Nỗ lực cứu trợ người dân vùng lũ
Những ngày qua, tại tỉnh Quảng Bình mưa lớn, nước lũ bủa vây tứ phía, hơn 100.000 ngôi nhà ngập chìm trong nước; hàng trăm xã, thôn, bản, làng bị cô lập… Trận lũ lụt này được xem là lớn nhất trong vòng hơn 40 năm qua. Tính đến ngày 21/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 7 người chết, hàng chục người bị thương. Số liệu thống kê thiệt hại về kinh tế chưa thể đo đếm được.
Sáng 21/10, mực nước trên các dòng sông đã giảm dần, riêng sông Kiến Giang qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy vẫn ở mức trên báo động 3 và xuống rất chậm… Huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Bình là nơi bị ngập lụt sâu và rộng nhất với hơn 50.000 ngôi nhà bị chìm trong lũ. Đêm 20/10 và sáng 21/10, nước lũ đã xuống nhưng rất chậm, chỉ khoảng chưa đến 30 cm; tình trạng ngập lụt có thể kéo dài trong nhiều ngày tới.
Đáng chú ý, hiện nay nhiều vùng dân cư bị ngập, địa bàn bị chia cắt trong biển nước khổng lồ, việc tiếp cận cứu trợ gặp vô vàn khó khăn, chỉ có thể đến bằng thuyền hoặc ca-nô. Vì vậy, trong những ngày tới, số người dân cần cứu trợ chắc chắn sẽ phát sinh, rất cần sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy chia sẻ, hiện chỉ có thể cứu trợ, cứu nạn bằng thuyền. Lực lượng chức năng huyện đã huy động tất cả mọi nguồn lực để chung lưng, đấu cật cùng nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách lịch sử này.
Tại Thừa Thiên - Huế, nước lũ cũng đang xuống nhưng tại nhiều địa phương vẫn còn ngập sâu, có nơi lên đến hơn 1m. Tại các thôn vùng trũng xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, nước lũ vẫn còn dâng cao, trong đó thôn Xuân Tùy, Nghĩa Lộ bị cô lập. Để đến những vùng này, phải di chuyển bằng thuyền với sự giúp đỡ của người dân nơi đây. Mưa lũ kéo dài gần nửa tháng qua khiến đời sống của người dân vô cùng khó khăn.
Để hỗ trợ người dân, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn cho người dân, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục hậu quả sau mưa bão, hỗ trợ khẩn cấp cho bà con vùng lũ.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất cấp và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và .700 thùng mì tôm từ dự trữ lương thực phòng chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ di dời phòng tránh mưa lũ. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã cấp cho Thừa Thiên - Huế 1.000 tấn gạo cứu đói ban đầu. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp nhận từ các nguồn hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng và đã có hàng chục ngàn suất quà về với người dân vùng lũ. Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả; đồng thời tổ chức cứu trợ người dân bị ảnh hưởng nặng của mưa bão.
Tại Hà Tĩnh, ngày 21/10, trời đã ngớt mưa, tuy nhiên, ở nhiều xã thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh..., nước vẫn chưa rút, người dân còn bị cô lập. Nhiều đoàn cứu trợ đang nỗ lực chuyển những suất quà gồm thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng lũ.
Chính quyền địa phương đã huy động tối đa mọi nguồn lực để cứu trợ bà con bị ngập lụt; trong đó có 3.725 cán bộ chiến sĩ Công an, Biên phòng, Quân sự; trên 4.400 dân quân tự vệ; 1 tàu xuồng và 365 ô tô các loại kịp thời có mặt hỗ trợ cứu người và tài sản giúp nhân dân.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, đến sáng 21/10, trên 100.000 học sinh tại 270 trường học trong tỉnh đã đi học trở lại. Ở những điểm nước đã rút, các trường tranh thủ thời gian vệ sinh trường lớp để sớm đón học sinh trở lại học tập.
Ngày 21/10, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan để bàn giải pháp khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên địa bàn.
Đợt mưa lũ lớn kéo dài từ ngày 6 - 19/10, đã khiến mực nước trên các sông đều vượt đỉnh lũ lịch sử. Theo đó, Quảng Trị đã có 97/124 xã, phường, thị trấn với trên 103.800 hộ gia đình bị ngập lụt, trong đó đã sơ tán trên 25.500 hộ với trên 74.300 lượt người. Tính đến ngày 21/10, toàn tỉnh có 50 người chết, 8 người mất tích, 25 người bị thương; hư hỏng nặng 175 nhà; 347 ha lúa bị ngập, bồi lấp; ngập úng, hư hỏng 2.540 ha hoa màu; gần 1.400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trôi… Rất nhiều công trình nước sinh hoạt nông thôn, thủy lợi, đê điều, giao thông, xây dựng, trường học, y tế… bị sạt lở, ngập nước hoặc mưa lũ cuốn trôi chưa thể thống kê hết. Ước tính ban đầu, giá trị thiệt hại của cơn bão số 5 và đợt mưa lũ kéo dài khiến Quảng Trị thiệt hại trên 2.000 tỉ đồng.
Trước những thiệt hại nặng nề do lũ lụt, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói. Hiện Trung ương đã phân bổ hỗ trợ Quảng Trị 1.000 tấn, đồng thời hỗ trợ 1.000 tấn lúa giống, 80 tấn giống ngô, 15 tấn giống rau, đậu các loại, 500.000 con gia cầm. Công tác cấp bách nhất hiện nay là khắc phục thiệt hại giao thông, cứu trợ người dân vùng bị ngập lụt; đồng thời, tập trung khắc phục hậu quả thiên tai và lên phương án triển khai phòng, chống bão số 8 sắp đến.
Khẩn trương thông tuyến đến Thủy điện Rào Trăng 3
Ngày 21/10, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện đường từ Tiểu khu 67 lên Thủy điện Rào Trăng 4 (huyện Phong Điền) đã thông. Đoạn từ Thủy điện Rào Trăng 4 lên Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền) đã thông khoảng 7 km. Như vậy, còn khoảng 3 km đường nữa chưa được thông. Các lực lượng cứu nạn đang nỗ lực tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Bão số 8 có khả năng ảnh hưởng tới miền Trung vào cuối tuần
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 8 đã đi vào Biển Đông, hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ vào cuối tuần này (ngày 24 - 25/10). Trên toàn bộ khu vực Biển Đông sẽ có gió mạnh. Điều đặc biệt đáng lưu ý là khu vực giữa Biển Đông có thể có gió mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 14. Từ 13 giờ ngày 22/10 đến 13 giờ ngày 23/10, bão tiến gần đến khu vực đảo Hoàng Sa.
Để tiếp tục ứng phó với bão số 8, đồng thời khắc phục hậu quả mưa bão tại miền Trung, ngày 21/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 8 và mưa lũ thời gian qua tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung vào việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển phòng tránh và neo đậu, bao gồm cả các tàu vận tải, tàu vãng lai; tổ chức vận hành các hồ đập thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn, đúng quy trình, chủ động hạ thấp mực nước để đón lũ; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố huy động các lực lượng, tổ chức đoàn thể để nhanh chóng khôi phục đời sống của người dân sau khi lũ rút, tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, chú ý đảm bảo an toàn tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra; cử các đoàn công tác xuống các địa phương để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất.
Các tỉnh, thành phố tổ chức tiếp nhận, phân bổ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp diễn biến của bão, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 18 giờ ngày 21/10, mưa lũ đã làm chết và mất tích 134 người; trong đó có 112 người chết, 22 người mất tích.
Đồng lòng hướng về miền Trung
Với tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", ủng hộ, chia sẻ những đau thương, mất mát của đồng bào miền Trung, trong ngày 21/10, người dân khắp mọi miền cả nước tiếp tục kêu gọi quyên góp, nỗ lực chuyển những suất quà gồm thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng lũ.
Dọc tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) hay trên các tuyến đường hướng về Quảng Bình, hàng trăm chuyến xe mang dòng chữ “Hướng về miền Trung” đang nối đuôi nhau nỗ lực mang những suất quà gửi gắm yêu thương của đồng bào cả nước về với vùng lũ.
Ngoài các mặt hàng cứu trợ thường thấy như mì tôm, nước uống, từ Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Nội và nhiều địa phương khác nữa, người dân đỏ lửa xuyên đêm nấu bánh chưng gửi về vùng lũ miền Trung với hy vọng giảm bớt phần nào khó khăn, vất vả của bà con nơi đây.
Chiều 21/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã đến huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, để kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị huyện Tây Giang cần triển khai tốt các biện pháp, phương án phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân.
Dịp này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao 100 triệu đồng tặng Quỹ khuyến học huyện Tây Giang; trao tặng 15 phần quà cho các hộ gia đình chịu thiệt hại nặng do mưa lũ; tặng quà Công an huyện Tây Giang, Huyện Đội Tây Giang và Đồn Biên phòng A Nông; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã trao 200 triệu đồng hỗ trợ huyện Tây Giang khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cũng trong chiều 21/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đến thăm và tặng quà bà con bị thiệt hại do mưa lũ tại phường Hương Sơn, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày 21/10, đoàn cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, chia sẻ và tặng quà cứu trợ cho người dân vùng rốn lũ hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Tại các nơi đến thăm, đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao tặng các phần quà thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc, hỗ trợ người dân vùng lũ lúc khó khăn, hoạn nạn. Theo đó, các phần quà gồm thùng hàng gia đình (nồi, chăn, thau…), mì tôm, nước uống, sữa, bột lọc nước khử khuẩn, túi hàng cứu trợ khẩn cấp (áo mưa, cơm cháy, lương khô, đèn pin, bánh ngọt…) và tiền mặt. Tổng trị giá cứu trợ khẩn cấp đợt 3 từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho người dân vùng lũ Quảng Bình gần 1,5 tỷ đồng.