Tính toán kỹ hiệu quả đầu tư xây dựng sân bay Long Thành

Dẫu đã đồng tình về mặt chủ trương với quan điểm xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, song bên lề phiên thảo luận về dự án này, nhiều đại biểu vẫn còn bày tỏ những băn khoăn, đồng thời đề nghị cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư của dự án.

Đồng thuận chủ trương


Khẳng định chắc chắn ủng hộ dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, nhìn nhận dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phụ thuộc vào cách tiếp cận theo quan điểm cá nhân của từng người, nhưng trước hết phải đứng trên lợi ích của quốc gia và chiến lược phát triển của đất nước. Với tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam như hiện nay, cần có một cảng hàng không quốc tế tầm cỡ để trước hết phục vụ nhu cầu nội địa và trong tương lai từng bước thực hiện chức năng trung chuyển.

Gắn dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với cơ hội phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, giao thông thuận lợi sẽ tạo thuận lợi để thu hút đầu tư. Đây cũng là vùng kinh tế năng động, không chỉ đến du lịch, nhà đầu tư còn đến để tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh. Có Cảng hàng không quốc tế Long Thành bù đắp được sự quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là điều kiện tốt hơn cho các tỉnh trong khu vực phát triển du lịch, vận chuyển hàng hóa cũng như các chuyến đi quốc tế của nhà đầu tư.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình lớn, liên quan đến lợi ích của quốc gia, vấn đề tuyên truyền, thông tin để tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân là hết sức quan trọng. Đại biểu Phạm Xuân Thăng hy vọng sau khi Quốc hội thông qua, các cơ quan báo chí cùng vào cuộc đồng hành với Quốc hội để tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân, để mỗi người dân thấy đây là biểu tượng, niềm tự hào của quốc gia và cũng xác định được trách nhiệm của mình trong việc đóng góp cùng xây dựng và cùng giám sát trong quá trình xây dựng.

Với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, chắc chắn chủ đầu tư sẽ có phương án chuẩn bị tốt hơn, sát hơn, tránh việc đội vốn đầu tư lên cao – đại biểu Phạm Xuân Thăng tin tưởng. Ông cũng bày tỏ tin tưởng vào khả năng thu hút nguồn vốn xã hội, nếu có phương án khả thi, có sức thuyết phục, hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu để thu hút nguồn đầu tư rộng rãi của cả xã hội vào dự án và nếu quản lý chặt chẽ, lợi nhuận là khá tốt. Đại biểu cho rằng với nhà đầu tư nước ngoài, sức hút đồng vốn phụ thuộc vào việc hoàn thiện báo cáo khả thi, làm sao để có tính khả thi cao nhất, sức hút cao nhất. Đây là lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm, nhưng họ còn chờ đợi vào quyết định của Quốc hội và báo cáo mức độ khả thi của dự án.

Giờ mới tính đến đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, so với khu vực là quá chậm, mất đi một cơ hội, nhưng còn hơn không – đây là quan điểm của đại biểu Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang). Nêu quan điểm cá nhân, ông mong muốn Quốc hội ủng hộ dự án này. Quốc hội đồng ý cho chủ trương đầu tư, Chính phủ nghiên cứu kỹ, tránh các vấn đề phát sinh, tính khả thi của dự án sẽ cao.

Cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư


Nhiều đại biểu cho rằng cần phải bổ sung thêm nhiều nội dung để hoàn chỉnh báo cáo đầu tư sao cho thật sự thuyết phục, để khi triển khai thực hiện mang hiệu quả kinh tế cao, thực sự là biểu tượng của đất nước về sự phát triển giao thông nhưng cũng phải đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế. Ví dụ, phải có luận chứng để chứng minh một cách đầy đủ, rõ ràng hơn chức năng trung chuyển quốc tế của Cảng hàng không Long Thành. Phương án khả thi hơn là trước mắt nên đặt vấn đề sân bay Long Thành đáp ứng nhu cầu nội địa, giải quyết tình trạng quá tải cho Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và đầu tư theo từng giai đoạn một. Khi đã đáp ứng được yêu cầu nội địa một cách tương đối tốt, từng bước mở rộng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cùng với kinh nghiệm và nâng cao trình độ quản lý, sự phát triển về kinh tế của đất nước và của khu vực, chúng ta mới có khả năng cạnh tranh được với các sân bay quốc tế hiện nay đã và đang hoạt động rất tốt, có quá trình đầu tư khấu hao. Cạnh tranh với các cảng hàng không quốc tế này trong khu vực là không đơn giản – đại biểu Thăng lưu ý.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng đề nghị cần làm rõ cơ chế thu hút đầu tư để có một cơ cấu nguồn vốn đầu tư hợp lý theo hướng sử dụng nguồn ngân sách nhà nước ít nhất, sử dụng vốn đầu tư quốc tế và xã hội cao nhất. Với công trình lớn, thời gian đầu tư dài và nguồn vốn rất lớn, vấn đề quản lý đầu tư là rất quan trọng để tránh thất thoát, tránh tham nhũng, lãng phí, đảm bảo có một công trình chất lượng, bền vững, lâu dài.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Ảnh: An Đăng – TTXVN


Nêu ra một loạt băn khoăn của mình, đại biểu Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) cho biết sự cần thiết ai cũng thấy rõ, hiện nay Long Thành là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giải quyết cho sự quá tải của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Phương án mở rộng để giải quyết quá tải ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là rất khó. Việc chọn đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là đúng nhưng vấn đề đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước quan tâm, đó là tính khả thi của dự án.

Tính khả thi cao, việc huy động vốn là không đáng ngại, sẽ không ảnh hưởng đến nợ công bởi vay mà trả được nợ là làm tăng thêm nguồn lực quốc gia nhưng lo ngại nhất là vay mà không trả được nợ. Một điều nữa khiến đại biểu quan tâm là đầu tư hiện nay thường chuẩn bị không kỹ, muốn đầu tư nhanh dẫn đến không tính toán hết những rủi ro của dự án, dễ dẫn đến việc chọn nhà thầu thi công không đảm bảo năng lực, đội giá, chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư nên làm mất tính khả thi của dự án, cùng với đó là những băn khoăn việc đầu tư sân bay có dẫn đến tham nhũng, lãng phí, thất thoát?...

Trái với những lạc quan về việc huy động vốn, đại biểu Lê Hồng Tịnh cho rằng chúng ta đang quá lạc quan, đánh giá tình hình phục hồi kinh tế chung hiện nay, việc huy động vốn ODA hay đầu tư nước ngoài không phải dễ. Dự án lớn như vậy, huy động khả năng và năng lực của nhà đầu tư trong nước cũng không phải là dễ, đây là câu hỏi cần quan tâm khi đặt ra tính khả thi của dự án. Theo đại biểu, mặc dù Đồng Nai rất “tha thiết” đưa ra phương án giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư sân bay, tạo nguồn lực cho tỉnh nhưng yếu tố quan trọng nhất là người dân, phải lấy ý kiến người dân. Sự đồng thuận của người dân là rất quan trọng. Sau khi giải phóng mặt bằng, dự án cần quan tâm giải quyết sinh kế, việc làm lâu dài của người dân. Nhấn mạnh đến một vấn đề quan trọng, đó là nguồn nhân lực, đại biểu Lê Hồng Tịnh cho rằng ngay từ bây giờ, khi Quốc hội thông qua chủ chương, công tác đào tạo cần sớm được triển khai để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của dự án. Tiến tới một sân bay hiện đại, công nghệ tiên tiến, đạt tầm cỡ quốc tế với 100 triệu hành khách/năm, công tác đào tạo cán bộ để xứng tầm với nó là điều cần quan tâm.

Để tiến tới một cảng hàng không quốc tế trung chuyển, chúng ta đi sau, liệu có cạnh tranh được với Thái Lan, Singapore, Malaysia? – ông Lê Hồng Tịnh đặt câu hỏi. Đại biểu cho rằng các nước đi trước, có dịch vụ hàng không hoàn chỉnh và đã khấu hao một phần, cách quản lý cũng rất thông thạo, Việt Nam cần có sự chuẩn bị chu đáo để có thể cạnh tranh được.


Chu Thanh Vân (TTXVN)
Tán thành chủ trương xây sân bay Long Thành
Tán thành chủ trương xây sân bay Long Thành

Xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) với mục tiêu khắc phục tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN