thủy lợi; đảm bảo dự trữ nước cho mùa khô năm sau. Bên cạnh đó, các địa phương tổng rà soát các thiết chế hạ tầng, đê biển để kịp thời khắc phục, chuẩn bị để ứng phó những đợt thiên tai sẽ xảy ra thời gian tới.
Về việc hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực Trung Bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổng hợp và gửi Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Cục Thú ý nhu cầu cứu trợ khẩn cấp lương thực, thuốc, hóa chất lọc nước, khử trùng phòng, chống dịch bệnh, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Cụ thể gồm: 6.500 tấn gạo, 5,5 tấn lương khô, 20.000 thùng mì tôm, 300 cơ số thuốc, 3 tấn hóa chất PAC, 119 xuồng các loại, 81 máy phát điện, 257 nhà bạt, 17.420 phao…
Tuổi trẻ xung kích, đồng hành cùng người dân vùng lũ
Trong hai ngày 14 - 15/10, tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, trời đã giảm mưa, mốt số nơi hửng nắng, nước lũ đang rút dần. Người dân Quảng Bình đang tích cực dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại những địa bàn bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ Quảng Bình đã kịp thời có mặt để hỗ trợ, đảm nhận các phần việc giúp bà con tổng dọn vệ sinh, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Trong trận mưa lũ vừa qua, tỉnh Quảng Bình có 2 người chết, 5 người bị thương, hơn 20.000 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng, nhiều tài sản của người dân bị cuốn trôi. Tại huyện Quảng Ninh, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, mưa lũ đã khiến khoảng 5.000 nhà dân bị ngập lụt, một số xã bị ngập và chia cắt cục bộ; hệ thống trường học các cấp, trụ sở làm việc, nhà văn hóa… bị ngập trong nước lũ. Mưa lũ tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Ninh, Vạn Ninh, Gia Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh…
Trong mưa lũ, tuổi trẻ Quảng Bình đã bám nắm địa bàn, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ, không để người dân bị đói, rét. Sau lũ, với tinh thần “nước rút đến đâu khẩn trương hỗ trợ lau chùi, dọn dẹp vệ sinh đến đó”, đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã xung kích, nhiệt tình tham gia hỗ trợ các gia đình, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… khắc phục hậu quả lũ lụt.
Hơn 150 Đội hình thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ Quảng Bình với trên 3.000 đoàn viên, thanh niên đã khẩn trương triển khai các hoạt động, phần việc thanh niên, hỗ trợ nhân dân và các đơn vị khắc phục hậu quả thiên tai. Tại các nơi công cộng, nhất là trường học, trạm y tế, các đoàn viên thanh niên đã sắp xếp lại bàn ghế, rửa bùn đất, quét dọn sân trường, các phòng chức năng để trả lại khuôn viên sạch sẽ cho các đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, cảnh quan môi trường...
Thiên tai, mưa, lũ còn diễn biến phức tạp từ nay đến tháng 11/2020
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 10 ngày tới có các dạng hình thái thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến nước ta như: Áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ, nhiễu động gió Đông trên cao...
Hiện nay, áp thấp nhiệt đới vừa di chuyển vào biển Đông nước ta, đang hướng di chuyển về khu vực miền Trung và có khả năng mạnh lên thành bão, với hình thái này thì khu vực giữa và Nam Biển Đông bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa sẽ có gió mạnh cấp 6 - 7, có khả năng có lúc cấp 8, gió giật rất mạnh, mưa rào và dông mạnh, gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Trong 10 ngày tới nước ta còn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ và nhiễu động gió Đông trên cao, đồng thời gió mùa Tây Nam cũng đang hoạt động mạnh. Đây là tổ hợp các hình thái thiên tai điển hình thường gây mưa lớn diện rộng ở khu vực miền Trung.
Dự báo từ ngày 16 - 21/10, Trung Bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ ngày 16 - 21/10 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến 500 - 800mm, cục bộ có nơi trên 800mm; các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế phổ biến 300 - 500mm, cục bộ có nơi trên 500mm; các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên từ 200 - 300mm, có nơi trên 350mm. Từ đêm 16/10 đến ngày 18/10 ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 100 - 200mm, có nơi trên 250mm.
Ông Mai Văn Khiêm cho biết thêm, theo dự báo dài hơn, từ nay đến hết năm 2020 vẫn còn có khả năng có từ 4 - 6 áp thấp nhiệt đới hoặc bão xuất hiện trên biển Đông, trong đó có từ 2 - 4 áp thấp hoặc bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; vì vậy, tình hình thiên tai, mưa, lũ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt từ nay đến tháng 11/2020.
Mưa lớn tại tỉnh Yên Bái đã gây ra lũ và cuốn trôi 2 người khi qua suối. Cụ thể, khoảng 17 giờ ngày 14/10, chị Hảng Thị Sày, sinh năm 1990, hộ khẩu thường trú tại xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải trên đường đi cắt cỏ về, lội qua suối tại địa bàn xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) thì bị nước cuốn trôi mất tích. Khoảng 18 giờ cùng ngày, anh Mùa A Tráng, sinh năm 1987, thôn Pa Khoang, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu đi cùng đoàn gồm 10 người lội qua suối, không may anh Tráng bị nước cuốn mất tích. Huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đang huy động các lực lượng tích cực tham gia tìm kiếm người mất tích.