Năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn và đạt kết quả tích cực: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 4,83%, trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,41%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 6,83%; dịch vụ tăng 4,11%;...
Quảng Bình cũng là vùng đất còn nhiều khó khăn như khí hậu khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, truyền thống văn hóa, lịch sử, điều kiện tự nhiên. Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, chưa phát triển theo chiều sâu; việc phát triển kinh tế dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế. Công tác quy hoạch chưa sát với tình hình, phát triển đô thị còn chậm. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới.
Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý các nhiệm vụ trọng tâm nêu trong báo cáo của tỉnh và ý kiến của các đại biểu dự họp. Quảng Bình cần huy động tốt mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tốt hơn năm 2021, khắc phục khó khăn, thách thức, giải quyết được mâu thuẫn giữa tiềm năng, lợi thế lớn với cơ chế, chính sách và nguồn lực còn hạn hẹp, bất cập trong kết nối liên thông hạ tầng.
Cụ thể, tiếp tục cụ thể hóa đường lối Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Xác định mục tiêu là phát triển bền vững, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tinh thần là phải tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, trên mảnh đất của mình. Mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa, làm việc có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Quảng Bình phải nhanh chóng hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với xây dựng các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn theo quy định của Luật Quy hoạch 2017 để xác định phương hướng phát triển, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và phân kỳ đầu tư theo khả năng nhưng việc lập quy hoạch phải tổng thể, bài bản, có tầm nhìn xa với tư duy đổi mới.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất, áp dụng các cơ chế chính sách nhằm giải phóng mọi nguồn lực, tiềm năng lợi thế cạnh tranh; tăng cường hợp tác công tư, lấy nguồn lực Nhà nước để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế và người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội; cải cách hành chính mạnh mẽ góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, trọng tâm là tiếp tục đổi mới sắp xếp, kiện toàn, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số các lĩnh vực hành chính công, y tế, giáo dục, văn hóa,…
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Quảng Bình kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, thần tốc, khẩn trương hơn nữa hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vaccine mũi thứ 2 và hoàn thành mũi tiêm thứ 3 trong quý I năm 2022, hoàn thành việc tiêm cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 1 năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, tiếp tục đề cao nhận thức người dân; sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng chống dịch; phát triển hạ tầng chiến lược để tăng cường kết nối vùng, chú trọng hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; chú ý kết nối các khu du lịch; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hiện đại. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng và thân thiện với môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại. Nâng cao mức độ chế biến sâu ở các nhóm ngành công nghiệp chủ đạo...
Về việc chuyển đổi Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II từ điện than sang điện khí và nâng công suất (từ 1.200 MW lên 3.000 MW); phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, chuyển đổi cơ cấu nguồn điện và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giảm dần năng lượng hóa thạch là cần thiết để phát huy tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh và theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương xem xét trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khoa học, hợp lý, cân đối vùng miền, nguồn điện, truyền tải điện, phụ tải điện, sử dụng điện…, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Về hỗ trợ một phần kinh phí nâng cấp, sửa chữa các đoạn kè biển, kè sông và hỗ trợ thêm vốn khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh khẩn trương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án cấp bách và có văn bản báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất nhu cầu hỗ trợ vốn gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai để chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về khởi công dự án đầu tư, xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có văn bản cam kết tiến độ, lộ trình cụ thể, vốn đầu tư thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp ACV không có khả năng thực hiện khởi công Dự án trong năm 2022, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với tỉnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới theo quy định...