Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách châu Á, Trung Đông và châu Đại dương Ruben Molina cùng toàn thể cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Venezuela.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Lê Viết Duyên nhấn mạnh, cách đây 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu việc giành lại độc lập, tự do cho một dân tộc đã có 4.000 năm lịch sử.
Đại sứ khẳng định ngày 2/9/1945 là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của nghìn năm lịch sử Việt Nam, đập tan sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, lật đổ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ một quốc gia không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã trở thành một nước thành viên chủ động, tích cực, đầy trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, có vị thế ngày càng cao và trở thành điểm sáng trên thế giới.
Đại sứ Lê Viết Duyên cũng cho biết, tuy cách xa nhau nửa vòng Trái đất, Việt Nam và Venezuela là những dân tộc anh em, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống mật thiết; Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Venezuela, sẵn sàng ủng hộ Chính phủ và nhân dân Venezuela trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và phát triển đất nước.
Cũng trong dịp này, Đại sứ Lê Viết Duyên đã thực hiện cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến với chương trình Buena Vibra của Đài Truyền hình quốc gia Venezolana để giới thiệu về lịch sử, những sự kiện đánh dấu cho nền độc lập Việt Nam và chia sẻ những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau gần 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới cũng như những thành quả to lớn trong hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trên nền tảng đối tác toàn diện với Venezuela.
Cũng trong dịp này, các báo Correo del Orinoco và Aporrea đã đăng bài viết của Đại sứ Lê Viết Duyên điểm lại quá trình 75 năm phát triển của Cách mạng Việt Nam, công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại vào năm 2045.
* Cũng trong ngày 1/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đã tổ chức kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam. Phát biểu chúc mừng nhân sự kiện đặc biệt này, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Andres Allamand đánh giá cao quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai nước, cho rằng Chile và Việt Nam chia sẻ mối quan tâm chung như tự do thương mại, tìm kiếm sự phát triển bền vững và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc tế khác nhau, như trong các lĩnh vực cần thiết để cùng nhau đối mặt với đại dịch COVID-19.
Ông Allamand cũng đánh giá hai nước có sự phối hợp mẫu mực khi tham gia các khuôn khổ đa phương như APEC và Diễn đàn Hợp tác Đông Á và Mỹ Latinh (FEALAC); hai nước đều là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), qua đó có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa trao đổi thương mại song phương, vì lợi ích trực tiếp của mỗi nước.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa đã có bài viết về những bước chuyển mình trong lịch sử phát triển 75 năm qua của Việt Nam, từ một đất nước bị chia cắt trở thành một đất nước thống nhất, từ một đất nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chiến tranh trở thành một nước Việt Nam mới, với diện mạo mới và vị thế mới trên trường quốc tế. Đại sứ nhấn mạnh ngày nay, tiến bước mạnh mẽ trên con đường 75 năm cách mạng vẻ vang, Việt Nam đang vươn tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương, đạt gần 2%. Cán cân thương mại thặng dư gần 11 tỷ USD. Cho đến nay, Việt Nam vẫn kiềm chế, kiểm soát được dịch và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Chính phủ Việt Nam tập trung làm tốt vai trò kiến tạo phát triển và quyết tâm hành động đổi mới, tái cơ cấu kinh tế bền vững, tự cường và chuyển đổi sang nền kinh tế số, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả.
Theo Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã bước đầu đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), bao gồm làm tốt cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ trong tháng 1/2020, với nhiều hoạt động và sáng kiến quan trọng kịp thời.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên LHQ; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.