Nhân dịp này, Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi viết về đất nước, con người Ấn Độ. Cuộc thi đã được phát động từ năm 2019 nhân kỷ niệm 72 năm ngày Độc lập của Ấn Độ và 150 năm ngày sinh của vị cha già dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi.
Tại buổi tọa đàm, bà Phan Lan Tú, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội chia sẻ, một số nhà nghiên cứu cho rằng có dấu hiệu đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên tại khu vực Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) do một số tăng sĩ Ấn Độ đi cùng các thương nhân đến buôn bán ở Việt Nam.
Như vậy, có thể nói đạo Phật được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và có sự gắn bó, hòa đồng với truyền thống, văn hóa, bản sắc của dân tộc Việt, được người Việt chấp nhận để có thể tồn tại và phát triển đến ngày nay. Cùng với sự du nhập của đạo Phật là tiếng Phạn, một ngôn ngữ có nguồn gốc cổ xưa từ Ấn Độ cũng dần được biết đến tại Việt Nam. Tọa đàm được tổ chức với mục đích giúp các hội viên, Phật tử có thêm hiểu biết về tiếng Phạn và văn hóa Phật Giáo Việt Nam.
Để làm rõ thêm vai trò của ngôn ngữ cổ Ấn Độ, Tiến sỹ G.B.Harisha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda tại Hà Nội đã đưa ra những ví dụ từ các câu thơ, lời kinh và nét văn hóa của đất nước Ấn Độ. Nhiều đại biểu tham gia tọa đàm cho biết rất ấn tượng với những thông tin của Tiến sỹ G.B.Harisha, từ đó thêm hiểu về mối liên quan giữa tiếng Phạn và Phật giáo Việt Nam...
Tại buổi tọa đàm, Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội đã công bố thông tin và trao giải Cuộc thi viết về đất nước, con người Ấn Độ và tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ. Cuộc thi được phát động nhân dịp 72 năm ngày Độc lập Ấn Độ (15/8/1947-15/8/2019) và nhân kỷ niệm 150 ngày sinh của Mahatma Gandhi, nhằm tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Ban giám khảo đã trao 5 giải cá nhân và 1 giải tập thể cho các tác giả là hội viên, những người yêu mến, quan tâm đến đất nước Ấn Độ đang sinh sống tại các tỉnh, thành trên cả nước.