Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết: Hiện nay ở nước ta, cơ quan thực thi vẫn còn khái niệm tương đối mới và chủ yếu được đề cập đến trong một số diễn đàn, các nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế. Vì vậy, nghiên cứu, tìm hiểu và đề xuất xây dựng mô hình tổ chức các cơ quan độc lập có chức năng thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030, nhằm thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm cải cách thể chế hành chính trong 10 năm tới là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn mô hình tổ chức cơ quan thực thi của một số nước trên thế giới; trên cơ sở đó đề xuất quan điểm, định hướng và điều kiện tổ chức mô hình cơ quan thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay là hết sức cần thiết. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu phục vụ cho việc đề xuất hoàn thiện hệ thống hệ thống tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Tham luận tại hội thảo, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết: Vào những năm cuối thế kỷ XX, cải cách hành chính trở thành một xu thế phổ biến không chỉ ở các nước phát triển mà cả các nước đang phát triển. Các lý thuyết gia cho rằng mọi người có thể hạn chế sự lãng phí của bộ máy chính phủ bằng cách để các cơ quan này tham gia cạnh tranh với khu vực tư nhân, hoặc gần như tham gia vào thị trường. Theo đó, xu hướng tại một số nước trên thế giới, để tách bạch việc ra chính sách và việc thực thi chính sách, một số cơ quan thực thi chính sách được khuyến nghị ra đời cho phép phân phối các chức năng thực hiện chính sách công của chính phủ được thực hiện tách biệt nhưng trong khuôn khổ luật pháp. Một số cơ quan tập trung vào việc ban hành và làm chính sách, sau đó họ chuyển giao chính sách sang cho các cơ quan khác thực thi chính sách.
Tiến sỹ Lê Anh Tuấn phân tích, với mục tiêu tách bạch giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan thực thi chính sách, mô hình cơ quan thực thi chính sách đã được thành lập. Các cơ quan này có chức năng cung cấp các dịch vụ công; tổ chức thực hiện, chức năng, nhiệm vụ gắn với lĩnh vực chuyên môn nhằm đảm bảo các mục tiêu chính sách; thực hiện các nhiệm vụ mà cơ quan quản lý nhà nước khác không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả. Cơ quan thực thi chính sách thường không thực hiện chức năng quan lý nhà nước mà chỉ thực hiện chức năng trực tiếp hoạch định chính sách và cung ứng dịch vụ công đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các cơ quan cấp Bộ tại Việt Nam có nhiệm vụ chính là quản lý nhà nước và hoạch định chính sách nhưng thực tế hiện nay lại đang bị áp lực khi phải giải quyết quá nhiều công việc không phù hợp dẫn đến quá tải. Câu chuyện "một mâm cơm ba bộ quản lý" gây ra nhiều tranh cãi nhưng vẫn chưa thể giải quyết mà vẫn là một thực trạng mang tính hạn chế trong hoạt động quản lý, thực thi. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông, để tránh tính trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, đồng thời tách bạch cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan thực thi, chúng ta cần phải tư duy lại những cơ quan thuộc Chính phủ, chuyển một số đơn vị của Bộ sang các cơ quan khác để thực hiện nhiệm vụ mang tính chuyên sau.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Anh, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh và các quy định pháp luật liên quan vẫn chưa xác định rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ công tác của Hội đồng cạnh tranh trong hệ thống Bộ máy Nhà nước. Điều này gây nhiều khó khăn cho Hội đồng cạnh tranh trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong các hoạt động đòi hỏi sự hợp tác từ phía các cơ quan nhà nước khác. Mô hình cơ quan thực thi hiện tại ở Việt Nam chưa bảo đảm tính độc lập - yếu tố cần thiết để giải quyết tranh chấp trong nền kinh tế thị trường khi mà Nhà nước vẫn nắm trong tay khá nhiều doanh nghiệp và do vậy cần có sự giám sát khách quan đảm bảo cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp khác trên thị trường.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Anh lấy ví dụ, trong một báo cáo khảo sát, phỏng vấn chuyên gia có ý kiến đóng góp về mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh, có khoảng 85% chuyên gia đồng ý với quan điểm cho rằng mô hình Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương như hiện nay không phù hợp do Bộ Công Thương là Bộ chủ quản của rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước lớn mà các doanh nghiệp này lại thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.
Theo các đại biểu, hiện tại, bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với trước đây, cơ cấu tổ chức ngày càng được hoàn thiện; chức năng nhiệm vụ được phân định rõ ràng hơn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan để điều chỉnh theo hướng phù hợp. Điều này góp phần quan trọng vào chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính, dần đáp ứng theo yêu cầu của tiến trình cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Trong đó, một phần là do bộ máy hành chính còn cồng kềnh, phức tạp, đây chính là một trong những “nút thắt” cần sớm được tháo gỡ trong thời gian tới, nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Vì vậy, cần phải nhanh chóng và mạnh dạn chuyển sang các mô hình khác phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình mới, đặc biệt với cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, đơn cử như có thể áp dụng việc tách bạch tổ chức cơ quan tham mưu chính sách và cơ quan thực thi chính sách; đồng thời qua đánh giá kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về cơ quan thực thi chính sách, cũng như nắm bắt được bối cảnh ra đời, pháp lý, cơ cấu tổ chức cũng như một số hoạt động của các cơ quan này.
Có thể thấy rằng, việc tổ chức/thành lập các cơ quan thực thi là một hướng đi đúng đắn và nên được áp dụng tại Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta đang ngày càng phát triển. Cơ quan thực thi ra đời nhằm giúp Chính phủ tránh được việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, giúp minh bạch hóa quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện các cơ quan thực thi còn giúp Chính phủ và nhà nước tinh gọn bộ máy, giảm thiểu nguồn nhân lực trong các đơn vị này nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.