Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng đoàn; Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn; Đoàn Quốc hội do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm Trưởng đoàn; Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn, đã đến viếng đồng chí Nguyễn Đức Bình và chia buồn cùng gia quyến.
Đến viếng đồng chí Nguyễn Đức Bình và chia buồn cùng gia quyến còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và Nguyễn Sinh Hùng; nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng.
Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Đức Bình, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa viếng.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, Đoàn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đơn vị công tác gắn bó nhiều năm với đồng chí Nguyễn Đức Bình do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Nguyễn Xuân Thắng làm Trưởng đoàn đã đến viếng.
Đoàn Tỉnh ủy, UBND, HĐND, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, quê hương đồng chí Nguyễn Đức Bình, do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn làm Trưởng đoàn đến viếng.
Nhiều đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các địa phương trong cả nước và các đoàn quốc tế đã đến viếng và gửi vòng hoa viếng đồng chí Nguyễn Đức Bình.
Trong niềm xúc động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi sổ tang: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, đã từng giữ nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước, có nhiều công lao to lớn và thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đặc biệt là trong lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng, văn hóa và khoa giáo của Đảng.
Đồng chí mất đi để lại cho chúng ta niềm tiếc thương vô hạn và những tình cảm quý trọng, yêu mến sâu sắc. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí. Xin vĩnh biệt anh Nguyễn Đức Bình quý mến. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến toàn thể gia đình".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang: "Vô cùng thương tiếc Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Với 92 tuổi đời, hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Bình đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng ta.
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình đồng chí".
Tại Nhà Tang lễ Quốc gia, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Đức Bình đã được cử hành trọng thể. Dự Lễ truy điệu có các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng, cùng gia đình và bạn bè của đồng chí Nguyễn Đức Bình.
Đọc điếu văn tại Lễ truy điệu, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Lễ tang xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Đức Bình, người Đảng viên cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, đã có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc và nhân dân ta.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 0 giờ 44 phút, ngày 31/1/2019 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Mậu Tuất) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, thọ 92 tuổi.
Đồng chí Nguyễn Đức Bình (tên khai sinh Nguyễn Bình), sinh ngày 9/9/1927 tại xã Trung Lương, huyện Đức Thọ (nay là phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh), tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước. Tháng 3 năm 1945, đồng chí làm liên lạc cho Việt Minh, tham gia các cuộc biểu tình đấu tranh, giành chính quyền ở xã. Tháng 8/1945, đồng chí là Thường vụ Việt Minh xã, Chấp hành Thanh niên cứu quốc, Trưởng ban Tuyên truyền.
Năm 1946, đồng chí làm việc tại Huyện ủy Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 1/7/1946, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1948, đồng chí phụ trách Văn phòng Ban liên lạc miền Bắc Trung bộ (Liên khu IV). Năm 1949, đồng chí là Phó Bí thư Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Tháng 1/1950 đến tháng 10/1953, đồng chí lần lượt đảm nhiệm các chức vụ làm cán bộ nghiên cứu trong các Ban Đảng vụ của Liên khu ủy 4 rồi cán bộ nghiên cứu của Ban Tuyên huấn của Liên khu ủy 4.
Tháng 10/1953 đến tháng 8/1954, đồng chí làm Trưởng ban Tuyên huấn tiền phương thuộc Đảng ủy cung cấp mặt trận Trung Lào.
Tháng 8/1954 đến tháng 12/1958, sau khi hòa bình lập lại, đồng chí phụ trách bộ phận tuyên truyền, thời sự chính sách ban Tuyên huấn Liên khu ủy 4. Năm 1957, đồng chí đi học khóa I, trường Nguyễn Ái Quốc I (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Năm 1959, đồng chí về công tác tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc làm giảng viên rồi Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học. Năm 1976, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công làm Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc kiêm Phó Giám đốc Trường Chính trị đặc biệt K.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), đồng chí tiếp tục được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, được phân công phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo, kiêm Giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996), đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, chỉ đạo công tác lý luận và khoa học xã hội, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, VIII.
Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; phong tặng danh hiệu Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Bình luôn giữ vữngý chí, phẩm chất của người chiến sỹ cộng sản, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; đã có nhiều công lao và cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta. Đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; luôn kiên định Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là tấm gương không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sống giản dị, khiêm tốn; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là tấm gương để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sỹ cả nước học tập và noi theo.
Là Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương (nhiệm kỳ I), Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh suốt 4 nhiệm kỳ, Đồng chí đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của nhà lý luận chính trị, nhất là trong giai đoạn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có nhiều biến động. Đồng chí đã cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra đường lối đổi mới và có những quyết sách kiên định độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Gắn nghiên cứu lý luận với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng chí Nguyễn Đức Bình đã cùng tập thể lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên của Học viện luôn nhớ đến Giáo sư Nguyễn Đức Bình là một người thầy, nhà lãnh đạo mẫu mực, giàu nhiệt huyết; người đồng chí luôn gần gũi, chân thành, bao dung với đồng nghiệp.
Trong gia đình, đồng chí Nguyễn Đức Bình luôn là người Cụ, người Ông, người Cha đức độ, mẫu mực, mãi là tấm gương cho con cháu noi theo.
Lễ an táng đồng chí Nguyễn Đức Bình sẽ được cử hành vào hồi 8 giờ 30 phút, chủ nhật, ngày 3/2/2019 tại Nghĩa trang Rú Nâm, Tổ dân phố Quỳnh Lâm, phương Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.